Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 họp chiều 26-3 - Ảnh: Chinhphu.vn
Chiều 26-3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Với việc ghi nhận các ca nhập cảnh trái phép dương tính với virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình biên giới Tây Nam khá phức tạp bởi có cả đường bộ và đường biển. Do đó, vấn đề nhập cảnh trái phép ở khu vực này đáng quan ngại.
Xử nghiêm trường hợp nhập cảnh trái phép
"Nguy cơ có thể xảy ra đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam rất lớn", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh và đề nghị các địa phương chủ động tăng cường giám sát sàng lọc, giám sát trọng điểm, chuẩn bị kỹ kịch bản về xét nghiệm, cách ly và điều trị cho các nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.
Bộ trưởng nêu rõ: "Hầu như các địa phương khi xảy ra dịch vẫn còn luống cuống. Ngay trong thời gian ngắn phải nâng công suất xét nghiệm. Phải có trao đổi, hiệp đồng trước, trong trường hợp đó, ngay lập tức dồn quân về làm nhanh. Xét nghiệm càng nhanh trên diện rộng, phong tỏa hẹp lại sẽ ít tác động với kinh tế - xã hội và người dân".
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, cần sớm thực hiện các biện pháp theo đề nghị của Bộ Ngoại giao là hỗ trợ, hợp tác với nước bạn Campuchia, hỗ trợ bà con người Việt Nam cố gắng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhập cảnh bằng con đường hợp pháp.
Đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý thật nghiêm, gắn với tuyên truyền cho bà con về nước bằng đường hợp pháp, trường hợp phát hiện người nước ngoài hay đi từ vùng dịch về không khai báo cần thông báo cơ quan chức năng. Với những người đi cùng người nhập cảnh trái phép bị nhiễm COVID-19, yêu cầu trình diện ngay lập tức.
"Chúng ta phải làm rất nghiêm. Không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại rất lớn cho toàn xã hội nếu dịch lan ra", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Lô vắc xin sẽ về chậm
Đáng chú ý, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin đang là vấn đề khi Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay lô vắc xin COVID-19 của AstraZececa được cung cấp qua COVAX Facility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng ba tuần.
Điều này có nghĩa là ba tuần đầu tháng 4 sẽ không có liều vắc xin nào về Việt Nam. Thực tế việc khan hiếm vắc xin là hiện hữu và là thách thức với các nước, nhất là nước đang phát triển như Việt Nam và không phải là nước ưu tiên về vắc xin vì đang kiểm soát dịch tốt.
Phó thủ tướng lưu ý những vắc xin phòng COVID-19 nhập khẩu về Việt Nam phải là những vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Chỉ những doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu mới được thực hiện. Việc tiêm vắc xin phải được thực hiện tại các cơ sở y tế thuộc ngành y tế.
Hiện nay, các công ty sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế và Bộ Y tế mong muốn bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có quan hệ đối tác với những công ty sản xuất vắc xin trên thế giới tăng cường tiếp cận để có nguồn dồi dào cho Việt Nam.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thử nghiệm các vắc xin nghiên cứu, phát triển trong nước theo tinh thần tiến hành các bước thử nghiệm khẩn trương nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thử nghiệm và thực hành quốc tế về thử nghiệm.
Với việc triển khai hộ chiếu vắc xin, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế có phương án báo cáo về cơ chế, địa điểm, thời gian cách ly, xét nghiệm, theo dõi y tế tại cuộc họp sau. Trong đó sẽ bàn về phương án thực hiện với những trường hợp như các chuyên gia, thương nhân đã tiêm vắc xin hai lần; người Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam đã được tiêm và có nhu cầu về nước; người nước ngoài muốn vào Việt Nam với mục đích giao lưu, và một mức nữa là du lịch.
"Chúng ta từng bước chuẩn bị những phương án phải rất chi tiết, với tinh thần tạo thuận lợi nhưng trên hết phải an toàn. Nếu tạo thuận lợi mà để dịch bùng phát thì mọi nỗ lực, công sức sẽ trở thành vô nghĩa. Do vậy chúng ta phải làm chắc chắn từng bước một", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận