29/07/2013 00:01 GMT+7

Vài quy tắc chính trong việc giáo dục con

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em - Cục Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em - Cục Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em

Tin dịch vụ - Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, thói quen khác nhau, cách sinh hoạt khác nhau và phương pháp giáo dục con khác nhau. Song, khi cha mẹ giữ vai trò là người đặt ra các nguyên tắc giáo dục trong gia đình, hãy chọn cách giáo dục phù hợp để con cái được phát triển toàn diện và trưởng thành theo đúng nghĩa.

Các bậc cha mẹ có thể tham khảo một vài qui tắc chính trong việc giáo dục con cái để giúp con trưởng thành toàn diện:

Không cầu toàn

Con người không ai toàn diện. Bất cứ ai cũng có thể có mặt tốt, xấu, thiếu sót. Đó là lý do không nên quá cầu toàn trong việc dạy con, đánh giá con cái và trong cả việc giáo dục con cái.

Hãy tìm hiểu tính cách của con mình, phân tích xem nên phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu nào của con. Khi dạy con, đừng đòi hỏi con phải làm gì đó thật tốt, thật xuất sắc, mà hãy dạy con biết tiết chế những mặt yếu để phát huy mặt mạnh của mình. Điều đó sẽ giúp con bạn nhận thức đúng đắn về bản thân, đồng thời cũng giúp con không có tâm lý quá cầu toàn trong cuộc sống, để trên đường đời, con bạn không bị những cú "sốc" về những điều còn hạn chế của xã hội.

Rất nhiều gia đình quá cầu toàn trong cách dạy con, ép con thực hiện việc gì cũng phải hoàn toàn tốt, tuyệt đối xuất sắc, vô hình chung làm cho con cái cũng đánh giá mọi sự vật, hiện tượng xung quanh qua lăng kính cầu toàn, chúng đòi hỏi mọi việc lúc nào cũng phải tốt đẹp, toàn diện, không chấp nhận những mặt trái của xã hội, của con người. Điều đó dễ gây bất mãn, mất niềm tin vào mọi điều xung quanh.

Đừng kỳ vọng quá mức

Nếu đặt kỳ vọng quá mức vào con, bạn đã gây áp lực lớn cho con mình. Như thế, con bạn lúc nào cũng sống trong trạng thái căng thẳng, luôn lo lắng mình làm như thế này đã đúng yêu cầu của bố mẹ chưa. Nếu đặt kỳ vọng quá lớn vào con, khi con bạn không thực hiện được ước muốn của cha mẹ, lúc đó, bản thân cha mẹ sẽ bị thất vọng nặng nề, gây tác động xấu đến chính con cái mình.

Hãy đánh giá con cái đúng khả năng vốn có. Hãy chịu khó và cố gắng tìm hiểu xem con mình có sở trường, sở đoản gì. Hãy chấp nhận rằng không phải tất cả mọi người đều thông minh, nhanh nhẹn, có năng lực… Quả là may mắn nếu con bạn là một trong những người như thế, nhưng cũng hãy biết đối diện với sự thật, nếu con bạn không là một trong những "ngôi sao sáng". Ở trường hợp này, hãy hướng nghiệp cho con đúng với khả năng của con. Như thế bạn đã làm một việc đúng đắn để phát huy khả năng của con người.

Thống nhất trong cách giáo dục

Đây cũng là điều mà ít gia đình làm được. Bởi lẽ, giữa hai vợ chồng, nhiều khi quan điểm giáo dục trái ngược nhau. Nhiều khi, bố dạy một đằng, mẹ dạy một nẻo làm cho con cái không biết "đường nào mà lần". Cuối cùng, hẳn chúng sẽ làm theo ý riêng của mình.

Hai vợ chồng hãy thống nhất về phương pháp dạy con. Tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Một người cha nghiêm khắc sẽ không thể nào dạy được con nếu bà mẹ chiều con quá mức hoặc ngược lại. Tốt nhất, cha mẹ hãy bàn bạc trước khi đưa ra một vấn đề với con. Điều đó tạo sự đồng thuận không chỉ giữa cha mẹ mà còn giữa cả cha mẹ và con cái.

Gương mẫu

Con cái bạn sẽ vượt đèn đỏ nếu thấy bố mẹ chúng làm thế.

Việc gương mẫu để làm gương cho con cái là một việc cực kỳ quan trọng trong việc dạy dỗ con. Con cái phải tâm phục, khẩu phục. Có như thế tiếng nói của cha mẹ mới có "sức nặng". Bạn hãy "chấn chỉnh" mình trước rồi dạy con. Điều mà các ông bố bà mẹ nên tâm niệm là "mình là tấm gương cho con".

Những điều bạn dạy con bằng lời có ảnh hưởng 10 phần, thì những điều bạn thể hiện bằng hành động sẽ ảnh hưởng đến con bạn gấp 10 lần đấy.

Đối thoại

Thông tin một chiều không bao giờ có hiệu quả bằng thông tin hai chiều. Thay vì bạn ra lệnh: con phải làm việc này, con phải làm việc kia… , bạn hãy đối thoại, trao đổi với con.

Khi đối thoại, các bậc cha mẹ hãy coi mình như người bạn của con, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều từ con mình, từ tính cách, sở thích, suy nghĩ và rất nhiều thông tin quan trọng. Bạn đừng áp đặt suy nghĩ của mình cho con và bắt chúng làm theo. Đôi khi sẽ tạo phản ứng ngầm trong suy nghĩ của con bạn.

Đừng quan niệm rằng mình là cha mẹ, mình có quyền bắt con cái làm theo những gì bạn muốn. Hãy cho con được thể hiện suy nghĩ và quan điểm của chúng. Đối thoại là một cách để hiểu về con mình.

Tin tưởng

Có rất nhiều bậc cha mẹ sai lầm khi cho rằng "trứng" không "khôn hơn vịt" được. Đừng "cổ hủ" như thế mà hãy tin tưởng vào con cái, khuyến khích con đánh giá các vấn đề và đưa ra ý kiến. Cha mẹ đặt niềm tin vào con sẽ giúp con cái tự tin hơn để đối diện với các vấn đề trong cuộc sống.

Trong cuộc sống, môi trường giáo dục gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người từ khi sinh ra đến tận lúc trưởng thành. Nếu gia đình nào có tác động tích cực đến con cái thì phần lớn con cái đều trưởng thành và tự tin trong cuộc sống. Ngược lại, có những cách giáo dục sai lầm làm cho con cái trì trệ, dựa dẫm và không thể tự "đứng" trên đôi chân của chính mình.

Giáo dục trong gia đình đúng cách sẽ "cung cấp" cho xã hội nhiều con người "tích cực". Hãy góp phần xây dựng một xã hội phát triển từ chính gia đình mình. Bởi gia đình là tế bào của xã hội.

ksh3oxtY.jpg

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em - Cục Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp