09/11/2016 14:49 GMT+7

Văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ cái tâm

N.BÌNH ghi
N.BÌNH ghi

TTO - Cách đây nhiều năm, tôi từ nước ngoài trở về Trà Vinh để xây dựng nhà máy, chỉ có một tâm niệm: tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương và giúp đỡ quê hương mình phát triển tốt hơn.

Thế nhưng bắt tay xây dựng một “thung lũng quang điện tử” công nghệ cao tại một tỉnh nghèo không khó bằng xây dựng một nề nếp sống mới, văn minh cho những người lao động vốn phần lớn xuất thân là nông dân chân chất, mà tôi gọi đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Kết quả là trong môi trường hơn 600 nhân viên nhưng để đồ ở đâu cũng không bị mất, các nhân viên luôn tôn trọng nhau, bình đẳng, ra ngoài xã hội cũng đối xử với những người xung quanh như vậy.

Học cách đối xử đầy tôn trọng và trách nhiệm trong sinh hoạt hằng ngày là nền tảng để các nhân viên hình thành nhân cách của mình. Tôi muốn xây dựng một cộng đồng sống trong đó mọi người có ý thức kỷ luật, tự do sáng tạo và có thu nhập cao.

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho phát triển bền vững, tạo nên những doanh nghiệp có kỷ luật, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Doanh nghiệp làm ăn chân chính, cạnh tranh lành mạnh, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, có trách nhiệm với môi trường là đương nhiên, nhưng đằng sau đó phải xây dựng được con người có nhân cách cho xã hội.

Tôi được may mắn đi nhiều nơi, làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp và hiểu rằng văn hóa doanh nghiệp có trước khi hình thành một doanh nghiệp, bởi văn hóa của một doanh nghiệp xuất phát từ cái tâm tốt của người khởi nghiệp.

Ở VN muốn xây dựng một công ty thành công, bền vững thì phải xây dựng được văn hóa, văn minh doanh nghiệp bao gồm sự minh bạch, có đạo đức và đầy trách nhiệm.

Ngày trước, khi tôi làm ở Công ty IBM (Hoa Kỳ) có một văn hóa rất hay. Hằng tuần, mỗi nhân viên đều được mời gia đình, bà con, cha mẹ vào văn phòng công ty để cùng ăn uống, sinh hoạt vui chơi và tham quan nơi làm việc của mình.

Thói quen này nhằm giúp mỗi người trong gia đình hiểu được công việc của người thân, nhờ đó chia sẻ nhiều hơn, an tâm hơn.

Ngoài ra, những buổi sinh hoạt chung như vậy cũng là cơ hội để các gia đình giao lưu, hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, thấu hiểu và cảm thông những va chạm trong công việc. Rất nhiều người sau đó ra đi, nhưng hình ảnh IBM gợi cho họ một thương hiệu thân thiện, tốt đẹp, ấm cúng.

Văn hóa doanh nghiệp đã làm nên hình ảnh thương hiệu sản phẩm. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải bằng sự quan tâm vào việc phát triển của từng nhân viên: giúp họ có cuộc sống tốt hơn và cơ hội học tập, thăng tiến cao hơn cũng chính là xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.

Tất nhiên xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng cần sự tương tác từ cách ứng xử với cơ quan công quyền.

Doanh nghiệp có minh bạch, có liêm chính, có đóng góp được nhiều hay không tùy thuộc rất nhiều vào văn hóa ứng xử của các cơ quan công quyền khi cần làm các thủ tục hành chính.

Từ thực tế câu chuyện của mình, tôi nghĩ rằng đội ngũ công chức cần có cái nhìn dài hạn, trách nhiệm với doanh nghiệp, môi trường kinh doanh thông thoáng mới nuôi dưỡng được doanh nghiệp tốt.

Thương hiệu doanh nghiệp không thể rời khỏi quốc gia, cũng như văn hóa doanh nghiệp không thể tách khỏi môi trường kinh doanh. Người làm chính quyền cần linh hoạt, năng động hỗ trợ doanh nghiệp, bớt thể hiện quyền hạn thì doanh nghiệp mới an tâm làm ăn, kinh doanh minh bạch.

NGUYỄN THANH MỸ (Mylan group)

N.BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp