11/07/2017 22:31 GMT+7

Vẫn chưa có phương án về vỏ tàu là thép Trung Quốc

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Phải chờ ý kiến chính thức của Bộ NN&PTNT mới triển khai phương án khắc phục việc năm tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định hợp đồng đóng bằng thép Hàn Quốc nhưng công ty đóng tàu đã thay bằng thép Trung Quốc.

Ngư dân Nguyễn Công Quý (ở cảng cá Đề Gi, Phù Cát, Bình Định) đóng tàu vỏ thép hơn 14 tỉ đồng chỉ ra khơi được một lần rồi nằm bờ gần hai năm nay  - Ảnh: TR.ĐĂNG
Ngư dân Nguyễn Công Quý (ở cảng cá Đề Gi, Phù Cát, Bình Định) đóng tàu vỏ thép hơn 14 tỉ đồng chỉ ra khơi được một lần rồi nằm bờ gần hai năm nay - Ảnh: TR.ĐĂNG

Chiều 11-7, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định lại tổ chức họp giữa các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng với đại diện hai Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an, gọi tắt là Công ty Nam Triệu) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định, gọi tắt là Công ty Đại Nguyên Dương) để thống nhất phương án, thời gian khắc phục, sửa chữa các hư hỏng.

Theo báo cáo do ông Trần Văn Phúc (phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định) trình bày, phương án của hai công ty đóng tàu có những điểm khác với kết luận của UBND tỉnh Bình Định.

Theo đó, phần vỏ tàu, Công ty Đại Nguyên Dương đã thống nhất với ngư dân không thay thế thép Trung Quốc đạt mác A (thép đóng tàu) bằng thép Hàn Quốc, mà chỉ tính toán để trả tiền chênh lệch hai loại thép cho chủ tàu.

Về máy tàu, Công ty Nam Triệu thay mới 11 động cơ chính hiệu Mitsubishi mới 100%, đúng chủng loại và thay cả hộp số, hệ trục chân vịt cho 11 tàu này; riêng động cơ chính hiệu Doosan của tàu ông Trần Đình Sơn thì công ty đề nghị Sở NN&PTNT Bình Định có kết luận chính thức nguyên nhân hư hỏng để có cơ sở làm việc với đơn vị cung cấp máy về thay máy mới, nếu không thì chỉ thực hiện thay toàn bộ linh kiện theo chính sách bảo hành.

Về các máy phát điện, Công ty Nam Triệu thống nhất sửa chữa, khắc phục các máy bị hư hỏng, kiểm tra lại máy phát điện của bốn tàu có khác biệt về nguồn gốc xuất xứ và thực tế, nếu không đúng hợp đồng thì thay máy mới.

Về tiền thiết kế tàu, cả hai công ty đều cho rằng ngư dân đã thống nhất chọn thiết kế riêng không có trong 21 mẫu tàu mà Bộ NN&PTNT ban hành, do đó không trả lại số tiền trên cho chủ tàu.

Tổng số tàu phải khắc phục, sửa chữa là 20 chiếc (trong đó phát sinh hai chiếc do Công ty Nam Triệu đóng có hư hỏng về máy móc, thân tàu nên công ty này thống nhất khắc phục 15 tàu, còn Công ty Đại Nguyên Dương năm tàu); thời gian sửa chữa trong hai tháng 7 và 8-2017 tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).

Tại cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, công bố văn bản vừa được ông Trần Châu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ký ngay trong chiều 11-7, với nội dung cơ bản thống nhất các phương án khắc phục của hai công ty.

Tuy nhiên, về vấn đề thép đóng tàu không đúng chủng loại theo hợp đồng, UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN&PTNT có văn bản xin ý kiến chỉ đạo xử lý của Bộ NN&PTNT.

“Về máy tàu, thống nhất để Công ty Nam Triệu thay toàn bộ máy chính Mitsubishi không đúng chủng loại, không đồng bộ; máy chính hiệu Doosan của ông Trần Đình Sơn nếu hư hỏng nặng thì yêu cầu Công ty Nam Triệu thay máy mới.

Về tiền thiết kế tàu, yêu cầu Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương phải trình được hợp đồng với các chủ tàu về thiết kế mẫu tàu không thuộc 21 mẫu do Bộ NN&PTNT phê duyệt và công bố thì mới không trả lại tiền cho dân” - ông Hổ trình bày văn bản của UBND tỉnh Bình Định.

Về năm chiếc tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc thay vì thép Hàn Quốc như trong hợp đồng với chủ tàu, ông Hổ cho biết đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Ngọc Oai, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. “Ông Oai không đồng ý để vỏ thép Trung Quốc, mà phải thay thế bằng đúng loại thép mà công ty đã ký hợp đồng với chủ tàu là thép Hàn Quốc”.

Tuy nhiên, ông Hổ cho biết ông Oai nói phải xin ý kiến Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám mới có thể quyết định được vấn đề này. “Tôi gọi cho anh Tám để xin ý kiến nhưng chưa liên lạc được. Do vậy, phương án xử lý vỏ tàu bằng thép Trung Quốc vẫn chưa quyết định được” - ông Hổ nói.

Tại cuộc họp, năm ngư dân đóng tàu ở Công ty Đại Nguyên Dương cho biết trước đây vì sốt ruột do thấy tàu nằm bờ quá lâu, nếu thay toàn bộ vỏ thép phải mất 6-8 tháng nữa, nên đã thỏa thuận với Công ty Đại Nguyên Dương không thay vỏ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc, mà chỉ sửa chữa lại tàu theo đúng quy trình, nhà máy tính toán chênh lệch trả lại cho chủ tàu.

“Tuy nhiên, giờ tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến, nếu bộ chỉ đạo thế nào thì chúng tôi theo như vậy” - ngư dân Võ Tuân phát biểu. Bốn ngư dân khác đóng tàu ở Công ty Đại Nguyên Dương cũng thống nhất như ông Tuân, nhưng đề nghị sau khi bộ có ý kiến, công ty phải khẩn trương sửa chữa tàu cho họ sớm ra khơi.

Ông Nguyễn Đức Ân - đại diện Công ty Đại Nguyên Dương - cũng thống nhất với ý kiến của các chủ tàu là Bộ NN&PTNT quyết thế nào, công ty thực hiện thế ấy.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp