Khi tôi 3 tuổi, cuộc sống rất khó khăn, ba má tôi thường đi làm ăn xa. Mỗi khi đi, má tôi và các dì cậu lùa hết con cái về gửi ông bà ngoại. Nhà ngoại trở thành nhà trẻ với những đứa cháu sàn sàn nhau hay chỉ cách nhau một vài tuổi nên cứ cười vui đó rồi khóc lóc, cãi cọ, kiện tụng... Cậu cưng tôi nhất nên thường xuất hiện đúng ngay khi tôi đang khóc và nhét vào tay tôi viên kẹo để nước mắt biến thành nụ cười đắc thắng trước sự ghen tỵ của toàn “nhà trẻ”.
Là thợ mộc, áo quần cậu lúc nào cũng bám vụn dăm bào li ti, mùi gỗ ngai ngái.
- Khi nào cháu biết viết, cậu sẽ làm cho một bộ bàn ghế - Cậu thường xoa đầu tôi nói vậy giữa những giờ nghỉ im ắng tiếng cưa.
Vậy là chiều chiều sau giấc ngủ trưa, tôi bắt chước các anh chị cầm cây bút chì nguệch ngoạc. Thấy tôi chăm chỉ, cậu vui lắm, cậu mua những quyển sách tập đồ, rồi cầm tay tôi chỉ dẫn. Tay tôi bé xíu trong tay cậu thô ráp. Cậu mua truyện tranh đọc cho tôi nghe. Truyện của cậu không phải là những câu chuyện cổ tích với ông Bụt bà Tiên cùng bao phép màu kỳ lạ hay hoàng tử công chúa trong tòa lâu đài tráng lệ. Truyện của cậu kể về các danh tướng giữ nước, là Yết Kiêu lặn giỏi như rái cá, là Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng phấp phới, là những con ngựa chiến tung bờm kiêu hãnh... Thường mỗi khi đọc xong, cậu sẽ đố tôi nhìn vào tranh kể lại. Kể chính xác, thể nào tôi cũng được cậu cho kẹo hay bánh, nên tôi luôn dỏng tai nghe cẩn thận.
Cậu nhồi mùn cưa vào bao bố. Tối tối, cậu tập võ, cậu dạy tôi tập đấm, “phải mạnh mẽ để bảo vệ mình” - cậu nói vậy. Cái bao của cậu lớn và căng tròn, tiếng đấm kêu bình bịch. Cái bao cậu làm cho tôi nhỏ xíu và mềm, gió thổi nhẹ cũng đong đưa. Cả nhà thường phì cười khi thấy tôi giơ tay ra thì tay lún vào bao im lìm, chứ không văng xa như cậu. Còn ba tôi thường lắc đầu, cằn nhằn quá thể: “Nó là con gái mà!”.
Mỗi khi đi làm xa về thăm nhà, ba luôn cho tôi những con búp bê môi đỏ, mi mắt chớp chớp. Tôi đặt chúng vào trong tủ. Những con búp bê mới tinh. Tôi thích trò chơi của cậu hơn. Tôi thích nhìn cậu đẽo món đồ chơi bằng gỗ, lỡ có rớt xuống đất cũng không sợ vỡ tan. Tôi thích đuổi theo những cánh diều cậu làm với chiếc đuôi thật dài uốn lượn trong gió. Những đêm không mưa, trời trong vắt, cậu bế tôi ra hiên nhà, trải chiếu nằm ngắm sao. Theo hướng tay cậu chỉ, tôi dần nhận biết sao Bắc Đẩu, chùm Thiên Hậu, thuộc lòng sao Hôm, sao Mai... Những cái tên in vào ký ức cùng câu chuyện kể.
Lớn hơn một chút, khi tôi vào lớp 3, trường tổ chức thi cờ vua, thấy bạn bè được chọn vào đội tuyển, tôi thích lắm. Thấy thế, cậu dạy tôi chơi cờ. Những quân cờ bằng nhựa và bàn cờ bằng giấy được xếp sẵn sàng mỗi khi cậu nghỉ tay lúc làm mộc. Ba má tôi thường chọc, nói tôi phải gọi cậu là thầy, còn cậu thì cù vào nách, chọc tôi cười khanh khách nói cậu thích hai tiếng “sư phụ” hơn. Cậu hứa khi nào tôi chơi thắng được cậu, cậu sẽ đẽo cho tôi một bộ cờ bằng gỗ.
Tôi được chọn vào đội tuyển cờ vua của trường, cũng là lúc cậu đổ bệnh. Những ngày chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, khi cơn đau kéo đến thì thôi, lúc tỉnh táo, cậu vẫy tôi lại, hai cậu cháu lại chơi cờ. Cậu chỉ cho tôi những nước đi chiếu bí. Đang chơi, lên cơn sốt, tay cậu run rẩy, tôi hồn nhiên không biết, bật hỏi: “Sao tay cậu run quá vậy?”. “Ờ, cháu đi nước này hay quá, cậu chưa biết làm sao. Thua thì… quê quá”. Tôi thích chí, cười tít, không biết bà ngoại vội đi nhanh ra ngoài giấu tiếng khóc.
Một buổi sáng mùa xuân, giữa ván cờ mà tôi đang là người chiếu bí (lúc đó tôi tưởng vậy, mà nào biết cậu đang nhường mình). Cậu xoa đầu khen tôi, rồi nói đi dạo với cậu một lát, để cậu tìm cách gỡ. Cậu nắm tay tôi, bước chân cậu run run. Cậu ngã xuống rồi cậu đi xa. Ván cờ dang dở. Dang dở luôn cả lời hứa của cậu về một bộ cờ vua bằng gỗ cho tôi.
Cậu để lại cho tôi không chỉ những nước cờ hay.
Đều đặn hằng tuần, tôi nghe tiếng xe dừng trước nhà rồi tiếng gõ cửa vang lên, người đàn ông với khuôn mặt sạm đen nắng gió cùng một bó cúc trắng còn đẫm sương trên tay:
- Hoa cho chú Giáo.
- Anh vào uống nước.
- Thôi, đi cho kịp chợ sớm.
Tiếng xe xa dần. Má tôi khép cửa. Gió cao nguyên tung bụi mù trời. Bó cúc trắng được cắm vào lọ, đặt lên bàn thờ cậu. Dần dần, xen giữa những bó cúc trắng là cụm thạch thảo cho tôi để trên bàn học.
“Hồi đó, miếng đất này trụi lủi toàn đất với đá, tôi dựng căn nhà mà nghèo quá chẳng thợ nào chịu làm thiếu tiền công. Chú Giáo thương tình làm giúp, mà chỉ có mình chú, mình tôi nên cực trời sợ luôn. Đường suối gồ ghề, chiếc xe đạp thồ được một khúc cây là trầy trật ghê lắm...”. Giữa vườn hoa được đánh luống thẳng tắp, ông chậm rãi kể khi tôi tò mò sao ông thường ghé nhà với từng giỏ cần xé đầy hoa trên chiếc xe gắn máy.
Nhận giấy báo đậu đại học, tôi rời xóm nhỏ, về Sài Gòn. Ngày cuối tuần, tôi cùng bạn bè vác balô, chạy xe máy đến những vùng lân cận, đi leo núi. Những người trẻ, tò mò và “điếc không sợ súng”, chúng tôi không đi theo cung đường bậc thang có sẵn, mà cứ nhắm thẳng hướng đỉnh núi, leo qua các mỏm đá, vạch bụi cây tìm đường. Hoàng hôn trên núi đẹp như tranh vẽ, nhưng mặt trời tắt nắng rất mau, màn đêm sập ngay xuống, cả không gian chìm vào một màu đen. Sao trời lấp lánh bao bọc, cứ ngỡ với tay là chạm tới. Lúc đó, chúng tôi thường thách nhau gọi tên các tinh tú, định vị đường đi mà không dùng bất cứ phương tiện hỗ trợ nào. Vừa ngẩng đầu nhìn trăng sao, vừa dò đường để đến khu hạ trại, tiếng cười, tiếng hát khích lệ nhau, nỗi nhớ cậu ùa về.
Cậu - chính là thầy của tôi, sư phụ của tôi.
Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận