02/11/2014 08:10 GMT+7

Văn chương “được mùa” lên phim Việt

HIỀN HÒA
HIỀN HÒA

TT - Có vẻ như năm 2014 điện ảnh Việt rất mặn mà với các kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn chương, với ít nhất 4-5 phim được sản xuất, 3-4 phim đang giai đoạn chuẩn bị.

Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Những ngày này đạo diễn Victor Vũ đang cùng diễn viên làm quen bối cảnh ở Phú Yên để chuẩn bị khởi quay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trong khi đó ở ngoài rạp, bộ phim Hương Ga đang công chiếu toàn quốc là một chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú. 

Đạo diễn Vinh Sơn nhìn nhận chuyện văn học nhộn nhịp lên phim là một tín hiệu tốt lành.

Sôi động phim chuyển thể

Ðạo diễn Cường Ngô rất cẩn trọng nên trách nhiệm chuyển thể thuộc về nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cố vấn kịch bản là đạo diễn Việt Linh, trợ lý kịch bản là biên kịch Nguyễn Thị Như Khanh.

Cũng xin nhắc lại Phiên bản từng được chuyển thể thành phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn nên Cường Ngô muốn khai thác hướng khác cũng là điều dễ hiểu.

Ðầu tháng 11 này đoàn phim của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình có mặt ở châu Âu để quay những bối cảnh chính cho bộ phim Quyên chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Với bối cảnh Ðông Âu thời bức tường Berlin sụp đổ, Quyên là nhân vật đầy ẩn dụ về thời thế và phận người.

Phim Dịu dàng - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Phim Dịu dàng - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Trở về từ Liên hoan phim Busan 2014, Nước - 2030 của Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Dịu dàng của Lê Văn Kiệt sẽ tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2014. Nếu Dịu dàng (tên tiếng Anh là Gentle) chuyển thể từ truyện ngắn Một sinh vật dịu dàng của văn hào F.Dostoevsky, thì Nước - 2030 chuyển thể từ truyện ngắn Nước như nước mắt của Nguyễn Ngọc Tư.

Một phim dự kiến hoàn tất cuối tháng 11 này là Ðời như ý, cũng được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, do đạo diễn Việt kiều Vương Quang Hùng thực hiện.

Hai anh em Như và Ý rồi sẽ có được cuộc sống như ý hay không là câu hỏi mà đạo diễn Hùng muốn kể lại cho người xem. Trong truyện, câu mở và câu kết Nguyễn Ngọc Tư đã hỏi: “Làm gì có chuyện đời như ý?”.

Ðạo diễn ăn khách Victor Vũ thì lần đầu tiên đến với kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học. Hướng đến sự trưởng thành của trẻ em, cả nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, biên kịch Việt Linh và đạo diễn đều muốn xây dựng việc thoát nỗi sợ ma quái khi cho nhân vật thực hiện hành trình đối diện với Xóm Miễu. Siêu thực, thần thoại, lãng mạn và đời thường là chất của phim này.

Trong các phim được Nhà nước đầu tư gần đây thì Mỹ nhân (kịch bản: Văn Lê, đạo diễn: Ðinh Thái Thụy) bấm máy ngày 23-9 tại Huế là một chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Văn Lê.

Phim lật giở lại một nghi oán loạn luân còn nhiều tranh luận, liên quan đến cuộc đời hai ca nương là Tống Thị Xuân Ðào và Lê Thị Thừa.

Phim Quyên - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Phim Quyên - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Cơ hội và thách thức

Thế mạnh dễ thấy nhất của việc chuyển thể chính là sức hấp dẫn sẵn có từ tác phẩm văn chương, bởi hiếm khi người ta chuyển thể một tác phẩm dở. Hơn nữa, sự sâu lắng và khả năng kích thích trí tưởng tượng cũng là những thế mạnh của văn học.

Trong một cuộc trò chuyện riêng, nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm (Chánh Phương Films) nói rằng không có gì thách thức bằng việc đọc kịch bản dở, mà loại này thì rất nhiều, gần như tuần nào tháng nào cũng phải đọc.

Nhà sản xuất nào cũng nói thiếu kịch bản, nhưng đó là kịch bản sâu sắc, có bề dày văn hóa, chứ kịch bản hời hợt, đủ trang đủ chữ thì nhiều lắm.

Trước tình hình đó, Chánh Phương Films luôn để ý tìm kiếm thêm các kịch bản chuyển thể từ văn chương, bởi loại này đã có cái nền câu chuyện tương đối sâu từ tác phẩm gốc.

“Tác phẩm văn chương cung cấp tâm lý nhân vật, bối cảnh, lời thoại và rất nhiều thứ khác, bản thân nó đã là một cuốn phim của nhà văn. Ta chỉ tái cấu trúc để cộng thêm giá trị, tô đậm điều muốn nói chứ không trừ bớt đi. Cũng xin nói thêm, gần đây một số phim Việt do đạo diễn tự viết (nhất là đạo diễn Việt kiều) cứ bị... lỗi và sạn trong nhiều thứ, trong đó nặng nhất là thoại. Nếu có sẵn thoại trong văn chương sẽ giúp sản phẩm điện ảnh hoàn thiện nhiều hơn” - nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc nhận định.

Thấy rõ lợi thế của văn chương, đạo diễn của Hương Ga - Cường Ngô lại nhận xét: “Ngôn ngữ văn chương sẽ giúp đạo diễn, biên kịch, diễn viên hiểu sâu và sắc bén hơn về nội tâm nhân vật, để qua đó truyền tải ngôn ngữ điện ảnh bằng hình ảnh, âm thanh và nghệ thuật biểu diễn”.

Thế nhưng nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn thì có ý khác khi nhìn nhận phim điện ảnh và phim truyền hình “đã ngốn như thần trùng các loại cốt truyện, môtip về quan điểm xã hội, tình cảm, mâu thuẫn xung đột đạo lý, quyền lợi, quyền lực, thiện ác, đẹp xấu, đúng sai... dẫn đến sự cạn kiệt đề tài mà chính văn học cũng đang bế tắc.

Nhà văn, nhà biên kịch dày dạn kinh nghiệm cũng nhìn chuyện “chuyển thể” với đôi chút lo ngại: “Công nghệ phát hành cũng chi phối vào việc sản xuất phim: phim chiếu rạp chỉ từ 90-115 phút, phim truyền hình non 45 phút/tập, nhất định phải hướng tới người xem để có lợi nhuận tái sản xuất nhưng lại hạn chế giá trị văn học của tác phẩm, nên các phim chuyển thể từ tác phẩm văn học gần đây chủ yếu chỉ lấy ý tứ, cốt truyện và nhân vật chính.

Cần phải nhìn nhận thực tế đã đổi thay này để cả hai phía điện ảnh và văn học tìm ra sự gắn bó hữu hiệu”.

* VICTOR VŨ:

Đó chính là một thách thức

Văn học đi vào phim là cách thức phổ biến trong lịch sử điện ảnh. Nhìn vào Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió), War of the worlds (Đại chiến thế giới) hay The Godfather (Bố già)... cũng đủ thấy sức ảnh hưởng của dạng phim này trong lòng khán giả nhiều thế hệ.

Tác giả, tác phẩm một khi đã được khán giả công nhận, chắc chắn ẩn chứa chất liệu tuyệt vời cho sự ra đời những thước phim hay.

Nhưng việc chuyển thể tiểu thuyết thành phim điện ảnh không phải dễ dàng. Bởi tiểu thuyết được viết để trở thành tiểu thuyết. Còn phim đòi hỏi những quy tắc và yếu tố nhất định. Nên sẽ rất bình thường khi phim chuyển thể xuất hiện tình tiết hoặc cấu trúc mới để trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Đó chính là một thách thức.

Và với tôi lúc này, đó là thử thách lớn nhất khi đến với... “hoa vàng và cỏ xanh”.

* NGUYỄN PHAN QUANG BÌNH:

Tôi muốn chia sẻ hình ảnh mà tôi tưởng tượng

Với cả Cánh đồng bất tậnQuyên ngay sau khi đọc xong tác phẩm, tôi lập tức cảm nhận được không khí của câu chuyện, sống cùng với đời sống của nhân vật và ngay khi đọc xong dòng cuối cùng tôi đã biết là mình thật sự muốn chia sẻ hình ảnh mình tưởng tượng trong đầu về câu chuyện ấy với những người khác, được kể lại câu chuyện bằng một ngôn ngữ khác qua cách nhìn của mình. Chính điều đó thôi thúc tôi làm phim.

Với Quyên, tôi thấy những mảnh đời khốc liệt, nhìn thấy những người xung quanh mình qua những nhân vật của Quyên trong một bối cảnh hỗn mang của thời kỳ bức tường Berlin sụp đổ. Những hình ảnh ấy và câu chuyện ấy đeo bám tôi và tôi muốn làm phim về họ.

Tôi cũng đã đi thực địa Đức và Tiệp nhiều lần và những gì tôi nghe được, cảm được từ những người Việt ở đây càng thúc đẩy mong muốn tôi thực hiện bộ phim này.

Tôi muốn kể câu chuyện về thân phận một phụ nữ bôn ba xứ người trong một hoàn cảnh mà tôi tin nhiều người miền Bắc sẽ có thể thấu hiểu và chia sẻ, còn khán giả miền Nam sẽ tò mò và ngạc nhiên vì không biết đồng bào của mình đã từng trải qua những trải nghiệm như vậy trong cuộc sống.

* VIỆT LINH:

Đừng “nhặt cát rơi ngọc”

Tôi cho rằng không có nền tảng/đặc tính văn học thì sự hấp dẫn của điện ảnh chỉ thuộc bề nổi. Từ quan niệm đó và qua sáu lần chuyển thể điện ảnh lẫn truyền hình từ tác phẩm văn học, tôi nghĩ có hai điểm nhất thiết phải tôn trọng quá trình chuyển thể.

Đó là tinh thần và không khí tác phẩm, mà chính người chuyển thể phải thật sự thẩm thấu.

Tôi chủ trương trong khi lẩy chọn những tinh túy của văn học, người chuyển thể phải biến hóa nhiều thứ, trong đó có việc tận khai những ý hay tiềm tàng trong văn học...

Nhưng biến hóa gì cũng phải giữ được tinh thần, không khí nguyên bản. Đây là nan đề khắc nghiệt cho nhà chuyển thể khi phải cô đọng một tác phẩm văn học đồ sộ vô 90 phút chiếu.

Trên thực tế, vì sự cô đọng riết róng này, nếu không đủ nhạy cảm và kinh nghiệm, người chuyển thể dễ bị “nhặt cát rơi ngọc”.

HIỀN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp