Mời khách mua vải thiều tại một điểm bán ở Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Trong hơn 200.000 tấn vải thiều thu hoạch mùa vụ 2015, lượng vải xuất khẩu đi các nước Mỹ, Úc chỉ chiếm phần rất nhỏ. Người dân lo lắng vải thiều lại rơi vào tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu như nhiều năm trước đây.
31 tỉ đồng để tiêu thụ vải
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Văn Hùng, phó giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho biết năm nay việc tiêu thụ vải sẽ được xúc tiến sớm. Số tiền hỗ trợ cho việc tiêu thụ này là 31 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi liệu có xảy ra tình trạng được mùa mất giá hoặc ép giá, ông Hùng cho biết theo cơ chế thị trường, giá thường cao khi vừa vào đầu vụ và sẽ thấp đi khi thu hoạch chính vụ.
“Theo tôi, đó không phải là mất giá. Năm trước giá dao động trong khoảng bình thường. Năm nay chúng tôi dự kiến giá quả vải tương đương năm trước” , ông Hùng nói.
> Ông Phan Văn Hùng
Lãnh đạo Sở Công thương Bắc Giang hứa sẽ hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để mua vải, tăng cường giải quyết tình trạng ùn tắc đường trong cao điểm mùa vụ...
"Chúng tôi đã chủ động tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải ở Lào Cai, mời cả chính quyền.
Hiện Bắc Giang đang áp dụng công nghệ xông để bảo quản quả vải và chiếu xạ xử lý vi sinh vật.
Bên cạnh đó, năm trước chúng tôi đã ký với 11 sở công thương các tỉnh phía Nam, có hợp đồng tiêu thụ với ba chợ đầu mối nông sản là Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Bắc Giang cũng sẽ có hội nghị với các tỉnh thành phía Nam để tiếp tục tăng tiêu thụ quả vải..." - ông Phan Văn Hùng nói.
Ông Nguyễn Anh Cương, phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết Hải Dương hiện có khoảng 21 nghìn ha đất trồng cây ăn quả, sản lượng quả đạt khoảng 200.000 tấn/năm; trong đó diện tích trồng vải chiếm 11.000ha, sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn.
Số vải thiều tiêu thụ trong nước rất lớn, vì vậy thị trường TP.HCM luôn có sức tiêu thụ lớn nhất cả nước sẽ là phương án tiêu thụ tối ưu giảm tải tình trạng dư thừa, ế ẩm, mất giá trái vải.
Bốn câu hỏi về tiêu thụ
Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết các siêu thị Hà Nội hiện đang nhập vải thiều về bán, tuy nhiên lượng vải nhập về siêu thị chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại chủ yếu vẫn là chợ và xe hàng rong tiêu thụ.
Dự báo sản lượng vải thiều năm nay trên 200.000 tấn - Ảnh: Q.Thế |
Ông Phú cho biết giá mua vải thiều gốc tại nhà vườn các thương lái ép giá, mua chỉ độ 20.000 đồng/kg, nhưng khi bán ra thương lái đẩy giá bán lên 80.000-90.000 đồng/kg để bán cho siêu thị hoặc chợ. Chính điều này làm cho lượng tiêu thụ bị chậm lại.
Theo ông Phú, mấu chốt nằm ở hệ thống phân phối và thông tin đến thị trường. Bộ Công thương và các sở ngành địa phương phải có kế hoạch cụ thể và lâu dài về công tác quy hoạch trồng trọt.
Kế hoạch đó phải trả lời được bốn câu hỏi: tiêu thụ ở đâu, bán cho ai, bán với mức giá nào và bán vào thời điểm nào.
Bên cạnh đó, khâu bảo quản và chế biến các sản phẩm từ trái vải cũng nên được coi trọng đúng mức để nâng giá trị của loại nông sản này.
>> Ông Vũ Vinh Phú
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, thị trường tiêu thụ vải tươi trải dài từ Bắc chí Nam, tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng…
Năm nay, thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam được đánh giá sẽ là thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng với khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
Các thị trường xuất khẩu vải thiều của Việt Nam hiện nay ngoài Trung Quốc còn có Mỹ, Úc, một số nước ASEAN và các nước châu Âu.
Thông tin từ Sở Công thương TP.HCM cho biết TP.HCM sẽ hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ vải thiều bằng việc chỉ đạo các hệ thống siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố đẩy mạnh việc phân phối và tiêu thụ vải thiều tới thị trường thành phố và các tỉnh, thành khu vực Đông - Tây Nam bộ.
Theo Sở Công thương TP.HCM đầu tháng 5, Sở Công thương TP.HCM đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện kết nối để tiêu thụ trái vải. Tới đây, ngày 10-6, UBND tỉnh Bắc Giang cũng sẽ trực tiếp thực hiện kết nối với các đơn vị phân phối để tiêu thụ trái vải.
Cần biện pháp lâu dài
Trả lời câu hỏi về thực tế và giải pháp cho tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu VN đang có quan hệ thương mại với có nhiều loại hình với Trung Quốc như chính ngạch (qua hợp đồng thương mại) và thương mại qua biên giới, quen gọi tiểu ngạch.
Thực tế, VN thường xuất khẩu nông sản, trái cây, thủy sản, sản phẩm tiêu dùng, cả sản phẩm tạm nhập tái xuất của các quốc gia khác sang Trung Quốc qua tiểu ngạch, ông Trần Tuấn Anh cho rằng khi tham gia loại hình này, nông dân và doanh nghiệp cũng có thuận lợi.
Tình trạng ùn tắc dưa hấu, trái cây, thậm chí mới đây cả gạo, theo ông Tuấn Anh, là do năng lực thông quan các mặt hàng này tăng kịp so với sự phát triển của việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước.
Nên dù đã được các cơ quan chức năng hai bên tạo điều kiện đẩy nhanh thông quan, nhưng do xuất khẩu qua các đường mòn, lối mở là chủ yếu, nên điều kiện cơ sở vật chất chưa phát triển kịp.
Đã có biện pháp phối hợp giữa các địa phương nơi canh tác và địa phương biên giới có cửa khẩu nhưng ông Tuấn Anh cho rằng “chưa đạt yêu cầu”.
Đặc biệt, ông Trần Tuấn Anh công nhận việc thông quan hàng nông sản VN còn liên quan khả năng thông quan của phía Trung Quốc.
“Có vướng mắc thủ tục nội bộ phía bạn”, vì vậy Bộ Công thương đang có chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông quan.
Về lâu dài, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần có biện pháp căn cơ, tái cơ cấu để gắn kết sản xuất và tiêu thụ, nâng cao chất lượng canh tác, nâng quy mô sản xuất lớn hơn, nâng chất lượng để tiến vào thị trường lớn của thế giới.
Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm với Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, các địa phương về xuất khẩu nông sản, từ đó cụ thể hóa trách nhiệm, phối hợp các khâu sản xuất chế biến, vận chuyển... để đảm bảo lợi ích của nông dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận