01/12/2021 05:50 GMT+7

Vắc xin và 5K vẫn phòng được Omicron

TS TRẦN MINH TRANG (ĐH Ghent, Bỉ)
TS TRẦN MINH TRANG (ĐH Ghent, Bỉ)

TTO - Tính đến nay, biến thể Omicron - phát hiện lần đầu tại Nam Phi - đã có mặt tại 5 châu lục với hơn 18 quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến thể mới là mối nguy toàn cầu, có thể gây 'hậu quả nghiêm trọng' ở một số khu vực.

Vắc xin và 5K vẫn phòng được Omicron - Ảnh 1.

Người dân đứng cạnh bức tượng có gắn các vòng tròn Olympic bên ngoài trụ sở của Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 30-11 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden gọi biến thể Omicron là "nguyên nhân gây lo lắng" nhưng "không phải nguyên nhân gây hoảng sợ". Các chuyên gia đều cho rằng vẫn còn quá sớm để xác quyết một điều gì về Omicron lúc này. Những câu trả lời tin cậy hơn cần có thời gian, ít nhất là vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng nữa.

Chạy đua giải mã Omicron

Số ca COVID-19 nhập viện đang tăng chóng mặt, gần 400%, tại một tỉnh phía đông Nam Phi, nơi Omicron lần đầu phát hiện. Theo Viện Quốc gia Nam Phi về bệnh truyền nhiễm, số ca COVID-19 nhập viện toàn quốc tăng 63% kể từ đầu tháng 11. Làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại đây đang xảy ra với hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày kể từ 25-11.

Những báo cáo ban đầu từ giới khoa học Nam Phi cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron phổ biến hơn Delta, song vẫn cần thêm dữ liệu để khẳng định. Theo WHO, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy Omicron gây bệnh nặng hơn hay dễ lây hơn Delta.

Những triệu chứng bệnh liên quan Omicron được các bác sĩ Nam Phi mô tả là "rất nhẹ". Hầu hết các ca mắc mới ở Nam Phi trong độ tuổi 20 và 30. Đa số họ chỉ mệt mỏi, căng thẳng nhưng không ai bị mất vị giác hay khứu giác. Tuy nhiên, họ cảnh báo những người lớn tuổi bị nhiễm biến thể mới có thể có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Biến thể Omicron mang hàng chục đột biến được cho là sẽ thay đổi cách thức hoạt động của virus. Do đó, giới khoa học lo ngại các kháng thể có được nhờ vắc xin hay sự nhiễm bệnh trước đó có thể kém hiệu quả hơn với biến thể này.

Nhưng đến nay, điều đó vẫn chỉ dừng ở sự nghi ngại mà chưa đủ chứng cứ. Các hãng sản xuất vắc xin đang khẩn trương đánh giá hiệu quả chống lại biến thể mới. Việc này sẽ phải mất vài tuần.

Chuyên gia cấp cao Moderna nhận định việc Omicron mang nhiều đột biến là nguy cơ tiềm ẩn làm suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên và hiệu quả của vắc xin. Họ cho biết nếu vắc xin và mũi tăng cường không đủ để chống lại biến thể, một giải pháp khả thi là tiêm với liều cao hơn. Hãng này cũng đang thử nghiệm mũi tiêm tăng cường đặc hiệu ngăn biến thể Omicron.

Hãng AstraZeneca cũng tìm hiểu tính kháng vắc xin của biến thể này. Họ đang thu thập các dữ liệu thực tế của vắc xin AstraZeneca chống lại Omicron ở Nam Phi. Ngoài ra công ty này đang thử nghiệm phương pháp điều trị bằng kháng thể có tên AZD7442 kháng lại biến thể mới.

Các nhà khoa học của BioNtech-Pfizer cũng điều tra tác động của biến thể Omicron với vắc xin của họ. Kết quả dự kiến sẽ có trong vài tuần tới. Nếu biến thể này phần lớn "né" được vắc xin, cả Moderna và Pfizer đều tuyên bố có thể sản xuất vắc xin mới, được thiết kế riêng trong khoảng 100 ngày.

Ngoài ra WHO đang nỗ lực đánh giá lại hiệu quả các phương pháp điều trị COVID-19 hiện thời và độ đặc hiệu của các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán bao gồm cả PCR và các xét nghiệm nhanh kháng nguyên với biến thể Omicron.

Làm gì trước Omicron?

Các chuyên gia dự đoán những vắc xin hiện có vẫn còn hiệu quả và theo họ, tiêm chủng vẫn là cách tốt nhất để đối phó Omicron. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo người dân nên tiêm mũi tăng cường để tăng độ bảo vệ trước biến thể mới, nhất là với nhóm có nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế tuyến đầu.

WHO hối thúc các nước tăng tốc độ phủ vắc xin cho người dân để ngăn chặn mọi biến thể mới trước khi chúng xuất hiện. Một lần nữa sự xuất hiện của Omicron là hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc cần mau chóng tiêm chủng cho toàn thế giới.

Nhiều nước phương Tây cũng tái lập các biện pháp phòng dịch trước đó như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Họ thông báo tạm ngừng mọi chuyến bay từ các nước miền nam châu Phi.

Theo WHO, các bước hiệu quả nhất mỗi cá nhân có thể thực hiện để ứng phó với biến thể mới là giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với người khác nơi công cộng; đeo khẩu trang vừa vặn; mở cửa sổ thông gió; tránh không gian kín hoặc đông đúc; giữ tay sạch sẽ; che khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi và tiêm phòng ngay khi có thể.

Chúng ta có thể lo lắng nhưng đừng vội hoang mang trong lúc chờ đợi các nhà khoa học hiểu rõ hơn biến thể Omicron và đánh giá đúng về hiệu quả của vắc xin cũng như thuốc điều trị COVID-19. Tiêm phòng và thực hiện 5K vẫn là cách tốt nhất hiện nay để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi COVID-19.

Vắc xin và 5K vẫn phòng được Omicron - Ảnh 2.

Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Nguồn: Al Jazeera, WHO

Biến thể Omicron đã có ở châu Âu 11 ngày trước khi Nam Phi phát cảnh báo Biến thể Omicron đã có ở châu Âu 11 ngày trước khi Nam Phi phát cảnh báo

TTO - Các quan chức y tế Hà Lan xác nhận, các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở nước này không phải vào ngày 26-11, mà từ ngày 19-11, trước khi Nam Phi phát cảnh báo về biến thể này.

TS TRẦN MINH TRANG (ĐH Ghent, Bỉ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp