Quyết định giá dịch vụ tối đa thu gom, vận chuyển, xử lý rác có hiệu lực từ tháng 11-2018 nhưng hiện vẫn chưa được áp dụng - Ảnh: thu gom rác tại trạm trung chuyển trên địa bàn quận Bình Tân - Ảnh: QUANG KHẢI
Quyết định 38 của UBND TP.HCM về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý rác sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu lực từ 1-11-2018.
Lẽ ra giá thu gom, vận chuyển rác đã tăng theo quy định mới này, nhưng do công tác chuẩn bị cho các bước áp dụng chưa xong nên tạm thời mức giá mới vẫn chưa được áp dụng.
Theo quy định mới này, giá tối đa đối với dịch vụ thu gom rác bằng phương pháp thủ công là 364.000 đồng/tấn (tương đương 364 đồng/kg), nếu thu gom bằng phương tiện cơ giới thì giá tối đa là 166.000 đồng/tấn.
Đối với dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, giá tối đa là 247.000 đồng/tấn. Còn giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách nhà nước tối đa là 475.000 đồng/tấn.
Theo tính toán sơ bộ của Sở Tài nguyên - môi trường, nếu áp dụng theo cách tính mới, người dân TP.HCM sẽ phải trả tiền rác hàng tháng nhiều hơn, khoảng 48.000 đồng/hộ/tháng (chưa bao gồm VAT). Mức giá này sẽ tăng theo lộ trình từng năm.
Sắp tới ngoài tiền thu gom, người dân sẽ phải trả thêm tiền vận chuyển sau đó là tiền xử lý rác mình thải ra - Ảnh đưa rác tập kết lên xe ép rác trên đường 3-2 - Ảnh: QUANG KHẢI
Tại cuộc họp, đại diện Sở TN-MT đưa ra nhiều phương án xác định khối lượng phát thải làm cơ sở tính tiền như: thực hiện cân hoặc theo mức phát thải bình quân đầu người từ 0,8 đến 1,3kg/người/ngày hay xác định theo dung tích thùng chưa với hệ số quy đổi 1m3 tương đương 420kg. Các quận huyện cũng có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Cũng theo hướng dẫn của Sở TN-MT thì các quận - huyện là đơn vị chủ động trong việc chọn cách tính, phương thức xác định giá áp dụng cho từng đối tượng...nhưng mức giá không vượt quá quy định ban hành của UBND TP.
Tuy nhiên, đại diện nhiều quận - huyện băn khoăn trong việc xác định khối lượng phát thải theo thực tế vì thiếu nhân lực. Đại diện UBND Q.6 bày tỏ lo lắng trong việc xác định khối lượng phát thải và cho rằng trước nay việc xác định này chủ yếu dựa vào "phiếu khai" của chủ nguồn thải chứ khó xác định chính xác con số thực tế.
Một đại biểu khác đặt vấn đề, cơ sở tính giá thu gom dựa vào số lượng phát thải thực tế (364 đồng/kg), nhưng trong các phương án xác định chỉ là con số ước lượng theo tiêu chuẩn Bộ Xây dựng, vậy cách áp dụng giá mới này có đảm bảo được sự tính đúng, tính đủ, công bằng...?
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở TN-MT - cho biết tinh thần quyết định 38 là tính đúng, tính đủ các khâu từ thu gom, vận chuyển, xử lý (hiện nay người dân chỉ trả chi phí thu gom). Nếu tính đầy đủ, mỗi hộ dân có thể trả tới 140.000 đồng/tháng.
Tuy vậy, sở ngồi bàn thảo cùng các sở ngành lấy ý kiến quận huyện...để xác định cách thu, phương thức thu. Theo đó, trong năm 2019 chỉ tính chi phí thu gom và tỉ lệ nhỏ chi phí vận chuyển. Chi phí xử lý phải sau 2022 mới áp dụng.
TTO - Hơn 1.000 lượt xe rác, bùn thải, phân... vô Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, TP.HCM/ngày là ám ảnh của bà con khu này. Hà Nội 3 lần rác ê hề do dân chặn xe rác. Bà Rịa - Vũng Tàu đang bàn việc chở rác từ Côn Đảo về đất liền...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận