27/06/2012 08:09 GMT+7

Văn hóa Hàn - "quyền lực mềm" và mối lo

CÁT KHUÊ ghi
CÁT KHUÊ ghi

TT - Trong khoảng 20 năm qua, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hàn lưu - Hallyu) đã lan tỏa đến châu Á và tác động khá mạnh mẽ tới VN dẫn tới những nhận định trái chiều.

Hallyu sẽ ảnh hưởng ra sao? Và Hallyu liệu đã tới lúc thoái trào?

65UTGEJD.jpgPhóng to
Những người hâm mộ từ Thái Lan qua Việt Nam xem Super Junior (ban nhạc của Hàn Quốc) biểu diễn - Ảnh: T.T.D.

Chính từ những phản ứng ngược chiều đó, ngày 26-6 tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế “Tìm hiểu làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở châu Á”. Hội thảo có sự tham dự của các giáo sư, tiến sĩ VN - Hàn Quốc đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học của VN và Hàn Quốc, Mỹ, Anh với 18 báo cáo, tham luận phân tích về ảnh hưởng của Hallyu ở châu Á nói chung và ở VN nói riêng.

Anh em nhà bác sĩ mở đầu cho làn sóng Hàn ở VN

Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền cùng một số diễn giả khác có cùng quan điểm khi cho rằng thời điểm HTV phát sóng bộ phim Anh em nhà bác sĩ (1998) có thể coi là mốc mở đầu cho Hallyu ở VN.

Lựa chọn Đồng Nai là một địa phương để khảo sát tác động của Hallyu, tiến sĩ Huỳnh Văn Tới cho biết ở Đồng Nai, Hàn Quốc là nước có doanh nghiệp đầu tư vào đây nhiều nhất nhưng ưu thế ấy không phải là biểu trưng cho sự thân thiện, vì năm 2011 có đến 40 cuộc đình công của gần 5 vạn công nhân Việt thuộc các doanh nghiệp Hàn. Qua khảo sát 400 người dân Đồng Nai, kết quả cho thấy hình ảnh Hàn Quốc đến với họ thông qua màn ảnh nhỏ chiếm đến gần 90% (với top 3 là trên 90% đã xem Ngôi nhà hạnh phúc, trên 70% đã xem Anh em nhà bác sĩ và trên 60% đã xem Nàng Dae Jang Geum). Tác động này khá dễ hiểu khi hầu như ngày nào cũng có ít nhất 10 phim Hàn được phát sóng trên các kênh truyền hình mà người Đồng Nai có thể xem.

Lý giải về sự hấp dẫn của phim ảnh Hàn với người dân, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông cho rằng sức hút ấy đến từ lòng trắc ẩn, sự lý tưởng hóa, sức trẻ, sự chung thủy, sự khác biệt và độc đáo. Hallyu đã thâm nhập vào năng lực thấu cảm văn hóa của giới trẻ để rồi ảnh hưởng đến sở thích và nhu cầu của họ trong cuộc sống bởi sự phức hợp của ba yếu tố: tiêu dùng - giải trí - truyền thông.

Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền lại tiến hành một cuộc khảo sát khác trong năm 2012 đối với 1.114 HS, SV - đối tượng quan trọng tiếp thu Hallyu bởi lợi thế sử dụng Internet. Kết quả cho thấy HS, SV đáp ứng rất tích cực với phim Hàn (K-movie, 59% rất thích) và nhạc Hàn (K-pop, gần 50%). Con số gần 50% HS, SV thích K-pop thấp hơn nhiều con số 86% HS, SV thích K-pop mà Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại VN khảo sát từ năm 2009. Điều này phản ánh xu hướng có thật của giai đoạn bão hòa, chùng xuống của Hallyu ở VN.

Theo tiến sĩ Thu Hiền, điều cuốn hút HS, SV khi xem phim Hàn chính là “sự tích hợp âm dương mà nó đạt đến khi xây dựng hình tượng Hàn Quốc rất hiện đại, đồng thời rất cổ truyền. Hàn Quốc từng là nước nhỏ và nghèo như VN trước khi nhảy vọt trở thành một nước công nghiệp hiện đại với xã hội thông tin công nghệ cao chỉ trong vòng hơn 40 năm. Kiểu thức phát triển của Hàn Quốc thỏa mãn những nhu cầu tinh thần của HS, SV cả về sự giàu có, thịnh vượng vật chất lẫn sự tôn vinh các giá trị đạo đức, nhân văn”.

Ở một khía cạnh khác, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông cho rằng hiện tượng yêu thích đến cuồng thần tượng giải trí Hàn chỉ là số ít. Giới truyền thông Việt đã góp phần tạo ra một cái nhìn thiếu khách quan về vấn đề này!

Ai lo ngại?

Hallyu trong khoảng 10 năm qua đã phát triển rộng khắp châu Á. Bên cạnh mối lo ngại dấy lên rằng với Hallyu, Hàn Quốc đang nắm trong tay một “quyền lực mềm” thì chính người Hàn lại đang lo ngại rằng Hallyu đã qua đỉnh sóng, đang ở khoảng “sóng xuôi” và có thể sẽ kết thúc trong vòng năm năm nữa (ý kiến của giáo sư Kim Myeong Hye).

Nhưng Hallyu thật sự có ý nghĩa thế nào trong sự tác động và ảnh hưởng đến văn hóa VN? Đối tượng HS, SV được khảo sát của tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền đã đề xuất hướng giải quyết quan hệ giữa tiếp thu ảnh hưởng ngoại nhập và giữ gìn truyền thống dân tộc bằng cách kiểm soát việc nhập khẩu văn hóa, không chạy theo lợi nhuận mà buông lỏng quản lý, tiếp thu có chọn lọc, không thể cấm những người trẻ tiếp nhận - sử dụng sản phẩm Hallyu thì nên tăng cường giáo dục lòng yêu nước, tự hào với truyền thống văn hóa dân tộc, đẩy mạnh trao đổi giao lưu Việt - Hàn và đầu tư mạnh mẽ để phát triển văn hóa đại chúng (âm nhạc, phim ảnh) Việt.

Tiến sĩ Ha Youn Geum đến từ Viện phát triển Contest Hàn Quốc kết luận: “Hàn Quốc cũng từng lo lắng và bài trừ những làn sóng văn hóa Nhật, văn hóa phương Tây hay văn hóa Mỹ vốn được nhiều nước tiếp nhận. Nhưng đôi khi chúng tôi cũng đã tiếp nhận những nền văn hóa đại chúng đó với tinh thần thoải mái. Và kết quả là chúng tôi đã kết hợp và sáng tạo nền văn hóa riêng của nước mình để rồi tạo ra Hallyu. Điều đó cho thấy chúng ta có thể tiếp nhận nền văn hóa khác. Với quan điểm đó, Hallyu ở VN cũng có thể gọi là một dạng thử nghiệm văn hóa. Có thể thuyết phục được thế giới thông qua văn hóa của nước mình hay không? Và tính thuyết phục đó có tiếp tục đọng lại trong lòng mọi người trên thế giới lâu hay không? Điều đó không do cảm nhận văn hóa tức thời, cũng không phải để giải trí chốc lát mà phải tạo nên nền văn hóa nước mình có thể chinh phục tư tưởng, tình cảm của nhân loại. Điều này không chỉ là nỗi lo lắng của riêng Hàn Quốc mà có thể cũng là sự trăn trở của VN”.

Đúng thời điểm, đáp ứng được những thắc mắc cũng như quan ngại của cả người Việt và người Hàn, hội thảo khoa học quốc tế “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở châu Á” không chỉ đưa ra được những ý kiến, quan điểm, khảo sát thiết thực có ý nghĩa đối với giới chuyên môn, mà còn rất bổ ích đối với các nhà hoạch định chính sách văn hóa ở cả hai nước hiện tại cũng như con đường phát triển trong tương lai.

Lan truyền khắp thế giới

Hiện nay Hàn lưu thông qua K-pop và phim truyền hình đang lan truyền khắp thế giới. Sự lan rộng và yêu thích của Hàn lưu trên khắp toàn cầu là niềm tự hào của người Hàn Quốc. (...) Tuy nhiên không phải các quan điểm đánh giá về Hàn lưu ngay bên trong Hàn Quốc đều tích cực. Hàn lưu cảnh báo chứa đựng nội hàm về chủ nghĩa dân tộc văn hóa (Lee Dong Yeon, 2010) và chủ nghĩa quốc gia mềm mỏng (Won Yong Jin, 2011)...

CÁT KHUÊ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp