26/05/2021 11:07 GMT+7

Vận động người dân ký cam kết không lén lút tiếp xúc thủy thủ, tiếp tay nhập cảnh trái phép

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Bộ đội biên phòng TP.HCM vận động thuyền viên, chủ đò và người dân ký cam kết không tiếp tay cho xuất nhập cảnh trái phép; không lén lút tiếp xúc với thủy thủ tàu nước ngoài nhập cảnh khi chưa được phép của các cơ quan chức năng.

Vận động người dân ký cam kết không lén lút tiếp xúc thủy thủ, tiếp tay nhập cảnh trái phép - Ảnh 1.

Cán bộ Bộ đội biên phòng TP.HCM tuần tra giám sát người, thuyền, tàu tại cảng biển - Ảnh: H.T.

Ngày 26-5, đại tá Tô Danh Út - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM - cho biết đơn vị đang tổ chức phát động phong trào vận động các tổ an ninh nhân dân, tổ tàu thuyền tự quản, chủ đò cùng các hộ dân ký cam kết không lén lút tiếp xúc, không tiếp tay cho xuất nhập cảnh trái phép. 

Đây được đánh giá là giải pháp mới, song song với việc chủ động tuần tra giám sát các hoạt động của tàu thuyền neo đậu tại các cảng biển, đề phòng dịch bệnh xâm nhập TP.HCM. 

Vận động người dân ký cam kết không lén lút tiếp xúc thủy thủ, tiếp tay nhập cảnh trái phép - Ảnh 2.

Kiểm tra thông tin công nhân lên tàu làm việc - Ảnh: H.T.

Theo đại tá Út, hiện nay đơn vị quản lý 59 cảng, 103 cầu cảng, 63 cặp phao neo đậu nằm ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Lưu lượng tàu neo đậu tại khu vực cảng hằng ngày trung bình 70 - 80 chiếc; riêng tại cảng Cát Lái hằng ngày có khoảng 40.000 lượt người ra vào làm việc. 

"Lượng tàu thuyền, thủy thủ tàu nước ngoài đến TP.HCM qua cửa khẩu cảng biển rất lớn. Đây là khu vực có nguy cơ mầm bệnh xâm nhập từ các nước đến Việt Nam và lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng", đại tá Út nói. 

Qua công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, cách ly, Bộ đội biên phòng TP.HCM cùng các cơ quan chức năng kịp thời xác định có 4 thủy thủ dương tính với COVID-19 xuất phát từ tàu MS SUN đang neo tại bến phao Phước Long 5 (Nhà Bè). Nhờ đó có giải pháp khoanh vùng, cách ly các trường hợp liên quan, ngăn ổ dịch trên tàu lây nhiễm ra cộng đồng.

Tuy vậy, vấn đề khó khăn nhất hiện nay, theo đại tá Út, là "lực lượng biên phòng mỏng, trong khi đó phải căng mình trên tất cả các mặt trận", vừa bảo vệ biên giới - cửa khẩu vừa phối hợp phòng chống dịch COVID-19. 

Ngoài ra, tàu thuyền khi nhập cảnh vào Việt Nam và đến cảng biển TP.HCM khi chưa có kế hoạch vào cảng neo đậu thường "nằm" sửa chữa tại các tuyến phao hoặc làm hàng ở các khu vực chuyển tải, dễ phát sinh nhiều hệ lụy.  

"Các đối tượng lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu để lén lút tiếp cận, trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm… gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng biên phòng", đại tá Út nói. 

Để giám sát các nguy cơ này, theo đại tá Út, từ đợt dịch lần 2, đơn vị bố trí 29 chốt kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại các khu vực có tàu thuyền nước ngoài neo đậu, ngăn chặn nhiều hành vi cố tình tiếp xúc với tàu nước ngoài buôn bán, "trao đổi hàng hóa", xử lý hàng chục vụ công nhân lên tàu không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch. 

Vận động người dân ký cam kết không lén lút tiếp xúc thủy thủ, tiếp tay nhập cảnh trái phép - Ảnh 3.

Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho công nhân trước khi lên và xuống tàu - Ảnh: H.T.

Đặc biệt từ ngày 20-5, đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng chống dịch", qua đó vận động được 193 tổ an ninh nhân dân, 16 tổ tàu thuyền tự quản, 10 tổ an ninh trật tự, 12 chủ đò, 540 hộ dân ký cam kết không bao che, tiếp tay cho xuất nhập cảnh trái phép; không tiếp cận lên, xuống các tàu nước ngoài nhập cảnh; không lén lút tiếp xúc với thủy thủ tàu nước ngoài nhập cảnh khi chưa được phép của các cơ quan chức năng. 

Hiện các xã, thị trấn và bộ đội biên phòng đang tiếp tục vận động người dân ký cam kết.

Quản lý tàu thuyền, con người ở cảng biển thế nào?

Khẳng định vai trò giám sát tàu thuyền, con người ở các cảng biển, đại tá Tô Danh Út cho biết đơn vị quán triệt đội ngũ cán bộ làm công tác cửa khẩu nắm chắc các quy trình, quy định trong quản lý tàu thuyền, con người nhập cảnh trong điều kiện phòng chống dịch. Cụ thể:

- Đối với cán bộ kiểm tra phải có đầy đủ các trang thiết bị phòng chống dịch; rà soát, quản lý chặt chẽ thông tin, đăng ký đối với phương tiện cập mạn.

- Đối với cán bộ, công nhân được phép lên tàu làm việc (trước khi lên xuống tàu) phải được kiểm tra giấy tờ tùy thân, đối chiếu với danh sách đăng ký và kiểm danh, kiểm diện thực tế. Việc quản lý cán bộ, công nhân lên tàu làm việc phải được thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ từ thông tin cá nhân đến việc đối chiếu thực tế người làm việc và thực hiện quy định 5K.

- Đối với công nhân đăng ký theo tổ, giao cho tổ trưởng hoặc trực ban tổ có trách nhiệm quản lý công nhân trên tàu.

- Phương tiện cập mạn thì đăng ký với trạm kiểm soát biên phòng và chịu sự kiểm tra giám sát biên phòng; tất cả đều phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch khi làm việc.

TP.HCM: siết phòng dịch COVID-19 tại các cảng biển TP.HCM: siết phòng dịch COVID-19 tại các cảng biển

TTO - Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các thuyền viên, thuyền trưởng và đại lý tàu nếu để thuyền viên trốn tàu lên bờ sai quy định trong phòng chống dịch COVID-19.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp