Đó là chia sẻ của ông Chu Văn Trọng - phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang - tại Hội nghị thông tin báo chí kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2024 và công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2024, ngày 28-6.
Dân bán vải thiều hồ hởi, phấn khởi
Những năm gần đây, theo ông Trọng, vải thiều Lục Ngạn xuất bán với giá ổn định. Để tiêu thụ thuận lợi, huyện Lục Ngạn thường có ba đoàn làm việc.
Một đoàn làm việc với chợ đầu mối Dầu Giây, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM). Đoàn thứ hai làm việc với Bản quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (Lạng Sơn). Đoàn thứ ba làm việc với Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai.
Tháng 5-2024, mỗi ngày khu vực cửa khẩu tại Lào Cai xuất khẩu 50 - 65 container với 1.200 - 1.500 tấn vải thiều.
Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn nói vải thiều Lục Ngạn ba thời vụ. Đầu vụ là vải u, vải chín sớm cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Tiếp đến là vụ vải giống Thanh Hà - loại vải được thị trường Trung Quốc ưa thích, giá cao do cùi dày, màu chín đỏ tươi, bảo quản xuất khẩu thuận lợi. Sau đó mới đến vải thiều chính vụ.
Trong vụ vải chín sớm và vải Thanh Hà, sản lượng đạt 50 - 70% so với hằng năm, còn vải thiều chính vụ chỉ đạt trên 50.000 tấn (mọi năm từ 100.000 - 150.000 tấn).
"Năm nay dù sản lượng vải thiều thấp song công tác xúc tiến tốt, việc tiêu thụ rất thuận lợi. Về giá bán vải thiều vào giai đoạn cuối, nếu chúng ta muốn mua vải thiều vào ngày mai, khi vào vườn đặt trước với nông dân, họ bảo tôi đồng ý bán nhưng ngày mai giá thế nào thì tôi tính thế.
Giá có thể 70.000 - 80.000 - 90.000 đồng, thậm chí cuối vụ 130.000 - 140.000 đồng/kg. Vùng cao như Tân Sơn có hiện tượng tắc đường độ 1 tuần. Người dân bán vải hồ hởi, phấn khởi, thương lái tranh nhau", ông Trọng cho hay.
Nói thêm về vải thiều, ông Mai Sơn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - dẫn lời chuyên gia về sản lượng vải thiều giảm một phần do thời tiết bất thường, khiến tỉ lệ đậu quả thấp.
Tuy nhiên vẫn có vườn chăm sóc tốt, có giải pháp kỹ thuật, giá vải thiều gấp 3 - 5 lần mọi năm.
"Đây là bài học kinh nghiệm cho các huyện có vải thiều và ngành nông nghiệp trong thống kê, dự báo, khuyến cáo các mùa vụ khác", ông lưu ý.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh chú ý việc dự báo thị trường, làm rõ nguyên nhân giảm sản lượng vải thiều để có giải pháp hạn chế ảnh hưởng.
Tâm lý "sợ trách nhiệm" không chỉ ở trong đội ngũ cán bộ
Trong hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị các đại biểu, sở ngành, phóng viên lưu ý các cụm từ "sợ sai" và "sợ trách nhiệm". Sợ sai, theo ông Sơn, chính là ý thức làm đúng, làm tốt mọi việc. Còn sợ trách nhiệm mới là điều đáng phê bình, đáng trách nhưng không chỉ có trong đội ngũ cán bộ mà cả trong doanh nghiệp.
Ví dụ, khi mời đơn vị thẩm định giá, nếu vật tư, thiết bị chưa có trên thị trường, thẩm định giá quá thấp có thể dẫn tới chuyện cơ quan điều tra nhận định nguy cơ thất thoát tài sản.
Ông Sơn nói thêm rất ủng hộ báo chí góp ý, phản ánh để cán bộ sửa chữa, cơ quan chức năng vào cuộc phê bình, làm rõ.
Tuy nhiên việc phản ánh phải chính xác, tránh ảnh hưởng tới tâm lý của cán bộ vì ranh giới mong manh giữa năng động, sáng tạo những điều pháp luật chưa quy định và cố ý làm trái quy định.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, trong 6 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 14,14%, đứng đầu cả nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 23,9 tỉ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu ngân sách ước đạt trên 9.800 tỉ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ và bằng 61,2% dự toán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận