Trẻ em tiêm ngừa tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Nhận được văcxin nhưng phòng tiêm chủng của Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) chưa thể triển khai tiêm, dù số người ghi danh đợi lên tới hàng ngàn.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc công ty, cho biết với... 400 liều Pentaxim được nhận lần này, ông phải “nghĩ cách” không thất hứa với khách hàng.
Về ồ ạt, vẫn lo
Thông báo mới nhất của ông Trương Quốc Cường, cục trưởng Cục Quản lý dược, cho hay đến ngày 24-12, đã có 137.000 liều văcxin Pentaxim cập cảng VN. Ngày 30-12 này sẽ có 34.000 liều nữa. Nhà sản xuất văcxin Pentaxim cũng cam kết đến tháng 2-2016 có thêm 40.000 liều được cung cấp cho VN.
So với số Pentaxim đã về trong gần cả năm 2015 chỉ khoảng 20.000 liều, thì hơn 200.000 liều văcxin ồ ạt về trong ba tháng quả là “chuyện trong mơ” với các gia đình có con nhỏ đang mỏi mòn chờ đợi văcxin 5 trong 1 dịch vụ.
Tuy nhiên theo ông Đỗ Tuấn Đạt, ước tính thị trường văcxin dịch vụ chiếm 10% tổng số trẻ mới sinh hằng năm, tương đương khoảng 170.000 trẻ.
Mỗi trẻ tiêm ba mũi văcxin 5 hoặc 6 trong 1, như vậy cần 500.000 liều văcxin tương tự Pentaxim. 200.000 liều văcxin về trong tháng 12-2015 và tháng 2-2016 theo lý thuyết sẽ đủ cho tiêm chủng dịch vụ trong khoảng 5 tháng.
Tuy nhiên do hàng khan trong cả năm 2015 nên danh sách chờ đợi ở cơ sở tiêm chủng nào cũng lên tới hàng ngàn, như Bệnh viện VP (Hà Nội) có 1.800 trẻ đang chờ tiêm, mà dịp này chỉ được cung cấp 700 liều nên dù văcxin có về ồ ạt vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Đặc biệt dù có 137.000 liều văcxin về VN, nhưng cả khu vực phía Bắc lại chỉ có 15.000, còn lại là cung cấp cho phía Nam nên mất cân đối cung cầu càng rõ rệt.
Điều bất thường là nửa cuối năm 2015 cả khu vực phía Bắc không có lấy 1 liều Pentaxim, nhưng nếu chấp nhận giá 3 triệu đồng/liều tiêm tại nhà thì có người đến tiêm ngay.
“Văcxin Pentaxim được sử dụng tiêm chủng mở rộng ở nhiều nước trong khu vực, nên vẫn có thể có văcxin xách tay trong thời gian qua”- ông Đạt nói.
Kiểm soát gắt gao
Danh sách từng cơ sở tiêm chủng được nhận văcxin Pentaxim đợt này được chuyển về cho trung tâm y tế dự phòng giám sát, nếu có chênh lệch giữa sổ tiêm chủng về số văcxin nhập vào/xuất ra là phát hiện được sự thất thoát, khi đó thanh tra y tế sẽ tìm kiếm dấu hiệu găm trữ hàng nhằm đẩy giá, trục lợi.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên việc giám sát được thực hiện nghiêm ngặt, còn các chuyến văcxin nhập khẩu về trước đây chỉ báo cáo, không đối chiếu hàng nhập và hàng tiêm có khớp không.
Lô văcxin Pentaxim lần này về VN đều có hạn dùng đến tháng 7-2017, tức là văcxin đã sản xuất được hơn một năm.
Theo một ý kiến chuyên gia, nhà sản xuất sau khi cân đối các thị trường đã dành lô văcxin này cho VN. Trong tháng 10 và 11 vừa qua, nhiều gia đình đã đưa con sang Singapore tiêm chủng văcxin 5 trong 1 Pentaxim, chứng tỏ Singapore vẫn còn văcxin.
Một công ty Malaysia cũng thông báo cho một công ty dược VN về việc họ có thể bán lại Pentaxim với giá 29 USD/liều (cao hơn giá gốc 4 USD/liều).
Những thông tin đó cho thấy VN hoàn toàn có thể mua được văcxin dịch vụ để tránh khủng hoảng thiếu văcxin và hàng loạt hệ lụy như thời gian qua.
Cơ quan quản lý nhà nước là Cục Quản lý dược, Cục Y tế dự phòng đã làm gì trong những cuộc khủng hoảng này ngoài việc trả lời rằng thiếu do nhà sản xuất không đủ văcxin và thiếu là thiếu trên toàn cầu.
Tình hình những ngày qua cho thấy văcxin không thiếu trên toàn cầu như các cục đã phát ngôn, mà chỉ khó khăn ở VN.
Tập huấn lại về xử trí phản ứng sau tiêm Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết đợt tập huấn đầu tiên về xử trí tai biến sau tiêm chủng cho các bệnh viện đã tiến hành trong tháng 12 này ở miền Trung. Tới đây, sẽ có những đợt tập huấn tương tự được tổ chức cho khu vực miền Bắc, miền Nam và Tây nguyên. Theo ông Phu, sàng lọc trước tiêm và xử trí tai biến sau tiêm vẫn là 2 điểm cần khắc phục tại một số cơ sở tiêm chủng. Trong đó, cơ sở tiêm chủng ở tuyến xã khó sàng lọc được một số bệnh nền như tim mạch, gần đây tại Bắc Ninh đã có trường hợp tai biến do tiêm văcxin BCG (ngừa lao) cho trẻ có tiền sử bệnh tim mạch. |
Tìm thêm nguồn văcxin 5 trong 1 Nhân chuyến thăm VN gần đây của lãnh đạo Bộ Y tế Cuba tới VN, vị lãnh đạo này cho biết có thể bán văcxin 5 trong 1 do Cuba sản xuất cho VN với giá 2 USD/liều trong trường hợp mua số lượng lớn; với số lượng nhỏ lẻ hơn, giá sẽ là 4 USD/liều, mức giá mua nhiều rẻ hơn gần phân nửa so với văc xin Quinvaxem đang sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngành y tế có nên sớm xem xét chất lượng văcxin này, tiến hành thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả miễn dịch, nhằm có thêm nguồn văcxin 5 trong 1 tránh khủng hoảng do khan hiếm văcxin? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận