09/11/2023 11:03 GMT+7

Văn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ 3: Văn Cao - người chồng yêu vợ và nhà tình báo đặc biệt

Tại sao ông Lê Giản tha thiết mời Văn Cao ở lại hoạt động trong ngành công an, nhưng Văn Cao kiên quyết từ chối?

Vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: HÀ TƯỜNG

Vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: HÀ TƯỜNG

Vừa hưởng hương vị trăng mật lãng mạn bên "Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung..." chưa được bao lâu thì cặp vợ chồng son Văn Cao - Nghiêm Thúy Băng sẵn sàng dấn thân vào một nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm: tình báo.

Rồi lại một lần nữa ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức giao phó, như Tạ Tỵ nói: "Vẽ, viết, làm nhạc và hoạt động cách mạng, ở mỗi bộ môn Văn Cao đều xuất sắc".

Từ lời hứa với vợ đến bài hát của mọi ngôi làng kháng chiến

"Hồi ấy, tôi còn trẻ lắm!" - bà Nghiêm Thúy Băng bắt đầu câu chuyện về người chồng rất mực yêu kính, chăm sóc kỹ càng tới nỗi ông Văn Cao gọi vui bà là... "giám đốc nhà trẻ Hoa Hồng".

Đúng là hồi ấy bà trẻ lắm, mới 17 - 18 tuổi, theo người yêu đi kháng chiến gian khổ dù trước đó vốn là tiểu thư đài các. Bây giờ thì bà đã sống gần trọn thế kỷ. Ở tuổi 94, giọng nói vẫn trong và cương nghị, nét xinh đẹp của tiểu thư Hà Nội xưa vẫn lưu dấu. Dù sức khỏe có tàn dần theo lẽ trời, trí tuệ của bà Băng vẫn là một vùng sáng rỡ, đặc biệt là vùng ký ức về người chồng tài hoa và lận đận của bà.

Chân dung bà Nghiêm Thúy Băng do Văn Cao vẽ

Chân dung bà Nghiêm Thúy Băng do Văn Cao vẽ

Cuối năm 1944, sáng tác xong bài Tiến quân ca, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho báo Độc Lập. Công việc khiến ông phải giao tiếp với nhà in. Hà Nội ngày ấy có Nhà in, Nhà xuất bản Rạng Đông rất nổi tiếng của ông chủ Nghiêm Xuân Huyến. Ông Huyến đồng thời là chủ bút hai tờ báo Bắc Kỳ Thể Thao (1939 - 1940) và Con Ong (1941 - 1942). Bạn bè văn chương của ông là những Nguyễn Tuân, Vũ Bằng...

Ông có người con gái thứ đang ở tuổi cập kê xinh đẹp tựa vầng trăng non trong đêm thu trong vắt và có cái tên cũng đẹp như người: Nghiêm Thúy Băng. Cô sớm được bố mẹ cho ra đứng coi sóc một tiệm sách nhỏ, kiêm luôn việc giao - nhận với khách đặt in. Trong số vị khách đến đặt in ấy có chàng nhạc sĩ trẻ của những bản tình ca lãng mạn mà thị dân Hà Nội lúc bấy giờ, đặc biệt là các cô gái, rất mê mẩn từ Buồn tàn thu tới Thiên thai, Suối mơ...

Bỗng tai họa ập tới với gia đình khi ông Nghiêm Xuân Huyến bị Nhật bắt và bắn chết chỉ trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công vài ngày. Gia cảnh sa sút nhưng vận hội mới của đất nước độc lập mở ra và quan trọng là có tình yêu với Văn Cao làm điểm tựa nên Thúy Băng vẫn mạnh mẽ dấn thân vào cuộc đời mới.

Toàn quốc kháng chiến nổ ra cuối năm 1946. Sau lễ ăn hỏi, đôi trẻ về tản cư ở làng Lưu Xá (huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ) - một ngôi làng yên tĩnh nằm bên bờ con sông hiền hòa với những lũy tre xanh mát bao quanh và mái nhà thờ thấp thoáng.

Nhưng ngôi làng cũng sớm mất đi vẻ thanh bình khi "ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn". Chứng kiến những người dân hiền lành sớm theo du kích, hối hả đào hào, đắp lũy, tập luyện chống giặc, Văn Cao cảm động nói với vợ sắp cưới sẽ viết một bản nhạc về ngôi làng này.

Ngay sau đám cưới, đầu năm 1947, Văn Cao đã thực hiện lời hứa với vợ, sáng tác một ca khúc về cái làng đạo Lưu Xá, bài Làng tôi. Những câu hát đẹp trên điệu valse dập dìu "Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung..." đã sớm lan đi khắp nơi. Làng tôi không còn là niềm tự hào riêng của làng Lưu Xá mà trở thành làng của mọi ngôi làng chống Pháp lúc bấy giờ.

Rồi hai vợ chồng trẻ cũng phải rời ngôi làng xinh đẹp với những người quê anh dũng này để tới biên viễn Lào Cai cho một nhiệm vụ bí mật.

Bản nhạc Làng tôi in trong tập Thiên thai, NXB Trẻ 1988

Bản nhạc Làng tôi in trong tập Thiên thai, NXB Trẻ 1988

Quán Biên Thùy và nhiệm vụ đặc biệt của Văn Cao

Về nhiệm vụ đặc biệt này, ông Văn Thao kể sau Cách mạng tháng Tám, Đội ám sát trừ gian của Văn Cao giải tán, ông về báo Độc Lập làm phóng viên, hoạt động công đoàn, dạy tự vệ cho công nhân toa xe ở ga Hà Nội.

Sau đó, Văn Cao phụ trách một đoàn tàu chở vũ khí, quân tiếp viện, đội quân Nam tiến vào hỗ trợ cho Mặt trận miền Nam. Cùng phụ trách đoàn tàu với Văn Cao có ông Hà Đăng Ấn, sau này làm tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt.

Đoàn tàu này vào ga cuối cùng là ga Quảng Ngãi, bàn giao cho người thay mặt Mặt trận miền Nam nhận là bà Nguyễn Thị Định.

Toàn quốc kháng chiến, Văn Cao cùng người vợ sắp cưới và nhiều văn nghệ sĩ khác thoát ly khỏi Hà Nội. Lào Cai lúc đó do ta đang kiểm soát nhưng tập trung rất nhiều phần tử, nhiều tốp Quốc dân đảng hoạt động chống phá, trong đó có một số cán bộ của ta phụ trách Lào Cai - Liên khu 10 không hoàn thành nhiệm vụ, thông đồng với "phỉ" buôn bán muối, thuốc phiện... Tình hình rất phức tạp.

Ông Lê Giản lúc đó đang làm giám đốc Công an Bắc Bộ, biết Văn Cao từ hồi ông còn làm đội trưởng Đội ám sát, lại biết ông là một nhạc sĩ tài hoa có thể tạo vỏ bọc rất tốt. Ông đã gặp Văn Cao nhờ nhạc sĩ giúp ngành công an với vai trò phụ trách đội điều tra công an Liên khu 10 trực thuộc Bộ Công an, thu thập thông tin ở địa bàn cho tổ chức. Văn Cao đã nhận lời.

Vậy là đầu năm 1947, tạm biệt làng Lưu Xá của Xứ Đoài, ông mang theo vợ lên thị xã Lào Cai mở quán cà phê văn nghệ ở khu Cốc Lếu và lấy tên là quán Biên Thùy. Ông tập hợp được một số văn nghệ sĩ đi kháng chiến, các ca sĩ, nhạc sĩ cùng hoạt động. Phạm Duy cũng lên hát ở đó một thời gian nhưng chỉ với vai trò ca sĩ hát cho quán chứ không phải người tổ chức.

Với tiếng tăm Văn Cao, quán cà phê thu hút được nhiều loại người, từ người của ta, Quốc dân đảng, buôn lậu, thổ ty... Văn Cao và đồng đội thu thập tin tức rất hiệu quả. Khi ấy, vùng này có Hoàng A Tưởng là thổ ty vùng cao nguyên Bắc Hà. Hoàng A Tưởng hay ra Lào Cai, nghe tiếng Văn Cao thì đến quán ngay.

Vị thổ ty này từng học trường Bưởi ở Hà Nội, biết chơi violon. Gặp các nghệ sĩ, nghe tiếng Văn Cao nên Hoàng A Tưởng rất quý. Ông xin kết nghĩa anh em với Văn Cao. Nhạc sĩ đã báo cáo trung ương việc này và được đồng ý. Buổi kết nghĩa làm ở dinh thự của Hoàng A Tưởng khoảng tháng 4-5 năm 1947, có ông Trần Huy Liệu chứng kiến.

Từ sau lễ kết nghĩa, Hoàng A Tưởng giúp Văn Cao rất nhiều từ vật chất tới con người. Văn Cao trở thành mối nối để đưa những thổ ty ủng hộ, đi theo kháng chiến. Sau này, Hoàng A Tưởng được phong chủ tịch lâm thời tỉnh Lào Cai.

Văn Cao hoạt động được 8 tháng, triệt phá nhiều tổ chức Quốc dân đảng, bóc một số hoạt động sai trái trong một số người của ta. Công việc hoàn thành, ông bàn giao đội điều tra cho Bộ Công an. 

Ông Lê Giản tha thiết mời Văn Cao ở lại hoạt động trong ngành công an, nhưng Văn Cao kiên quyết từ chối. Ông muốn về lại với hoạt động văn nghệ sở trường của mình. Và hoạt động tình báo khiến ông phải điều tra cả những đồng chí của mình đang mắc sai lầm khiến người nghệ sĩ không thể không buồn lòng.

Bà Nghiêm Thúy Băng ở tuổi 94, cầm tập nhạc Thiên Thai do NXB Trẻ phát hành năm 1988

Bà Nghiêm Thúy Băng ở tuổi 94, cầm tập nhạc Thiên Thai do NXB Trẻ phát hành năm 1988

"Siêu cận vệ" của Văn Cao

Khi được hỏi "Bà cảm thấy thế nào khi số phận đã gắn đời bà với một nghệ sĩ tài danh của thế kỷ nhưng cũng chịu nhiều năm tháng buồn thương?", bà Thúy Băng nói: "Tôi không nghĩ gì cả. Tôi lấy chồng thì phải đẻ con, phải nuôi con. Với người chồng thì phải chăm sóc sức khỏe. Tư cách của ông nhà tôi là tư cách không xu nịnh, không quỳ gối. Đó là điều tôi rất trọng ở ông ấy".

Về tình vợ chồng của ông bà Văn Cao, nhà thơ Thanh Thảo nói với Tuổi Trẻ: "May mắn cho Văn Cao, bà Nghiêm Thúy Băng hơn cả một người vợ, còn là một cận vệ trung thành, một siêu cận vệ. Bà chăm lo, chiến đấu bảo vệ chồng. Ông đi đâu bà cũng đi theo. Ngược lại, những bài thơ vào loại hay nhất của Văn Cao chính là những bài viết về vợ".

Là một nghệ sĩ tài hoa, Văn Cao dành cho vợ một tình yêu trọn đời.

---------------------------

Nếu như Trường ca sông Lô được Phạm Duy gọi là tác phẩm vĩ đại, và Văn Cao là "cha đẻ của loại trường ca", thì Tiến về Hà Nội khiến tác giả bị phê bình "lạc quan tếu" chỉ vì... thấy trước tương lai 5 năm. Nhưng Tiến về Hà Nội vẫn chưa phải bài hát lận đận nhất của Văn Cao, mà là Mùa xuân đầu tiên.

Kỳ tới: "Tác phẩm vĩ đại" và bài hát tiên tri

Văn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ 2: Chọn Quốc ca và lần dự thay bất thànhVăn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ 2: Chọn Quốc ca và lần dự thay bất thành

Tháng 8-1945, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã chọn Tiến quân ca của Văn Cao làm Quốc ca nước Việt Nam độc lập sắp thành hiện thực. Quốc hội khóa I đã ghi trong Hiến pháp năm 1946 chọn bài này làm Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp