Khử trùng, tiêu độc bên trong máy bay mang số hiệu VN581 bay từ Đài Loan về TP.HCM sáng 7-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khi ca bệnh thứ 17 với COVID-19 được phát hiện tại Hà Nội, việc khai báo trung thực được đặt ra; không ít người cảm thấy hoang mang và có những ứng xử chưa phù hợp. Tuổi Trẻ Online ghi nhận những ý kiến xung quanh vấn đề đang rất được quan tâm này.
Đừng để ảnh hưởng xấu cả cộng đồng
Bác sĩ Lê Quốc Hùng (trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM):
Tinh thần vì cộng đồng của mỗi người dân
Bác sĩ Lê Quốc Hùng
Khi đón nhận thông tin về ca bệnh COVID-19 thứ 17 tại Hà Nội, tôi rất lo bởi bệnh nhân nữ ấy trước đó rời Việt Nam đi vào vùng dịch từ ngày 15-2, khi người dân cả nước đang cùng chung tay chống dịch được gần một tháng. Và hậu quả là trước khi về Việt Nam, cô ấy có các biểu hiện bị nhiễm bệnh. Việc người bệnh COVID-19 thứ 17 khai "tự cách ly tại nhà" thật đáng trách.
Tuy nhiên, điều may mắn là chỉ vài giờ sau khi phát hiện bệnh nhân thứ 17 nhiễm COVID-19, ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương ngay lập tức công khai thông tin cho các cơ quan truyền thông truyền thông tin tới mọi người dân đầy đủ nhất. Việc công bố thông tin ca nhiễm nhanh chóng, minh bạch này chính là câu trả lời cho những ai còn nghi ngờ sự minh bạch trong "cuộc chiến" chống dịch bệnh của Việt Nam.
Buồn khi có ca nhiễm mới, nhưng tôi thấy rằng người dân đừng quá lo lắng. Bởi chúng ta đã xây dựng nhiều kịch bản để đối phó với nhiều tình huống khác nhau. Tình huống này cũng là một trong những đề bài đã được dự liệu và nằm trong khung trả lời sẵn có. Chuyện quan trọng nhất lúc này chính là kiến thức, niềm tin và tinh thần vì cộng đồng của mỗi người dân. Có những thứ ấy, chúng ta lại sẽ nhanh chóng trở lại cuộc sống yên bình.
PGS.TS Đỗ Hạnh Nga (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần ý thức hành xử vì an toàn chung
PGS.TS Đỗ Hạnh Nga
Trong hoàn cảnh cả nước đang căng mình phòng chống dịch bệnh, rất cần ý thức ứng xử chuẩn mực của từng cá nhân để bảo đảm an toàn chung cho cộng đồng.
Chuẩn mực ứng xử hiện nay chính là thực hiện theo các khuyến cáo về an toàn của Bộ Y tế, các chỉ đạo của cơ quan chức năng về việc mỗi cá nhân tự giác khai báo khi nghi ngờ nhiễm (hoặc bị nhiễm). Những người trở về nước hoặc di chuyển trong nước từ vùng dịch hoặc vùng có nguy cơ cao hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm... cần phải tự giác khai báo sớm cho cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp kiểm tra, cách ly sớm nhất...
Theo tôi, mỗi cá nhân cần có ý thức giữ ứng xử đúng để bảo đảm an toàn trước hết cho bản thân và gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp..., xa hơn là an toàn cho cộng đồng của mình. Đừng để vì mình mà bao nhiêu người khác phải liên lụy khi một con phố, khu vực phải bị cách ly hoặc tệ hơn là bị lây bệnh. Dễ thấy nhất là nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc để cách ly, xử lý những người đi cùng chuyến bay, tiếp xúc với ca bệnh COVID-19 thứ 17. Thiệt hại về vật chất, nhân vật lực cho xã hội là rất lớn.
Tôi cho rằng mỗi cá nhân hành xử đúng thì sẽ tạo ra sức mạnh phòng bệnh hiệu quả chung cho cộng đồng.
Văcxin hiệu quả nhất là ý thức phòng bệnh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM):
Đừng nghĩ "chuyện thiên hạ mặc kệ thiên hạ"
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Tất cả những sai lầm của cá nhân đều làm ảnh hưởng đến cộng đồng, trước tiên và không đâu xa chính là những người thân trong gia đình. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đừng ai suy nghĩ "chuyện thiên hạ mặc kệ thiên hạ lo", sự thờ ơ của bất cứ ai cũng có thể phải trả giá bằng sự ân hận suốt đời.
Theo đánh giá từ các cơ quan chuyên môn, cho đến nay các ca nhiễm COVID-19 chiếm đến 80% có nguồn lây từ những thành viên trong gia đình. Do đó, bất cứ ai bước ra giao lưu với cộng đồng (ra nước ngoài) trở về, mỗi người phải hình dung được người đầu tiên có thể bị ảnh hưởng chính là những người rất gần gũi trong gia đình, sau đó mới tới bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng.
Với việc khai báo chưa trung thực của một số người trong thời gian vừa qua chắc chắn là rất đáng trách. Lúc này, chúng ta cần sự trung thực của bệnh nhân cũng như người dân (có nguy cơ mắc bệnh) là đã đi những đâu, gặp những ai để cả cộng đồng cùng hành động. Bởi trong lúc này, bất cứ ai càng muốn giấu giếm những thông tin cần thiết để phòng ngừa dịch bệnh thì hậu quả sẽ càng nặng nề.
Ông Nguyễn Đình Anh (vụ trưởng Vụ Truyền thông - thi đua - khen thưởng, Bộ Y tế):
Không nên đổ xô đi mua nhu yếu phẩm
Ông Nguyễn Đình Anh
Chúng ta đã thấy đây đó một số hình ảnh người dân tập trung nơi các siêu thị, trung tâm thương mại... để tích trữ thực phẩm là điều không nên. Việc tích trữ đồ ăn, nhu yếu phẩm khiến mọi siêu thị trở nên đông đúc và lộn xộn. Điều này dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và tạo ra khả năng lây lan bệnh cho nhau... nhanh nhất.
Nếu tất cả mọi người bình tĩnh, ở nhà, chỉ mua thực phẩm gần nhà, gọi online cũng được, thì ai cũng đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm để dùng và không dẫn tới tình cảnh mất kiểm soát. Hiện tại năng lực thị trường vẫn đáp ứng đủ nhu cầu các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân mà không cần phải tích trữ. Với những gia đình bị cách ly sẽ được chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn hỗ trợ. Vì thế, xin đừng cố tìm cách thoát ra khỏi khu vực cách ly, đừng làm tình hình thêm rối loạn.
Không phải tự dưng mà ở Trung Quốc số ca mắc COVID-19 tăng chóng mặt trong thời gian đầu. Có điều đó cũng bởi một phần không nhỏ người dân mang tâm lý tích trữ đồ, đổ xô ra siêu thị hoặc chạy trốn khỏi nơi cách ly. Có thể điều này là một trong những nguyên nhân tạo môi trường lây lan bệnh COVID-19 nhanh nhất. Và cho đến khi phần lớn mọi người ở yên trong nhà, mọi thứ mới bắt đầu chậm dần, dịch bệnh được kiểm soát tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người hãy tự ý thức bảo vệ bản thân mình, tức đang góp phần bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh. Đó là thực hiện các biện pháp hạn chế đến nơi đông người, luôn phải nhớ "rửa tay, rửa tay và rửa tay". Ngoài ra, tự biết cách chăm sóc, nâng cao sức đề kháng của bản thân, gia đình; cập nhật thông tin chính thống, tránh hoang mang. Bởi văcxin hiệu quả nhất lúc này không gì khác ngoài ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình.
Chị Mai Thị Thu Hà (24 tuổi, nhân viên công ty du học tại Q.3, TP.HCM):
Bảo vệ mình là bảo vệ cộng đồng
Chị Mai Thị Thu Hà
Như nhiều người khác trong xã hội, việc ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân xung quanh tôi đã được nâng lên một "cấp độ" mới. Các thói quen trước đây của mình như không mang khẩu trang, thích tụ tập nơi đông người... dần được thay đổi. Tôi kỹ hơn khi ra đường, khi tiếp xúc với người khác và tìm cách thích nghi phù hợp trong điều kiện "sống chung với dịch bệnh". Tôi nghĩ rằng các biện pháp bảo vệ chính mình là nhằm góp phần bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh COVID-19.
Trong khi cả xã hội cùng chung tay khống chế dịch bệnh, việc một số người thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng đã vô tình đẩy nguy cơ lây lan dịch bệnh cho xã hội. Tôi nghĩ rằng bảo vệ cộng đồng tức là mỗi người có ý thức tự làm tốt việc bảo vệ chính mình, có như vậy mới ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát.
Hôm qua 7-3, đoạn đường Trúc Bạch tiếp tục bị phong tỏa sau khi ghi nhận ca thứ 17 - Ảnh: HÀ THANH
Có nguy cơ sót lọt người nhập cảnh từ vùng dịch?
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cho biết những ngày đầu tiên của tháng 2, các kiểm dịch viên của trung tâm (gồm hơn 40 người, chia 3 ca làm việc/ngày) tiếp cận ngay khi hành khách (ở các nước đang có vùng dịch COVID-19) rời máy bay vào nhà ga để tiến hành khai và nhận tờ khai y tế, từ đó sàng lọc hành khách thuộc diện cách ly tập trung trước khi những người này làm thủ tục nhập cảnh.
Tuy nhiên, một quan chức của trung tâm này cũng cho biết vẫn có nguy cơ sót lọt người từ vùng dịch không đi cách ly tập trung. Bởi thực tế đã có một số trường hợp sót lọt, sau đó được ghi nhận. Cụ thể là các kiểm dịch viên thu nhận thông tin từ tờ khai y tế không được kiểm tra hộ chiếu hoặc thông tin liên quan nếu hành khách khai không rõ ràng, không đầy đủ. Sau đó, việc kiểm soát kê khai thông tin lịch sử đi lại được cải thiện bằng nhiều cách. "Vì vậy, khả năng sót lọt có giảm bớt nhưng vẫn có khả năng xảy ra", vị quan chức nêu ý kiến.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chống dịch của Hà Nội sáng 7-3, lãnh đạo Hà Nội cho rằng bệnh nhân N. (ca nhiễm thứ 17) có biết nguy cơ nhưng không khai báo đầy đủ thông tin. Chính vì thế N. không được đưa vào diện cách ly, mặc dù N. thuộc diện phải cách ly tập trung 14 ngày đã được áp dụng từ 29-2. (L.ANH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận