13/10/2016 23:08 GMT+7

Văn đàn Việt "sốc" và lý giải chuyện Bob Dylan đoạt Nobel

HIỀN ĐỖ
HIỀN ĐỖ

TTO - Bất ngờ, sững sờ, sốc… là cảm xúc của một số nhà văn, nhà phê bình, độc giả Việt khi biết chủ nhân giải Nobel Văn chương năm nay là một ca nhạc sĩ: Bob Dylan.

Bob Dylan - Ảnh: Sony BGM


Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải thưởng Nobel Văn học 2016 là Bob Dylan. Nhạc sĩ, ca sĩ được trao giải vì những phát kiến của ông về biểu đạt thơ ca trong truyền thống âm nhạc đồ sộ của Mỹ.  

Trao Nobel Văn chương cho nhạc sĩ: Thật bất ngờ!

Mặc dù Bob Dylan được giải, nhưng giới văn chương Việt không vì thế mà quên đi những ứng viên Nobel khác như Philip Roth, Ngugi wa Thiong’o, Haruki Murakami… Những ứng viên này đang góp phần làm nên diện mạo văn chương thế giới đương đại.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết ông sững sờ, bất ngờ với giải Nobel năm nay:

“Bằng giải thưởng Nobel 2016, hình như Ủy ban Nobel muốn mở rộng một khái niệm văn học. Bob Dylan có thể là ca sĩ, nhạc sĩ, là người biểu diễn, nhưng nói ông là nhà văn thì thật khó nói. Cảm tượng tức thời của tôi về giải thưởng của tôi là như vậy”.

Anh Xuân Minh - Trưởng ban Bản quyền công ty sách Nhã Nam (đơn vị từng xuất bản tác phẩm của 17 nhà văn đoạt giải Nobel) - cho biết về phương diện cá nhân, anh không thích kết quả Nobel 2016 cho lắm.

“Không biết nói như nào nữa, tôi hoàn toàn bất ngờ với kết quả này. Vì tôi chưa bao giờ nghĩ giải Nobel văn chương lại trao cho một nhạc sĩ. Có lẽ rất nhiều người cùng chung cảm xúc như tôi” - anh Xuân Minh nói.

“Thất vọng”, “gây sốc” là hai từ mà nhà văn Uông Triều – Biên tập viên mảng Văn học Nước ngoài của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội - nói về cảm giác của mình.

Uông Triều đồng quan điểm cho rằng ca từ trong ca khúc của Bob Dylan đẹp, phức tạp, có chiều sâu, có tính phản kháng, nhưng nếu vì thế mà trao giải thì Ủy ban Nobel "đã đi quá xa".

Theo Uông Triều, nếu muốn trao giải cho một nhà văn Mỹ, có nhiều người xứng đáng hơn, chẳng hạn như Philip Roth. Tuy tôn trọng kết quả của Ủy ban Nobel, xong nhà văn quân đội cũng tỏ rõ quan điểm:

“Xin nhắc lại, đây là giải Nobel Văn học, không phải Nobel âm nhạc. Âm nhạc đã có Grammy và các giải khác. Một so sánh, liệu Haruki Murakami có đoạt giải Grammy được không?”.

​Độc giả đặt câu hỏi “Haruki Murakami viết rất nhiều về âm nhạc, liệu ông có được trao giải Grammy?”
“Haruki Murakami viết rất nhiều về âm nhạc, liệu ông có được trao giải Grammy?” - Ảnh tư liệu

 

Anh Ngô Thanh Tuấn (ở Hội An), chủ nhân bộ sưu tập Sách Nobel với hơn 2.000 cuốn sách, vật phẩm về giải Nobel, thể hiện sự ngạc nhiên:

“Bob Dylan trong danh sách đề cử Nobel nhiều năm nay nhưng tỉ lệ cược cho ông quá thấp. Tôi không bao giờ nghĩ Bob được Nobel”.

Tuy vậy, anh Tuấn cho hay anh sẽ tìm mua thêm sách và tập nhạc của nhạc sĩ người Mỹ đưa vào bộ sưu tập Nobel của mình.

Xu hướng trao giải Nobel văn chương thay đổi

Tuy bất ngờ, song văn đàn Việt cũng đánh giá kết quả Nobel năm nay cho thấy tiêu chí trao giải của Viện Hàn lâm Thụy Điện đã đổi khác.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý là người biên tập cuốn sách Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: Như trăng và nguyệt (tác giả John C. Schafer) nhận xét:

“Trao cho Bob Dylan là sự thừa nhận xu hướng liên văn bản. Đó là nỗ lực Ủy ban Nobel khi tìm những đóng góp của thể loại không kinh điển của văn chương”.

Nhà văn Trương Quý phân tích, vài năm gần đây, giải thưởng Nobel văn chương mở rộng ra, không chỉ bó hẹp trong các thể tài kinh điển. Năm ngoái giải trao cho Svetlana Alexievich (người viết phóng sự, phi hư cấu), hay năm 2013 trao cho Alice Munro - tác giả chuyên viết truyện ngắn.

“Trước đây, cứ nói đến Nobel văn xuôi là trao cho người viết tiểu thuyết. Nhưng giải thưởng năm nay chính là câu chuyện tái định nghĩa văn học”.

Ba tác giả từ trái qua: Svetlana Alexievich, Bob Dylan, Alice Munro đều không nằm trong truyền thống của Nobel, thường trao cho nhà văn viết tiểu thuyết - Ảnh: N. Literature

 

Nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu ban đầu tỏ ra bất ngờ, song bình tĩnh lại, anh thấy Viện Hàn lâm Thụy Điển có lý khi trao giải cho Bob Dylan.

Bản thân Bob Dylan được biết đến như một nhạc sĩ, ca sĩ. Việc Ủy ban Nobel trao cho Bob là trao giải cho truyền thống từ khởi thủy của nhân loại: sự gắn bó chặt chẽ giữa âm nhạc và thi ca.

Để minh chứng cho sự gắn bó chặt chẽ giữa thi ca và âm nhạc, Trần Ngọc Hiếu lấy ví dụ trường hợp nữ nhà thơ Hy Lạp Sappho. Tác giả sống vào khoảng năm 630 - 570 trước Công nguyên sáng tác những khúc ca ca ngợi tình yêu, phụ nữ. Cho tới tận ngày nay, phần thơ của bà vẫn được lưu truyền, yêu thích.

“Thơ ca phải được hát lên như thế” - Trần Ngọc Hiếu nói.

Nhà nghiên cứu đánh giá về kết quả Nobel: “Tôi thấy việc trao cho Bob Dylan có phần thú vị. Định kiến của tôi là Nobel trao cho văn học cao cấp. Đây là lần đầu tiên giải trao cho văn hóa đại chúng (pop culture). Khi các "bậc trưởng thượng" Nobel nghiêng xuống văn hóa đại chúng khiến tôi phải nghĩ có lẽ văn hóa đại chúng kiến tạo văn hóa hiện đại”.

Giải Nobel năm nay có thể khiến giới nhạc sĩ nhìn nhận lại về ca từ, đó không chỉ là việc đặt lời cho nhạc, mà cần có ngôn từ có chiều sâu.

Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu, ở Việt Nam có những nhạc sĩ xứng đáng được nghiên cứu về ngôn từ như bậc thầy đã khuất Trịnh Công Sơn hay lớp trẻ về sau này như Lê Cát Trọng Lý…

>> Bob Dylan: "Không thành thật với tim mình, bạn sẽ thất bại"

>> Xem Bob Dylan hát ở Việt Nam: nhờ vậy mà tui trẻ mãi không già đó nhe!

HIỀN ĐỖ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp