05/01/2017 10:41 GMT+7

Văn hóa giao thông bắt đầu từ đâu?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Muốn đảm bảo an toàn, trật tự giao thông bằng việc xây dựng nền tảng văn hóa giao thông cho mỗi người dân thì cần phải đảm bảo điều “tối thiểu” (thượng tôn pháp luật) trước khi tiến đến cái “tối đa” (đạo đức, văn hóa).

Chính vì vậy, văn hóa giao thông phải bắt đầu từ việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cho hệ thống pháp luật về giao thông được thực thi nghiêm minh, không có trường hợp ngoại lệ.

Nếu một chiếc xe “biển trắng” vượt tốc độ là lập tức bị tuýt còi trong khi một chiếc xe “biển xanh” thậm chí còn phóng nhanh hơn mà không hề hấn gì trước mắt cảnh sát giao thông, thì bất công sẽ được tạo ra, đồng thời tạo ra tâm lý khinh nhờn pháp luật.

Nếu một hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt 1 triệu đồng, người vi phạm bị giữ bằng lái và phải đến kho bạc nộp phạt, nhưng chỉ cần dấm dúi “cưa đôi” với người có thẩm quyền xử phạt rồi được cho qua, thì hẳn nhiên đa số người dân sẽ chọn cách có lợi nhất cho mình và pháp luật bị triệt tiêu tính răn đe...

Trong những trường hợp như vậy, thật khó để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để “đặt nền móng” cho việc xây dựng văn hóa.

Có lẽ nhận ra vấn đề này nên người đứng đầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, đã nhấn mạnh đến yêu cầu phải xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm đối với cả người tham gia giao thông và đội ngũ thực thi công vụ, chấm dứt tình trạng cứ vi phạm giao thông là “rút điện thoại” gọi cho người quen, “cưa đôi” với lực lượng xử phạt...

Nói rằng tình trạng giao thông lộn xộn do ý thức của người dân tham gia giao thông kém là không sai. Nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân kém lại có nguyên nhân rất lớn từ vấn đề thực thi pháp luật không nghiêm minh và tình trạng tiêu cực.

Cho nên, muốn xây dựng văn hóa giao thông thì điều đầu tiên là phải đảm bảo sự liêm chính của đội ngũ công quyền thực thi nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông.

Vị đại diện Ban an toàn giao thông tỉnh Tây Ninh đã phát biểu rất đúng tại hội nghị toàn quốc ngày 4-1 rằng: màu xanh hay màu trắng của tấm biển số xe không phải là vấn đề quan trọng, bởi nó chỉ dùng để phân biệt trong công tác quản lý, mà quan trọng là trong xử lý vi phạm phải công bằng, nghiêm minh.

Để xây dựng văn hóa giao thông, vị này cũng cho rằng việc anh cảnh sát dừng xe vi phạm để giải thích, phổ biến pháp luật cho người tài xế thậm chí còn có hiệu quả lớn hơn là ghi biên bản xử phạt.

Trên đây là những điều kiện cần, còn điều kiện đủ để xây dựng văn hóa giao thông thì có lẽ còn phải nói đến xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tổ chức giao thông hợp lý, cùng với đầu tư các trang thiết bị hiện đại để hướng dẫn, giám sát người tham gia giao thông và đội ngũ thực thi công vụ.

Cuối cùng, nếu suy luận như những gì diễn ra nhiều năm trở lại đây, thì năm 2017 vẫn sẽ có hơn 8.000 người chết vì tai nạn giao thông? Mỗi chúng ta hãy cùng suy nghĩ đến con số kinh hoàng này để cẩn trọng mỗi khi cầm lái.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp