08/09/2005 17:02 GMT+7

Văn hóa... hậu ly hôn

Theo Thanh niên
Theo Thanh niên

Ly hôn là chuyện “đặng chẳng đừng”. Vợ chồng đối xử với nhau như thế nào sau khi ly hôn mới là điều đáng nói, bởi lẽ điều đó không chỉ là chuyện riêng của người lớn mà còn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và cả tương lai của con cái.

elRkjz6R.jpgPhóng to
Ly hôn là chuyện “đặng chẳng đừng”. Vợ chồng đối xử với nhau như thế nào sau khi ly hôn mới là điều đáng nói, bởi lẽ điều đó không chỉ là chuyện riêng của người lớn mà còn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và cả tương lai của con cái.

Những chuyện tôi kể sau đây đã và đang diễn ra quanh tôi...

Kẻ thù

Người phụ nữ đến nhờ tư vấn trẻ rất nhiều so với cái tuổi thật đã ngoài 40 của chị. Chị tên Hiền, lấy chồng từ năm 22 tuổi, đến nay đứa con trai đầu đã sắp vào đại học. Cuộc sống với người chồng ích kỷ, thô bạo khiến cuộc sống gia đình luôn rơi vào thảm cảnh. Mấy lần chị đệ đơn ra tòa thì mấy lần chồng năn nỉ hối cải, rồi cộng thêm chuyện gia đình chị ngại tiếng thị phi nên chị nín nhịn. Chồng chị chứng nào tật ấy, đầu năm 2005, chị ra tòa xin chính thức ly hôn chồng. Nhưng cũng từ đó chẳng khi nào chị yên ổn vì luôn bị chồng cũ quấy rối.

Chị đưa dòng tin nhắn bậy bạ của chồng với đủ thứ tục tĩu mà tôi không tiện kể ra đây, rồi cười buồn: "Những lời như thế này tôi đã từng bị nghe suốt trong 20 năm qua. Ly dị rồi mà anh ta vẫn chưa thôi tra tấn". Anh chồng còn trắng trợn đe dọa: "Tao sẽ cho mày tàn đời". Hoảng loạn, chị đã vài lần gửi đơn lên công an phường nhờ can thiệp. Đứa con trai ở với mẹ, không ít lần vô tình đã đọc được lời nhắn hết sức bậy bạ của cha. Nhưng chưa hết, anh chồng còn đi nói xấu vợ khắp nơi, đòi chia chác tài sản...

Trường hợp khác. Hai vợ chồng chia tay với nhau đã lâu vì anh đã có mối tình ngoài. Chị giành nuôi con vì cho rằng chồng không có khả năng và không còn xứng đáng làm cha. Mỗi lần anh đến thăm con, chị không cho vào cửa. Đồ đạc của anh gửi cho con chị đều vứt đi vì "nhà này không thiếu". Chị dặn các con: "Cấm đến nhà cha chúng mày, tao mà biết được thì đánh cho què giò". Mỗi lần con hư, mắng con chị lại diễn điệp khúc: "Sao mày giống thằng cha mày quá vậy". Rồi lôi tội của chồng ra kể lể. Tội nghiệp hai đứa trẻ, chị đã biến chúng thành cái "bung xung" để trút mối hờn cũng vì chuyện "chẳng đặng đừng".

Một ngày cũng là nghĩa

Ngược lại, cũng có những cặp lại coi nhau như những người bạn, xử sự rất có văn hóa. Bà Hoàng Thanh, dù đã ly hôn chồng, lập gia đình mới ở xa nhưng mỗi khi chồng cũ có việc là bà lại bôn bả về lại chốn cũ, chăm sóc ông chồng và lo liệu việc nhà giúp ông một tay. Ông đi nằm bệnh viện bà vào chăm sóc, hết bệnh bà mới trở về nhà. Mỗi khi có dịp về quê bà tá túc tại căn phòng ông đang sống, ăn cùng mâm (tất nhiên là không ngủ cùng giường) với chồng cũ cùng các con.

Bạn bè của hai người biết được, chọc "tình cũ không rủ cũng tới" thì ông bà cười: "Không còn tình vợ chồng thì cũng còn tình bè bạn". Điều hay hơn nữa là người chồng sau của bà lại tỏ ra rất thông cảm và động viên vợ: "Bà cứ yên tâm đi đi, việc nhà đã có tôi lo liệu. Dẫu sao ảnh cũng là cha của mấy đứa nhỏ. Vả lại, trong chuyện xa nhau này bọn mình có lỗi nhiều hơn". Ngày chồng cũ của bà mất, bà về lo liệu hậu sự cho ông chu đáo và cũng đội khăn trắng như một người vợ thực sự.

Với ông bà Ngọc - Dung, dẫu ly hôn nhưng họ vẫn có mối liên hệ qua lại, xem nhau như bạn bè vì giữa họ còn có các con. Mỗi khi có việc hệ trọng quyết định đến tương lai của con cái, hai người đều ngồi lại bàn tính với nhau nên quyết định như thế nào cho phải từ chuyện học hành đến chuyện yêu đương, dựng vợ gả chồng cho các con. Ngày cưới của các con, không những chỉ có cha mẹ ruột mà cả dì - dượng (được vận động) cũng đều đến dự, chúc phúc cho các con.

Nỗi niềm của những đứa con

Thắng - đứa con duy nhất của chị Hiền - là phải chịu khổ nhiều nhất. Năm nay Thắng đã học lớp 12. Những lần vô tình cầm điện thoại của mẹ, đọc được những lời nhắn tin xàm bậy của cha, Thắng đau lòng lắm. Chị Hiền cho tôi xem nhật ký của Thắng: "Cha đã không chừa một thủ đoạn nào để làm nhục mẹ. Đi nói xấu mẹ mọi nơi, mọi chốn, rêu rao mẹ có người tình rồi mới bỏ ba, rồi ba đòi giết mẹ. Có căn nhà nhỏ hơn chục mét vuông con với mẹ đang ở, ba cũng đòi phải chia đôi. Đâu rồi những bài học đạo đức làm người mà ba đã dạy khi con còn nhỏ?...".

Người viết bài này cũng từng là nạn nhân của một gia đình tan vỡ. Từ nhỏ chị em tôi đã phải xa cách nhau vì một đứa ở với cha, một đứa ở với mẹ. Nhưng chúng tôi không hề cảm thấy thiếu vắng tình thương của hai người bởi cha, mẹ chúng tôi rất có trách nhiệm với con cái dầu đã có cuộc sống riêng.

Từ chuyện học hành, đến chuyện yêu đương rồi dựng vợ gả chồng cho con, ba mẹ tôi đều cùng nhau bàn bạc rất kỹ lưỡng. Bao giờ họ cũng xưng "anh-em". Trong bối cảnh gia đình như vậy nhưng chúng tôi vẫn được học hành đàng hoàng, và không hề mặc cảm mình là những đứa trẻ bị bỏ rơi, không bị ám ảnh bởi cuộc sống gia đình tan vỡ...

Ly hôn là chuyện của người lớn nhưng chính con cái mới là người chịu khổ nhiều nhất. Chỉ xin rằng hậu ly hôn, các bậc làm cha, làm mẹ hãy đối xử như thế nào cho có văn hóa, còn giữ lại chút tình người với nhau để con cái khỏi buồn lòng, tủi phận.

Theo Thanh niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp