13/06/2024 09:12 GMT+7

Vẫn chờ hướng dẫn phân loại rác

Từ ngày 1-1-2025, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các địa phương phải phân loại rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên đến nay người dân tại hầu hết các địa phương vẫn chưa phân loại, bỏ rác thải lộn xộn ra nhà chứa rác chung cư, điểm tập kết.

Rác thải sinh hoạt chưa phân loại đổ tràn cả xuống lòng đường (ảnh chụp tại đường Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: DANH KHANG

Rác thải sinh hoạt chưa phân loại đổ tràn cả xuống lòng đường (ảnh chụp tại đường Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: DANH KHANG

Theo các chuyên gia, đến nay vẫn còn khoảng trống trong xử lý rác thải thực phẩm như đầu tư, quy trình, định mức, tiêu thụ đầu ra.

Người dân vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào và trả tiền theo lượng rác ra sao. Các đơn vị thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất, địa điểm thu gom rác đã phân loại...

Phải có hướng dẫn, nhân rộng mô hình làm tốt

Là một trong những người dân luôn ý thức về việc phân loại rác tại nguồn, chị Phương (29 tuổi, ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết nhiều cư dân vẫn chưa quan tâm đến việc bỏ rác đúng vào thùng rác hữu cơ hay vô cơ, dù tòa nhà chung cư ghi rõ ràng.

"Có nhiều hôm tôi đi đổ rác thấy rác vô cơ vẫn bỏ lộn vào thùng rác hữu cơ. Không chỉ vậy mà pin hay bóng đèn hỏng cũng bỏ lộn vào túi rác thải sinh hoạt...", chị Phương nói và cho biết ở tổ dân phố nơi chị ở vẫn chưa có hướng dẫn phân loại rác.

"Tôi tìm hiểu thì được biết Bộ TN&MT hướng dẫn phân loại rác từ hộ gia đình thành ba nhóm. Tuy vậy, đến nay tòa nhà chung cư nơi tôi ở vẫn đang đặt hai thùng chứa rác vô cơ và rác hữu cơ để thu gom", chị Phương cho biết.

Ông Lê Công Dũng (45 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho biết nhiều năm nay điểm tập kết rác ở đường Duy Tân đã trở thành nơi xả rác trái phép.

"Các công ty mở trụ sở ở đường Duy Tân ngày một nhiều nên lượng rác sinh hoạt ùn ứ cũng nhiều hơn nơi khác. Tuy nhiên, rác đang được thu gom ra các điểm tập kết vẫn chưa được phân loại và bỏ lộn xộn", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, muốn làm gương trong phân loại rác hiệu quả cần phải thí điểm từ những nơi có mật độ dân cư đông. "Làm từ những nơi này sẽ tác động nhanh đến những nơi khác rồi mới có thể làm đồng bộ", ông Dũng nói.

Ghi nhận tại các điểm tập kết rác ở một số tuyến đường như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân), Định Công (quận Hoàng Mai)..., rác thải sinh hoạt vẫn chưa được phân loại, để lộn xộn, tràn cả ra lòng đường.

Theo một lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải từ hộ gia đình thành ba nhóm gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng - tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

"Thế nhưng, các địa phương vẫn chưa triển khai phân loại rác đồng bộ. Trong khi đó, mỗi ngày cả nước phát sinh trên 67.000 tấn rác thải sinh hoạt, với khu vực đô thị là hơn 38.000 tấn/ngày, nông thôn 29.000 tấn/ngày", vị này nói.

Cần chế tài vi phạm với phân loại rác

Trao đổi với phóng viên, bà Đào Thu Huyền (phó trưởng Phòng quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP Hải Phòng) cho biết mỗi ngày trên địa bàn Hải Phòng - "điểm sáng" ở miền Bắc trong phân loại rác thải sinh hoạt - phát sinh khoảng 1.800 tấn rác thải sinh hoạt và đều được phân loại bài bản.

Theo bà Huyền, để phân loại rác thành công, cần làm kiên trì, đồng bộ của chính quyền cấp cơ sở, đồng thời thường xuyên tuyên truyền đến bà con nhân dân để hiểu hơn về ý nghĩa của phân loại, xem rác thải là tài nguyên. Trong thực tế, khi bắt tay vào phân loại rác, địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc đã có những kết quả bước đầu, nhiều khu dân cư đã bị từ chối tiếp nhận rác nếu rác không phân loại.

"Sau những mô hình thí điểm, chúng tôi đã liên tục nhân rộng, đồng thời đưa đại diện tổ dân phố, hội phụ nữ và nhân viên môi trường đi tham quan nhà máy xử lý rác thải sau phân loại để tiếp tục phổ biến kiến thức đến người dân", bà Huyền nói.

Cũng theo bà Huyền, UBND TP Hải Phòng đã đề ra lộ trình, kế hoạch đến cuối năm 2024 cơ bản 100% xã, phường, thị trấn thực hiện đồng bộ, duy trì phân loại rác. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Thị An - viện trưởng Viện TN-MT & Phát triển cộng đồng - cho biết phân loại rác "thành hay bại" là vấn đề quản lý của địa phương.

"Tại sao đến nay có địa phương phân loại được nhưng cũng có nhiều nơi rác vẫn đang để lộn xộn. Theo tôi, thời gian tới Bộ TN&MT cần công khai nơi nào làm tốt, nơi nào chưa làm tốt để từ đó có những biểu dương kịp thời cũng như chế tài. Bên cạnh đó, nhân rộng các "điểm sáng" trong phân loại rác", bà An nói.

Trước đó bà An cũng từng kiến nghị UBND TP Hà Nội cần đánh giá, tổng kết xem quá trình phân loại rác đang làm đến đâu.

Ai làm tốt, ai chưa làm tốt, trách nhiệm ra sao? Đặc biệt, Chính phủ cũng nên yêu cầu 63 tỉnh thành trực thuộc trung ương tổng kết phân loại rác.

Từ đó tìm ra nguyên nhân, chỉ đạo xử lý dứt điểm từng nơi. Sau đó mới áp dụng chế tài xử phạt đối với từng cá nhân, cán bộ thiếu giám sát, doanh nghiệp thu gom và xử lý không theo quy định.

"Luật đã quy định rồi, nếu chúng ta không quyết tâm thực hiện, không chỉ "nhờn luật" mà còn ảnh hưởng đến môi trường phát triển xanh của Việt Nam. Và ảnh hưởng tới cả cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 - Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26", bà An nói.

Nhiều địa phương đang lúng túng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hoàng Dương Tùng - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) - cho biết nhiều địa phương đang lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.

"Người dân vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào và trả tiền theo lượng rác ra sao. Các đơn vị thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất, địa điểm thu gom rác đã phân loại.

Vẫn còn khoảng trống trong xử lý rác thải thực phẩm như đầu tư, quy trình, định mức, tiêu thụ đầu ra..." - ông Tùng nói và cho rằng để phân loại rác tại nguồn thành công, cần có quy định, hướng dẫn định mức thu gom, xử lý theo hướng mở hơn.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ TN&MT, các địa phương ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, phân công trách nhiệm đến từng cán bộ cấp cơ sở.

Bố trí kinh phí triển khai thí điểm đối với các khu dân cư để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, đồng thời phải tăng cường giám sát của cộng đồng…

Phân loại rác quá chậm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết theo tính toán của Phần Lan, một khu dân cư có sáu hộ gia đình phải có một điểm tập kết rộng 200m2.

Tuy nhiên đến nay tại các địa phương trong cả nước, điểm tập kết rác chủ yếu là tự phát, phân loại từ nguồn đến điểm tập kết vẫn đang còn nhiều bất cập.

Sau khi phân loại thành công, khâu vận chuyển cũng rất phức tạp vì vẫn chưa địa phương nào có xe chở được ba loại rác. "Vậy thì việc phân loại từ đầu nguồn có còn ý nghĩa? Khi vận chuyển được rồi đến điểm trung chuyển rác không ngăn rác thành các ô. Đến bãi xử lý phải dùng công nghệ gì?" - ông Huân đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Huân, xử lý đang là bài toán nan giải dù luật đã quy định rất rõ từ ngày 1-1-2025 phải thực hiện phân loại rác. "Lẽ ra các địa phương phải bắt đầu phân loại rác rồi, thậm chí phải triển khai đại trà. Thế nhưng đến nay việc triển khai phân loại rác tại các địa phương diễn ra quá chậm...", ông Huân nói.

'Rác à? Phân loại được hết! Nhưng...'"Rác à? Phân loại được hết! Nhưng..."

TTCT - Dù không qua trường lớp đào tạo nào, những người làm nghề gom phế liệu vẫn có kinh nghiệm phân loại rác phong phú và chính xác. Bởi với họ, đó là tiền.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp