Các thí sinh TP.HCM vui vẻ sau khi kết thúc môn Toán tại kỳ thi THPT quốc gia, tháng 6-2018 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình trạng nước biển dâng ở ĐBSCL đang thực sự đáng lo ngại. Theo một con số mới nhất thì trong vòng 30 năm gần đây ĐBSCL đã sụt lún 16 cm, đây là vựa nông sản lớn nhất của cả nước mà như thế thì vô cùng nghiêm trọng...
Chúng ta phải có nhìn nhận đúng, nhận thức đúng mối nguy này để từ đó có giải pháp cứu ĐBSCL trước khi bị nhấn chìm.”
ĐBQH Nguyễn Huy Thái (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu)Tại lần chất vấn này, có rất nhiều vấn đề ĐBQH quan tâm nhưng trong đó nổi lên vẫn là những bức xúc liên quan đến lĩnh vực giáo dục và quản lý tài sản công, nợ xấu... Tuổi Trẻ đã ghi nhận một số ý kiến của các ĐBQH quan tâm, chờ đợi sẽ chất vấn.
Trách nhiệm thực hiện nghị quyết Trung ương
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cá nhân ông có rất nhiều vấn đề muốn hỏi, bởi sau nửa nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu, kế hoạch Đại hội Đảng đề ra, được thể chế hoá bằng các luật, nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch hành động của Chính phủ, đặc biệt là những vấn đề mà các bộ trưởng thông qua trả lời các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước đã hứa với Quốc hội, nay thực hiện đến đâu.
"Tuy nhiên đợt này, tôi ấp ủ những câu hỏi dành cho Thủ tướng. Tôi sẽ chất vấn Thủ tướng về việc hiện thực hoá các nghị quyết Trung ương. Tôi nhận thấy từ đầu nhiệm kỳ đến nay Trung ương có nhiều nghị quyết rất cụ thể, đột phá vào những tồn tại, bức xúc của đất nước, của Nhân dân cần phải giải quyết, nhưng theo dõi quá trình thực thi thì tôi cho rằng vẫn chưa đến nơi đến chốn, thậm chí có những vấn đề tôi có cảm giác như đang bị bỏ rơi.
Vậy Thủ tướng trong tư cách người đứng đầu Chính phủ, vừa làm ủy viên Bộ Chính trị, vừa là đại biểu Quốc hội thì Thủ tướng có nhận thấy điều đó không, trách nhiệm như thế nào và giải pháp nào, tổ chức thực hiện ra sao để các quyết sách của Trung ương đi vào cuộc sống"- Ông Trí nói.
Ông Trí dẫn ví dụ cụ thể, đó là nghị quyết của Đảng đã coi kinh tế tư nhân là động lực, xác định rất rõ vai trò của khu vực kinh tế này, vậy đến bao giờ kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực? Về đầu tư công thì thấy đầu tư nhà nước rất khó khăn, thiếu vốn, trong khi nhiều dự án cấp bách vẫn không có tiền, vậy chính sách nào để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, từ xã hội?
"Tôi cũng sẽ hỏi là Trung ương vừa ban hành nghị quyết về chiến lược biển VN, Thủ tướng sẽ bắt tay vào triển khai như thế nào để VN có thể "giàu từ biển, mạnh vì biển", bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc, như mục tiêu tới đây đạt 10% GDP từ các ngành kinh tế thuần biển?"-Ông Trí cho biết thêm.
Giáo dục thiếu triết lý, hình mẫu
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) quan tâm nhất là lĩnh vực giáo dục và muốn chất vấn bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Bởi vì người dân, cử tri cũng như đại biểu có sự lo lắng về tình hình giáo dục hiện nay.
Cụ thể, bà muốn chất vấn là Bộ trưởng sẽ làm gì để có một chiến lược, chủ trương phát triển giáo dục hợp lý hơn, quyết liệt giải quyết bệnh thành tích, chạy theo bằng cấp, vụ lợi dối trá? Có những chính sách cụ thể gì để thầy cô giáo có thu nhập đủ sống? Bộ trưởng đã từng là hiệu trưởng, bộ trưởng có thấu hiểu là các truờng đại học cần gì trong bối cảnh giáo dục hiện nay?
"Cá nhân tôi đánh giá đây là những vấn đề mà trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng đã chưa mang lại được sự mong đợi của nhân dân, cử tri. Tôi đơn cử, sự việc gian lận ở kỳ thi quốc gia vừa qua, Bộ trưởng phải giải quyết như thế nào, không thể để chìm xuồng. Bộ trưởng phải trả lời câu hỏi này chứ không thể nói đó là trách nhiệm của địa phương hay nơi nào khác.
Sâu xa hơn, những tiêu tiêu cực thi cử vừa qua là biểu hiện của một xã hội, một nền giáo dục sính bằng cấp, bị áp lực nặng nề bởi bằng cấp. Vụ việc này chỉ là giọt nước tràn ly về bệnh thành tích mà bao năm qua xã hội đang quay cuồng. Như vậy liệu chúng ta có dám trả mọi thứ về đúng thực chất không? Hay chấp nhận thực tế là con cháu chúng ta đang rất "mong manh dễ vỡ" khi được đào tạo theo kiểu thành tích"- Bà Phong Lan đặt vấn đề.
Theo bà Phong Lan, tất cả những tồn tại này, Bộ trưởng chưa giải quyết được như mong đợi và ngành giáo dục đang thiếu đi một triết lý, hình mẫu để phát triển. Bà cũng hy vọng, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng sẽ "tung ra" được điều gì đó, thể hiện cụ thể sắc nét đường hướng phát triển giáo dục để có sự đổi mới trong nửa sau của nhiệm kỳ.
Cũng quan tâm đến vấn đề giáo dục, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nhận thấy thời gian qua có quá nhiều câu chuyện, nhiều bất ổn về lĩnh vực này. "Tôi và nhiều nhân sĩ, trí thức, nhiều ĐBQH khi trao đổi với nhau cũng đồng ý rằng gốc gác là chúng ta chưa có một triết lý giáo dục để từ đó xã hội, ngành giáo dục làm điểm tựa. Khi nêu điều này trước Quốc hội ở kỳ họp trước, bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản trả lời tôi, chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề nên có một hội thảo về vấn đề này. Tuy nhiên lần này tôi muốn nhấn mạnh thêm sự cần thiết và vì sao tôi lại nêu ý kiến này một lần nữa."-Đại biểu Thái cho biết.
Bất cập quản lý đất công, ai chịu trách nhiệm?
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), ông đặc biệt quan tâm vấn đề quản lý đất công, quản lý tài sản công và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này thế nào khi để xảy ra những bất cập trong thời gian qua.
Ví dụ như việc cho những doanh nghiệp, cá nhân sử dụng bất hợp pháp, hoặc san nhượng bất hợp pháp những bãi biển đẹp trên đất nước. Bên cạnh đó, một số khu đất công cho thuê rất rẻ, không đúng giá thị trường, để các tổ chức cá nhân được thuê trục lợi nhờ chênh lệch giá.
"Thời gian qua nhiều địa phương đã cho thuê đất công với giá rẻ, nhưng chúng ta chưa có giải pháp thu hồi, rồi tình trạng đất công do người dân sử dụng bất hợp pháp tại các đô thị đến nay chưa được xử lý rốt ráo. Và việc xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng chưa được làm rõ.
Tại một số địa phương, có doanh nghiệp sử dụng mấy chục ngàn ha rừng nhưng thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước mỗi năm chưa đến một tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp này lại cho thuê lại rừng để thu số tiền kếch xù. Đến nay nhà nước vẫn chưa có biện pháp giải quyết vấn đề này khiến nhân dân, cử tri bức xúc"- Ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng quan tâm vấn đề quản lý đầu tư công, bão lãnh vay nợ của Chính phủ, đặc biệt là vấn đề bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần chi phối, các tổ chức tín dụng vay nợ nước ngoài. Dù các doanh nghiệp này tự vay tự trả nhưng dù gì cũng vẫn là nhà nước, tài sản công, nếu các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng này không đủ khả năng trả nợ vì nhiều lý do khác nhau thì Chính phủ, cũng như bộ Tài chính sẽ xử lý thế nào.
Ông Hòa cho rằng Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng, nhưng từ đó đến nay ngành Ngân hàng đã xử lý đến đâu. Nợ xấu có giảm và dù nằm trong ngưỡng cho phép nhưng vẫn còn rất cao, nguyên nhân tại đâu thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nên chia sẻ cho cử tri biết.
Có thể chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ
Nội dung chất vấn sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 30 - 10 đến 1 - 11. Khác với các kỳ chất vấn trước (có bốn bộ trưởng và Thủ tướng hoặc một phó Thủ tướng trả lời chất vấn chính thức), tại kỳ chất vấn này các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Phương thức trả lời theo huớng nhanh gọn, người trả lời chất vấn có không quá ba phút để trả lời một vấn đề mà đại biểu nêu.
Riêng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn từ 15h50 đến 16h35 ngày 1-11, để phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Các phiên chất vấn sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên VTV1 và VOV1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận