Cát Tùng thi đấu mạnh mẽ - Ảnh: FBNV
Jiu-jitsu là môn thể thao đến SEA Games 30 không bằng nguồn tài chính của Tổng cục Thể dục thể thao. Là môn được xã hội hóa mạnh mẽ trong những năm qua, đội tuyển jiu-jitsu Việt Nam dự đại hội có 4 vận động viên là doanh nhân, huấn luyện viên thể hình kiêm bán chó cảnh, đầu bếp. Câu chuyện về họ thật thú vị, mang nhiều màu sắc cho SEA Games.
Trong số 856 thành viên đoàn thể thao Việt Nam tranh tài tại SEA Games 30 có hơn 200 thành viên không đi bằng nguồn kinh phí của Tổng cục Thể dục thể thao. Họ đến từ các môn thể thao xã hội hóa, trong số đó có các vận động viên của môn võ jiu-jitsu (kinh phí dự SEA Games do các địa phương có vận động viên dự thi chi trả).
Jiu-jitsu là môn thể thao thi đấu hai ngày cuối cùng của SEA Games 30 tại Laus Group (San Fernando). Do chật cứng khán giả trên khán đài nên ban tổ chức SEA Games phải lắp đặt một màn hình bên ngoài nhà thi đấu để người dân có thể xem các võ sĩ thi đấu.
Đội jiu-jitsu Việt Nam đến SEA Games 30 với 11 vận động viên, trong số này có 4 người không phải vận động viên chuyên nghiệp gồm: Hoàng Thị Thu Thương (hạng cân dưới 55kg), Nguyễn Ngọc Tú (dưới 62kg), Phạm Trí Dũng (dưới 69kg), Nguyễn Cát Tùng (dưới 77kg).
23 tuổi, tốt nghiệp đại học kinh doanh và công nghệ, Nguyễn Cát Tùng là vận động viên trẻ nhất trong số các vận động viên "tay ngang" của đội jiu-jitsu Việt Nam. Tùng cho biết nghề nghiệp chính của anh là huấn luyện viên thể hình tại phòng gym và kiêm nghề kinh doanh chó nuôi.
Chị Thu Thương trong một giải đấu jiu-jitsu - Ảnh: Thegisshop
Nói về cái duyên đến với thể thao, Cát Tùng chia sẻ: "Từng tập boxing, kick boxing nhưng 4 năm sau khi chuyển sang tập jiu-jitsu, tôi đã tìm được niềm đam mê. Ban đầu tôi đi tập chỉ để khỏe và giảm cân bởi lúc đó tôi cao 1,79m nhưng nặng gần 90kg.
Nhưng khi vào tập, tôi mê luôn bởi jiu-jitsu không bạo lực như boxing, giúp người tập kiên nhẫn, giải tỏa căng thẳng tuyệt vời. Tại Giải vô địch quốc gia 2019 tôi giành HCV hạng 77kg nên được cử đi dự SEA Games. Điều này gây kinh ngạc cho cả tôi và gia đình vì tôi đến với thể thao vì đam mê chứ chưa từng nghĩ được đại diện cho Việt Nam tham dự SEA Games".
Đầu quân cho Ninh Bình, mỗi tháng Tùng có một khoản lương khoảng 15 triệu đồng để trang trải chi phí tập luyện. Trước SEA Games 30, Ninh Bình cho anh đi tập huấn 20 ngày tại Hàn Quốc để nâng cao trình độ. Sau khi dự SEA Games, Tùng lại trở về với công việc huấn luyện viên thể hình và kinh doanh chó nuôi.
Gia đình muốn tôi làm kinh doanh
Tại SEA Games 30, "thầy" dạy jiu-jitsu của Cát Tùng thi đấu ở hạng cân dưới 69kg. Đó là VĐV Phạm Trí Dũng - người đang kinh doanh bất động sản cùng gia đình ở Phú Quốc.
Năm nay 27 tuổi, Trí Dũng nói tiếng Việt không rõ bởi năm 7 tuổi anh sang Đức định cư theo gia đình và trở lại VN vào năm 2016. Trí Dũng cho biết anh tập jiu-jitsu được 7 năm khi còn ở Đức và đã tham dự nhiều giải đấu. Năm 2016, anh về VN và đến năm 2018, anh mở CLB Dũng Phạm BJJ để có chỗ tập luyện, dạy jiu-jitsu cho cộng đồng.
Anh chia sẻ: "Tôi là người gốc Hà Nội nhưng giờ chuyển vào Phú Quốc để làm công việc kinh doanh của gia đình. Chuẩn bị cho SEA Games 30, tôi chỉ có 2 tuần tập luyện nên sức bền chưa tốt lắm. Việc được dự SEA Games 30 thật sự cũng là bất ngờ quá lớn với tôi.
Sau đại hội tôi sẽ trở lại Đức để nâng cao trình độ và năm 2020 dự định về TP.HCM để theo đuổi sự nghiệp thể thao. Gia đình không ủng hộ vì muốn tôi nối nghiệp kinh doanh. Nhưng tôi đang cố thuyết phục gia đình đồng ý vì jiu-jitsu là đam mê của đời tôi".
Nữ võ sĩ là doanh nhân, đầu bếp
Hai VĐV "nghiệp dư" còn lại của đội jiu-jitsu Việt Nam là Thu Thương, Ngọc Tú. Hiện Thu Thương đang là chủ một doanh nghiệp, còn Ngọc Tú là đầu bếp tại Mỹ. Để tham dự SEA Games 30, cả hai đã phải tạm gác lại công việc để khoác lên mình chiếc áo đấu của Tổ quốc.
Theo Thu Thương (36 tuổi), việc tham dự SEA Games là điều quá bất ngờ bởi chị đến với thể thao chỉ với mục đích rèn luyện sức khỏe, xả stress. Thu Thương nói: "Tôi từng tập yoga, boxing, thể dục dụng cụ và chuyển sang chơi jiu-jitsu mới được 2 năm. Hằng ngày sau giờ làm tôi đến phòng tập từ 17h- 20h, chơi jiu-jitsu giúp tôi điềm đạm hơn và mọi căng thẳng mệt mỏi đều tan biến.
Từng đoạt huy chương đồng Giải vô địch Đông Nam Á 2019 và huy chương vàng Giải vô địch quốc gia 2019 nhưng SEA Games 30 là giải quốc tế lớn nhất tôi từng dự thi. Đây là vinh dự rất lớn với người yêu thể thao như tôi. Năm 2020 tôi dự định sẽ tham dự giải vô địch châu Á và giải UAE Open".
Hiện đã theo gia đình sang Mỹ định cư và làm đầu bếp tại một nhà hàng chay, nhưng vì niềm đam mê với jiu-jitsu, VĐV Nguyễn Ngọc Tú (29 tuổi) đã từ Mỹ trở về VN rồi sang Philippines dự đại hội.
Ngọc Tú chia sẻ: "Hiện tôi đầu quân cho tỉnh Đồng Nai với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Tuy mức thù lao ít ỏi, không đủ tiền tôi di chuyển hằng tuần đến phòng tập tại Mỹ nhưng cũng là nguồn khích lệ lớn với tôi".
Nhìn đôi bàn tay gân guốc, chai sần vì đánh võ, Ngọc Tú bảo đó là dấu vết của nhiều năm tập jiu-jitsu. Dù vậy, cô sẵn sàng hi sinh sắc đẹp để giành lấy niềm vui chiến thắng đối thủ trên sàn đấu. "Jiu-jitsu cho tôi sự dẻo dai, bền bỉ, sức chiến đấu mạnh mẽ mà hiếm môn thể thao nào có được" - Ngọc Tú nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, HLV Bùi Đình Tiến (Hà Nội) cho biết các VĐV nghiệp dư của đội jiu-jitsu mang đến màu sắc mới tại SEA Games 30.
"Là VĐV không chuyên, họ có trình độ kỹ thuật rất tốt nhưng sức bền không bằng VĐV chuyên nghiệp. Dù vậy, các bạn rất nhiệt tình và máu lửa khi tham dự SEA Games" - HLV Đình Tiến nói.
Nhiều VĐV "nghiệp dư" tranh tài tại SEA Games 30
Kết thúc SEA Games 30, đội tuyển jiu-jitsu đã giành 2 HCB, 6 HCĐ. Trong đó cô đầu bếp Ngọc Tú đã xuất sắc giành được HCB. Tại SEA Games 30, không chỉ các VĐV jiu-jitsu đi theo hình thức xã hội hóa mà còn có nhiều môn khác, đặc biệt là ở đội tuyển 3 môn phối hợp.
Đội tuyển 3 môn phối hợp dự SEA Games 30 với 8 VĐV gồm các cựu VĐV chuyên nghiệp, doanh nhân, công nhân. Đó là anh Nguyễn Tiến Hùng - một công nhân hóa chất tại Phú Thọ, anh Cao Ngọc Hà - lãnh đạo Công ty Vicostone Việt Nam. Ban huấn luyện đội tuyển 3 môn phối hợp cũng đều là chủ doanh nghiệp, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Toàn bộ chi phí tập luyện và thi đấu của đội tuyển 3 môn phối hợp tại SEA Games 30 đều được một số cá nhân, doanh nghiệp đứng ra lo liệu. Lần đầu dự SEA Games, đội tuyển 3 môn phối hợp đã đoạt 1 huy chương đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận