22/08/2011 07:35 GMT+7

Vạch trần thiết bị "tiết kiệm" điện

V.TR.
V.TR.

TT - Nhiều thiết bị tiết kiệm điện đang được bày bán với cam kết sẽ giảm 20-50% điện năng tiêu thụ. Một số nơi còn rao bán những thiết bị có thể “ăn cắp” điện.

Read this on Tuoitrenews.vn

TvRaea6u.jpgPhóng to
Một chủ cửa hàng ở chợ Nhật Tảo, Q.10, TP.HCM giới thiệu thiết bị tiết kiệm điện cho khách hàng - Ảnh: Bá tùng

Sau vài tháng lắp đặt, ông Thái (ngụ đường Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM) đã phải rao thanh lý 10 thiết bị tiết kiệm điện Powerboss nhập khẩu từ Anh.

Ông cho biết: “Nghe người ta quảng cáo thiết bị Powerboss tiết kiệm đến 40% điện năng tiêu thụ, tui đặt mua và lắp đặt cho xưởng sản xuất nước đá bên Q.6, giá tới 700.000 đồng trọn bộ. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng thì chẳng tiết kiệm được bao nhiêu điện năng so với quảng cáo”.

Cực chẳng đã ông phải rao bán trọn bộ thiết bị mới trên 90% chỉ với 140.000 đồng, bằng 1/5 giá mua ban đầu.

“Xài không được, bán không xong”

Ăn cắp điện quy mô lớn

Ngày 21-8, phó giám đốc Điện lực Tiền Giang Nguyễn Trung Trí cho biết Điện lực TP Mỹ Tho vừa bắt quả tang nhà hàng karaoke 279 trên đường Lý Thường Kiệt (phường 5) sử dụng thiết bị nam châm Trung Quốc sản xuất đặt tại đồng hồ điện để ăn cắp điện.

Do không đủ cơ sở xác định thời gian và sản lượng điện bị ăn cắp nên Điện lực Tiền Giang đã lấy mốc 12 tháng và truy thu của khách hàng này 40 triệu đồng, đồng thời chuyển hồ sơ sang Sở Công thương xử lý tiếp.

Tương tự, ông Tùy (ngụ đường Trần Phú, P.Điện Biên, Q.Ba Đình, Hà Nội) đã phải rao bán 20 bộ thiết bị tiết kiệm điện Powerboss - somar lắp cho toàn bộ máy bơm, máy cắt cỏ, máy tuốt lúa.

Ông Tùy phàn nàn: “Ráp chạy cả hai tháng, hóa đơn tiền điện vẫn tương tự mấy tháng trước. Giờ tôi chỉ bán các thiết bị này cho những ai muốn tìm hiểu về kỹ thuật, chứ bán cho người có nhu cầu tiết kiệm điện thì họ chửi chết”.

Một loại thiết bị tiết kiệm điện khác có thương hiệu Lega, do Công ty TNHH Vạn Thịnh ở cư xá Lữ Gia, Q.11, TP.HCM nhập khẩu từ Trung Quốc bán với giá 559.000 đồng, quảng cáo rất rầm rộ.

Bà Tuyền, nhân viên công ty, thuyết phục: “Thiết bị này tiết kiệm được 20-40% điện năng tiêu thụ sau một tuần cắm vào ổ điện. Mua năm thiết bị được giảm giá 30%”. Tuy nhiên, theo quy định của công ty, thiết bị trên không được bảo hành, không trả lại và chỉ được đổi sản phẩm cùng loại trong vòng bảy ngày.

Tương tự, một sản phẩm tiết kiệm điện hiệu Power.tune nhập khẩu từ Malaysia, giám đốc Công ty TNHH Sông Bồ quảng cáo đã ráp cho nhiều khách sạn, quán karaoke với giá hơn 2 triệu đồng/bộ kèm cả giấy chứng nhận khả năng tiết kiệm đến 25% của Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội cấp.

Tuy nhiên, chiều 3-8 chúng tôi đến một quán karaoke trên đường Trần Thiện Chánh, Q.10 - nơi có lắp đặt thiết bị trên, quản lý của quán cho biết sau ba tháng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện nhưng không hiệu quả, quán đã tháo thiết bị này ra và trả lại cho công ty.

Từ thiết bị tiết kiệm thành... ăn cắp

Khi chúng tôi hỏi mua thiết bị tiết kiệm điện, một thợ điện ở chợ Nhật Tảo, Q.10 mách nước: “Tui chỉ cho ông một “kỹ sư” chuyên chế thiết bị đảm bảo tiết kiệm bao nhiêu phần trăm điện cũng được, thậm chí đến 100%”. Ít phút sau, một người đàn ông nhỏ thó tên Linh có mặt kèm theo lời đảm bảo: “Tui sẽ lắp đặt đúng yêu cầu của anh, đảm bảo hóa đơn tiền điện hằng tháng của anh giảm ít nhất phân nửa số tiền”.

Theo ông Linh, có hai cách để lắp đặt thiết bị. Cách thứ nhất là gắn con chip trực tiếp vào đồng hồ tổng. Bằng cách này, con chip có khả năng kìm hãm kim đồng hồ quay chậm lại, trong khi máy móc cứ vô tư mở hết công suất. Cách thứ hai, lắp bên ngoài một cục thiết bị, khi cần tiết kiệm chỉ cần cắm trực tiếp vào ổ điện, cục thiết bị sẽ tạo ra một dòng xung điện đối kháng làm cho điện kế quay chậm lại rồi dừng hẳn.

Để tránh sự chú ý của bên điện lực, ông Linh khuyên: “Nên chỉnh thiết bị giảm công suất tiêu thụ xuống 50-70% là vừa”. Một khách hàng đặt ông Linh một bộ “giảm điện” cho biết hiện đang dùng dòng điện ba pha, hóa đơn tiền điện khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Ông Linh ra giá: “Hệ thống này giá chốt là 25 triệu đồng, bảo hành một năm. Nếu hư hỏng, tui sẽ cho thợ đến tận nơi sửa chữa”. Tùy loại đồng hồ, công suất sử dụng..., ông Linh nói giá từ 14-50 triệu đồng/hệ thống “giảm điện” kiểu này. Ông Linh khoe mới đây có ông chủ hãng nước đá ở tận TP Đà Nẵng vào trong này mời ông ra đó lắp thiết bị làm đồng hồ điện “đứng im” cho xưởng ông ta.

Một kiểu ăn cắp điện khác là đặt một thanh nam châm trắng lên đồng hồ điện, lực hút của nam châm làm cho kim đồng hồ quay chậm lại hoặc dừng hẳn. Ông Hiền, một thợ sửa điện tử kiêm đầu mối bán nam châm “ăn điện” gần khu chợ Nhật Tảo, tiết lộ: “Rất nhiều người đã đến đây mua nam châm trắng về dùng. Loại này sử dụng để ăn cắp điện vừa tiện lợi vừa khó phát hiện. Khi nào dùng chỉ cần đặt lên đồng hồ thì vô tư xài điện”.

“Giá cục nam châm trắng loại một tấc là 6,5 triệu đồng, loại nhỏ hơn cũng có nhưng không hiệu quả bằng loại một tấc”, ông Hiền ra giá. Nói xong, ông rút ra một cục nam châm chỉ cho chúng tôi cách đặt đúng chiều đồng hồ điện quay, khi đó nam châm mới phát huy tác dụng. “Những tháng đầu tiên “ăn” điện vừa phải thôi, cuối tháng bên điện lực kiểm tra thấy tiền điện hai tháng chênh lệch nhiều họ sẽ nghi ngay”, ông Hiền tư vấn.

Ông Nguyễn Văn Lý - phó tổng giám đốc kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết chỉ trong bảy tháng đầu năm 2011, tổng công ty đã phát hiện và lập biên bản 1.138 trường hợp khách hàng có hành vi gian lận trong sử dụng điện, xử lý truy thu sản lượng điện năng thất thoát đối với 782 khách hàng. Trong đó, có 54 trường hợp khách hàng dùng biện pháp kỹ thuật can thiệp vào sơ đồ đấu dây của điện kế kết hợp với việc sử dụng thiết bị tự chế làm đĩa điện kế không quay hoặc quay chậm lại.

Theo ông Lý, khách hàng gian lận điện chủ yếu bằng các hình thức: can thiệp trực tiếp khi câu điện trên hệ thống điện trước điện kế; phá chì niêm phong điện kế, khoan lỗ điện kế, sử dụng chì giả, thay hộp số; can thiệp bằng biện pháp kỹ thuật vào sơ đồ đấu dây của điện kế, làm đĩa điện kế không quay hoặc quay chậm lại.

“Chúng tôi không cấp bất kỳ một chứng chỉ nào liên quan tới thiết bị tiết kiệm điện mang tên Power.tune. Sau khi công ty này yêu cầu kiểm tra, tôi trực tiếp thử nghiệm và khẳng định thiết bị này không có khả năng tiết kiệm được 25% hóa đơn tiền điện như quảng cáo”.

Ông Nguyễn Văn Thắng (thử nghiệm viên Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội)

V.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp