Con đường công danh, thăng tiến không phải dễ đạt được. Nhưng "rút lui" thậm chí còn khó hơn nhiều.
Có lẽ vì thế mà trước 4.500 đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc của ngành tổ chức xây dựng Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng mới nói rằng những cán bộ tự cảm thấy không đủ năng lực, không đáp ứng yêu cầu công việc thì chủ động xin nghỉ, đó cũng là nêu gương.
Trong nhiệm kỳ này, cũng đã có những ví dụ về sự chủ động "rút lui" của người đang giữ cương vị quan trọng, mặc dù các lý do đưa ra có thể mang sự tế nhị khác nhau khiến dư luận bàn ra tán vào.
Tháng 9-2017, báo chí loan tin bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh xin nghỉ hưu trước tuổi (thời điểm đó ông Chánh 58 tuổi và mới làm bí thư được nửa nhiệm kỳ), lý do được tiết lộ là ông muốn có thời gian phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc gia đình.
Trước đó, ông Chánh bị kỷ luật khiển trách vì liên quan đến vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh.
Cũng cuối năm 2017, một thành viên Chính phủ đệ đơn lên cấp có thẩm quyền để xin thôi nhiệm vụ khi đang ngồi trên một chiếc "ghế nóng" và bày tỏ nguyện vọng chuyển sang vị trí khác.
Trả lời báo chí về trường hợp này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: "Cán bộ đang công tác ở địa phương được điều chuyển lên trung ương có thể hồ hởi, phấn khởi. Tuy nhiên sau thời gian công tác, cán bộ đó có thể do sức khỏe, do vấn đề gia đình nên họ không đảm bảo được việc thực hiện nhiệm vụ và có đơn xin thôi thì nên ủng hộ".
Tương tự như chuyện từ chức, việc chủ động "rút lui" khỏi các vị trí quan trọng khi tự cảm thấy bản thân mình không phù hợp, phải chịu sức ép lớn hoặc thậm chí để tiến cử người khác xứng đáng hơn, đối với nền công vụ ở Việt Nam vẫn còn hi hữu.
Vượt qua chính mình để đưa ra quyết định như vậy luôn rất khó khăn trong môi trường văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội bao quanh nền hành chính chậm đổi mới của chúng ta.
Chính vì vậy, không thể chỉ trông đợi vào sự chủ động "nêu gương" của cán bộ trong trường hợp này, Thường trực Ban Bí thư đã đồng thời yêu cầu ngành tổ chức phải có biện pháp để kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Không để "lọt" vào bộ máy những cán bộ quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.
Thiết nghĩ, để các biện pháp "sàng lọc" và văn hóa "rút lui" có hiệu quả hơn, trở thành nền nếp, thói quen trong nền công vụ, cần nâng cao hơn nữa vai trò của nhân dân trong kiểm soát quyền lực, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức.
Nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: "Nguồn tin của nhân dân không bao giờ cạn. Nhân dân sẽ đóng góp chân thành để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện bộ máy nhà nước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận