Nhưng Tiến về Hà Nội vẫn chưa phải là bài hát lận đận nhất của Văn Cao, mà chính là Mùa xuân đầu tiên.
Trường ca sông Lô - tác phẩm vĩ đại
Người con trai của nhạc sĩ Văn Cao là ông Văn Thao kể sau khi rút khỏi việc tình báo ở Lào Cai, bố ông đưa vợ con trở về Vĩnh Yên, tiếp tục làm báo, phụ trách báo Độc Lập lúc đó có cơ sở in ở chợ Me Đồi, Vĩnh Yên.
Cuối tháng 10-1947, trận sông Lô xảy ra, pháo binh ta đánh tan một số tàu chiến Pháp khiến địch phải rút khỏi Việt Bắc. Văn Cao được gọi lên Hạ Hòa, Phú Thọ, làm báo Văn Nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam vừa thành lập.
Vậy là Văn Cao cõng con trai đầu lòng Văn Thao trên lưng, cha con, vợ chồng đi bộ dọc dòng sông Lô đoạn từ thị trấn Me Đồi qua bến Then sang bên kia là Phú Thọ.
Hình ảnh xóm làng bị giặc đốt cháy chỉ còn nền trơ than xám, nhưng dưới lòng sông xác giặc nổi trôi vào bờ mà ông nhìn thấy suốt dọc đường đi, cộng với niềm vui chiến thắng đã khiến Văn Cao xúc cảm viết Trường ca sông Lô.
Tác phẩm được đăng số báo Văn Nghệ đầu tiên ra tháng 3-1948, cùng Nhận đường của Nguyễn Đình Thi, Cá nước của Tố Hữu, Làng của Kim Lân, Tây Tiến của Quang Dũng…
Bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy ngợi ca hết lời cả về lời thơ và âm nhạc trong hồi ký của ông. Người nhạc sĩ kiêu bạc này không ngần ngại gọi Trường ca sông Lô là "tác phẩm vĩ đại". Còn Văn Cao là người khai phá, cha đẻ của loại trường ca.
Phạm Duy nhận định bài hát: "Chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây phương. Nét nhạc của trường ca rất mạnh khỏe, rất tươi sáng. Nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn rất tài tình. Bài này đánh dấu sự trưởng thành của tân nhạc".
Tiến về Hà Nội - "lạc quan tếu" hay tiên tri?
Giữa năm 1949, tại Việt Bắc, Văn Cao đang làm báo Văn Nghệ. Ông cùng một số văn nghệ sĩ được triệu tập đến dự một cuộc họp để nghe Trung ương phổ biến tình hình chiến sự. Đích thân hai ông Trường Chinh và Tố Hữu chủ trì cuộc họp.
Mọi người được nghe phổ biến chủ trương chuẩn bị tổng phản công và giới văn nghệ sĩ được giao nhiệm vụ: "Cần phải nhanh chóng có những sáng tác kịp thời phục vụ kháng chiến".
Sau cuộc họp đó, Văn Cao cùng Nguyễn Đình Thi được phân công trở lại Khu 3 công tác và phổ biến lại cho mọi người chủ trương này. Văn Cao thuê một chuyến đò dọc, đưa vợ con cùng Nguyễn Đình Thi xuôi theo dòng sông Lô về Khu 3.
Chợ Đại - Cống Thần (thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Tây) gần như là thủ phủ của giới văn nghệ sĩ lúc đó, do ông Lê Quang Đạo (bí thư liên tỉnh Hà Nội - Hà Đông) phụ trách. Lê Quang Đạo và Văn Cao rất thân thiết, ông đã đề nghị Văn Cao nên sáng tác một bài cho chủ trương này.
Vui mừng nghĩ ngày chiến thắng trở về không còn xa, Văn Cao sáng tác liền lúc hai bài Tổng tiến công và Tiến về Hà Nội. Trong đó Tiến về Hà Nội ông làm trong một đêm thu trong vắt. Gần ngôi nhà ông ở có họa sĩ Tạ Tỵ và Bùi Xuân Phái.
Vậy là ngay trong đêm viết bài hát xong, ông gọi mọi người dậy để ông hát cho nghe. Tạ Tỵ nghe xong thích quá vỗ đùi, nói ngay ngày mai phải triệu tập anh em phổ biến bài này. Hai chàng họa sĩ Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái chính là hai người đã được Văn Cao dạy hát bài này đầu tiên.
Chủ trương tổng phản công chưa kịp thực hiện thì cuối năm 1949, Pháp đã mở các cuộc càn quét lớn vào các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Để bảo toàn lực lượng, quân ta phải rút lên rừng. Nhóm Văn Cao, Tạ Phước, Tô Vũ... chạy sang Đống Năm, Thái Bình.
Tại đây, đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng Tiến về Hà Nội, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Bài hát nhanh chóng lan đi khắp nơi.
Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, bài hát cũng bị một số anh em lính đặt lời bịa thành "Trùng trùng bom rơi như chấu, lớp lớp đoàn quân xuống hầm"… Ít lâu sau tại Việt Bắc, trong các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, bài hát được đem ra mổ xẻ và tác giả bị phê phán là "lạc quan tếu", mang tinh thần tiểu tư sản ảnh hưởng đến mọi người.
Bài hát bị cấm không được hát nữa nhưng vẫn cứ ngấm ngầm lan tỏa trong nhân dân, vì nó là ước vọng âm ỉ trong lòng mọi người. 5 năm sau khi bài hát ra đời, chúng ta thắng lớn ở Điện Biên Phủ, tiến về giải phóng thủ đô.
Sự kiện diễn ra đúng như hình ảnh bài bát của Văn Cao đã mô tả: "Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân kéo về…
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh…". Và thật xúc động khi cả Hà Nội bừng lên đón đoàn quân giải phóng bằng bài hát Tiến về Hà Nội.
Một điều Văn Cao rất tiếc đó là ngày trở về thủ đô vỡ òa hạnh phúc mà ông đã tiên đoán chính xác hoàn toàn từ 5 năm trước, cuối cùng ông lại không được chứng kiến tận mắt.
Vì giữa năm 1954, Văn Cao được trong phái đoàn Văn hóa cứu quốc do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu cùng một số văn nghệ sĩ tên tuổi đi thăm Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ.
Mùa xuân đầu tiên - lận đận cuối cùng của Văn Cao
Sau bài hát bị phê bình là "lạc quan tếu", Văn Cao không đoạn tuyệt hoàn toàn với sáng tác ca khúc như một số bài báo đã viết.
Ông Văn Thao cho biết một vài lần những tin vui ở chiến trường cũng làm cha ông rất xúc động và ông đã sáng tác vài ca khúc trong kháng chiến chống Mỹ, như bài Dưới ngọn cờ giải phóng, Đường dây qua bản Mèo, Hải Phòng mở ra biển lớn.
Đặc biệt, mùa xuân đầu tiên khi đất nước thống nhất năm 1976, trong nỗi vui tận hưởng một mùa xuân thanh bình, đặc biệt là niềm thôi thúc viết một cái gì đó để kết thúc cuộc chiến tranh mà 30 năm trước ông đã hiệu triệu mọi người bước vào cuộc chiến với bài Tiến quân ca, Văn Cao đã sáng tác bài hát Mùa xuân đầu tiên.
Bài hát được in ngay trên báo Sài Gòn Giải Phóng, nhưng nó sớm bị bỏ rơi bởi điệu valse của nó thật lạc lõng trong âm hưởng hào hùng, phơi phới tự hào chung của các ca khúc lúc bấy giờ.
Đây chính là lận đận cuối cùng của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao sau nỗi sầu khổ vì Nhân văn - Giai phẩm.
Nhưng bất ngờ là ngay trong năm 1976, Mùa xuân đầu tiên được in và biểu diễn ở Liên Xô, mà gia đình Văn Cao chỉ may mắn biết vào những năm 1980, khi con gái Nguyễn Hương Hương của ông học ở Học viện Âm nhạc Tchaikovsky báo về.
Năm 1991, Nguyễn Thụy Kha làm một phim video ca nhạc về cuộc đời Văn Cao, trong cảnh Văn Cao về quê Nam Định, ông lồng bài hát Mùa xuân đầu tiên vào một đoạn dài, thì lần đầu tiên ca khúc này do ca sĩ Quốc Đông thu âm mới được phổ biến tới công chúng.
Nhưng bài hát chỉ thật sự "bừng sáng" nhờ giọng hát ca sĩ Thanh Thúy năm 1995, trong bộ phim ca nhạc Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật do đạo diễn Đinh Anh Dũng làm sau khi nhạc sĩ đã qua đời...
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Văn Cao thể hiện tính tiên tri trong các bài hát. Ngay từ năm 1945, khi cách mạng chưa thành công, Văn Cao đã sáng tác các bài Không quân Việt Nam, Bài ca chiến sĩ hải quân khi bộ đội ta hầu hết còn… đi bộ. Và quả nhiên từ thập niên 1960 thì không quân, hải quân đã lần lượt ra đời trong quân đội ta.
----------------------------
Nổi tiếng nhất ở âm nhạc, nhưng hội họa mới chính là mối băn khoăn hơn hết của Văn Cao, theo nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, một người bạn tâm giao của ông.
Kỳ tới: Văn Cao vẽ Đặng Thai Mai - hai đỉnh núi giáp đầu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận