Phóng to |
Quần đảo Trường Sa là một trong hai quần đảo san hô của Việt Nam nằm ở giữa biển Đông. Trong nhiều thế kỷ trước đây quần đảo Trường Sa thường được gọi dưới tên chung với quần đảo Trường Sa là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn lý Trường Sa v.v... Trên các bản đồ đầu tiên của các nhà hàng hải phương Tây, quần đảo Hoàng Sa cùng Trường Sa thường được vẽ thành một dải liền nhau hình lá cờ đuôi nheo nằm dọc bờ biển nước ta từ khoảng ngang Đà Nẵng tới cuối đồng bằng Nam bộ. Đầu thế kỷ 20, nhờ sự phát triển của ngành đo đạc bản đồ biển, người ta mới tách hai quần đảo riêng biệt mang tên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hiện nay, trong các bản đồ nước ngoài, quần đảo Trường Sa thường gọi là quần đảo Spratly.
Quần đảo Trường Sa ở về phía đông nam nước ta trong khoảng 6o30’ đến 12o00’ bắc; 111o30’ đến 117o30’ đông, gồm khoảng hơn một trăm hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi san hô, nằm rải rác trên một vùng biển rộng từ tây sang đông khoảng gần 350 hải lý, từ bắc xuống nam khoảng hơn 360 hải lý, chiếm một diện tích biển khoảng từ 160.000 đến 180.000km2. Đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 250 hải lý, cách điểm gần nhất của đảo Hải Nam (Trung Quốc) cũng khoảng trên 600 hải lý và cách đảo Đài Loan khoảng 960 hải lý. |
Các đảo của quần đảo Trường Sa thấp hơn các đảo của quần đảo Hoàng Sa. Độ cao trung bình trên mặt nước từ 3 đến 5m. Lớn nhất là đảo Ba Bình rộng khoảng 0,6km2, sau đó là các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta, Sinh Tồn, Vĩnh Viễn, An Bang v.v... Ngoài ra còn nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm như Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài. Các đảo ở đây cũng có vành đá san hô ngầm, rộng hàng trăm mét, che chở cho đảo khỏi bị sóng đánh tràn lên. Có những vành đai san hô bao quanh dài, rộng hàng chục kilômét như đảo Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lớn. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo, đá, cồn, bãi ở quần đảo Trường Sa khoảng 10km2 tương đương với quần đảo Hoàng Sa, nhưng quần đảo Trường Sa trải ra trên một vùng biển rộng gấp hơn 10 lần quần đảo Hoàng Sa.
Trên đảo Trường Sa và đảo Song Tử Tây có đài khí tượng ngày đêm theo dõi và thông báo các số liệu về thời tiết ở vùng biển này cho mạng lưới quan trắc khí tượng thế giới và trên một số đảo có đèn biển của Tổng công ty Bảo đảm hàng hải Việt Nam như đảo Song Tử Tây, An Bang, Đá Tây.
Chất đất trên các đảo của quần đảo Trường Sa là cát san hô, có lẫn những lớp phân chim lẫn mùn cây có bề dày từ 5 đến 10cm. Một số đảo trong quần đảo có nước ngầm như đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa, đảo Song Tử Đông. Trên các đảo có nhiều loại cây xanh như cây phong ba, phi lao, bàng vuông và một số loại dây leo cỏ dại. Nguồn lợi hải sản ở quần đảo Trường Sa rất phong phú, có nhiều loại cá tập trung với mật độ cao, đặc biệt có loại vích là động vật quý hiếm, cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế cao.
Khí hậu, thời tiết ở vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt lớn với các vùng ven bờ. Mùa hè mát hơn và mùa đông ấm hơn. Một số hiện tượng thời tiết cũng diễn biến khác với trong đất liền.
Hàng năm ở quần đảo Trường Sa có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, phân phối không đồng đều trong các tháng. Có thể chia ra làm 2 mùa: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm rất lớn vào khoảng hơn 2.500mm. Hiện tượng dông trên vùng biển quần đảo này rất phổ biển, có thể nói quanh năm, tháng nào cũng có dông và là nơi thường có bão lớn đi qua, tập trung vào các tháng mùa mưa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận