Thông tin chính quyền Canada bắt giữ bà - giám đốc tài chính toàn cầu của Tập đoàn (Hoa Vi) của Trung Quốc - đã thu hút sự chú ý của công luận ngay vào thời điểm thế giới vừa tạm thở phào khi Mỹ và Trung Quốc tạm đình chiến thương mại trong ba tháng.
Bà Mạnh Vãn Chu đã được tại ngoại nhưng Canada phải làm nhiều hơn để khôi phục sự tự do của bà ấy và đặt dấu chấm hết cho sự cố lần này.
HU XIJIN (biên tập viên tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc)
Quá nhiều suy đoán, thuyết âm mưu xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc lên tiếng bảo vệ công dân của mình.
Bà Mạnh, cô con gái lớn nhất của ông Nhậm Chính Phi - người sáng lập Hoa Vi năm 1987, sau đó đã được tại ngoại (kèm các điều kiện về cư trú) ngày 11-12 sau khi đóng 7,5 triệu USD tiền bảo lãnh.
Nhưng trong quãng thời gian đó, hai công dân Canada khác đã bị tống vào nhà tù Trung Quốc theo cách khá mập mờ lúc ban đầu.
Hai người này, một là nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, người còn lại là Michael Spavor - một doanh nhân có máu mặt và không quá xa lạ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Ông Michael Kovrig - nhà cựu ngoại giao của Canada - tại Diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore năm 2018 - Ảnh: Facebook
Không nhân nhượng
Đến ngày 13-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới chính thức xác nhận hai công dân Canada đã bị nhà chức trách bắt giữ với cáo buộc "tiến hành các hoạt động nguy hiểm đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc".
Cả hai vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan an ninh ở Bắc Kinh - nơi ông Kovrig bị bắt giữ và thành phố Đan Đông gần biên giới Triều Tiên - nơi doanh nhân Spavor sinh sống.
"Các quyền lợi hợp pháp của những người này sẽ được đảm bảo" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định.
Nhưng với việc bị khép cho tội danh "đe dọa an ninh quốc gia" Trung Quốc, họ có thể không thấy ánh mặt trời, luật sư hay người thân trong vòng ít nhất sáu tháng nữa, theo báo New York Times của Mỹ.
Trong khi đó, sau khi bà Mạnh được bảo lãnh tại ngoại, Canada và Mỹ chỉ còn tối đa ba tháng để hành động.
Không có bằng chứng nào cho thấy vụ bắt giữ hai công dân Canada ở Trung Quốc có liên quan tới việc bà Mạnh xộ khám tại Vancouver.
Nhưng quá nhiều sự trùng hợp về thời điểm khiến người ta tin rằng đó thật sự là một hành động trả đũa và gây sức ép từ Bắc Kinh.
"Với kinh nghiệm 13 năm ở Trung Quốc, tôi có thể khẳng định chắc chắn với bạn rằng không có sự trùng hợp bất ngờ nào ở đây hết. Bắc Kinh muốn gửi một thông điệp tới Ottawa" - ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, bình luận với tờ Global News của Canada.
Thoạt đầu, lý do được Bộ Ngoại giao Trung Quốc trưng ra cho việc bắt giữ ông Kovrig là International Crisis Group - nơi ông ta làm việc như một nhà phân tích khu vực Đông Bắc Á - không phải là một tổ chức phi chính phủ được công nhận tại Trung Quốc.
Nhưng không có lời giải thích xác đáng cho việc bắt giam ông Spavor - người mất liên lạc với chính quyền Canada sau khi cho biết đang bị thẩm vấn bởi nhà chức trách Trung Quốc.
Ông Spavor điều hành Công ty Paektu Cultural Exchange chuyên xúc tiến các hoạt động du lịch, đầu tư vào Triều Tiên và là một trong số ít ỏi những người phương Tây có quan hệ cá nhân thân thiết với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Cuối cùng, lý do được đưa ra cho cả hai lại rất mơ hồ. Theo báo New York Times của Mỹ, khái niệm "đe dọa an ninh quốc gia" được hiểu theo nghĩa rộng tại Trung Quốc, bao gồm cả các hành động chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, Tây Tạng.
Nó cũng không phải một tội danh cụ thể mà bao gồm nhiều tội khác như gián điệp, phản quốc, kích động lật đổ nhà nước và buôn bán bí mật quốc gia cho các thực thể nước ngoài.
Giáo sư Đại học Brock, ông Charles Burton, cũng là một nhà cựu ngoại giao Canada tại Trung Quốc, nhận định tính thời điểm của vụ bắt giữ hai công dân Canada cho thấy đó là câu trả lời của Bắc Kinh sau cảnh báo Ottawa sẽ phải đối mặt với các "hậu quả nghiêm trọng" nếu không thả bà Mạnh.
Đáp từ các "thuyết âm mưu" của nước ngoài, Hu Xijin - biên tập viên tờ Hoàn Cầu Thời Báo (tờ báo chính thức của chính quyền Bắc Kinh) - đã đăng một video gửi đi thông điệp là nếu bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ, đòn "báo thù của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở việc bắt giữ công dân Canada".
Ông này cũng cho rằng việc người ta nghĩ Trung Quốc đang trả đũa cũng là lẽ tự nhiên vì Canada đã "đi quá xa" trong vụ Mạnh Vãn Chu.
Michael Spavor - một doanh nhân có máu mặt của Canada đang làm ăn tại Trung Quốc - Ảnh: Facebook
Tại sao Trung Quốc không bắt công dân Mỹ?
"Người Trung Quốc có thể dễ dàng bắt các doanh nhân hoặc nhà ngoại giao Mỹ đang ở nước này, họ cũng có thể làm cả hai. Nhưng họ không làm vậy" - giáo sư Nelson Wiseman thuộc Đại học Toronto (Canada) đặt vấn đề.
Trong khi chính Mỹ là nơi phát lệnh yêu cầu bắt giữ bà Mạnh và Canada chỉ "đang làm đúng theo luật quốc tế" (lời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau), Bắc Kinh đang chĩa mũi nhọn về Ottawa. Có những toan tính chính trị và kinh tế đằng sau sự phân biệt đối xử đó.
"Sự lệ thuộc kinh tế Mỹ của Trung Quốc đã biến Canada trở thành kẻ giơ đầu chịu báng. Bắc Kinh chắc chắn chơi không lại Washington, vậy là họ chĩa mũi dùi sang Ottawa" - cựu đại sứ Saint-Jacques chia sẻ.
Đồng quan điểm, giáo sư Wiseman cho rằng cùng lắm khi mọi thứ xấu hơn đi chăng nữa, Trung Quốc cũng chỉ cảm thấy chỉ mất đi "vài đồng bạc lẻ" vì Ottawa, nhưng nếu thể hiện quan điểm và có hành động trả đũa gay gắt với Mỹ, lợi ích kinh tế quan trọng của Trung Quốc sẽ bị đe dọa.
Làm thế nào để ngăn sự cố ngoại giao tay ba này trở thành một cuộc khủng hoảng diện rộng?
Hoàn Cầu Thời Báo đưa ra một giải pháp rất đơn giản, tất nhiên là theo hướng có lợi cho Trung Quốc: "Canada trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh. Trung Quốc sẽ điều tra hai công dân Canada bị bắt giữ theo đúng luật và bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ".
Nếu Ottawa nhượng bộ và thả người, trong cuộc chơi này Canada chẳng được gì, lại còn bị mất thêm thể diện trong lúc bị ví như "bang thứ 51 của nước Mỹ".
Kỳ 2: Huawei vi phạm ra sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận