Ông Tony Potts, 69 tuổi, ở bang Florida (Mỹ), nhận liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên của Công ty Moderna hôm 4-8 trong khuôn khổ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 - Ảnh: AFP
Đến nay, cho dù có nhiều thông báo ngoạn mục nhưng vẫn chưa có vắc xin ngừa COVID-19 nào được đưa ra thị trường.
Trên thế giới có khoảng 200 dự án nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19. Trong số đó có 139 dự án đang được thử nghiệm trên chuột và khỉ, 27 dự án được thử nghiệm lâm sàng trên người nhưng về kỹ thuật chỉ có 6 dự án vắc xin sáng giá nhất.
Vắc xin của Anh dẫn đầu
Đài phát thanh RTL ghi nhận người Anh đang dẫn đầu cuộc đua nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19.
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford đã lấy một loại virus từ tinh tinh (virus này không thể phân chia trong cơ thể con người) và ngụy trang thành virus corona.
Virus sản sinh một loại protein đặc trưng của COVID-19. Cơ thể tin rằng đó là virus SARS-CoV-2 và phát sinh phản ứng tự vệ.
Một kỹ thuật sản xuất vắc xin khả thi nữa là sử dụng protein của virus. Kỹ thuật này đang được Tập đoàn dược phẩm Sanofi (Pháp) áp dụng.
Virus có các gai protein giúp chúng xâm nhập vào tế bào con người. Các nhà nghiên cứu sẽ tiêm các protein để cơ thể biết cách nhận dạng chúng và tự bảo vệ một khi gặp virus.
Ưu điểm của loại vắc xin này là không gây nguy hiểm cho sức khỏe và dễ sản xuất hơn. Vắc xin loại này từng được sử dụng cho bệnh viêm gan B nhưng hiệu quả kém hơn.
Tại Mỹ, Công ty công nghệ sinh học Moderna áp dụng kỹ thuật độc đáo hơn. Đưa vào cơ thể một mã di truyền và đoạn ADN này sẽ tạo vắc xin trong tế bào chúng ta. Cơ thể chúng ta sẽ trở thành nhà máy sản xuất vắc xin.
Kỹ thuật này có ưu điểm là sản xuất nhanh nhất và không cần giữ lạnh, tuy nhiên loại vắc xin này chưa từng được thử nghiệm trước đây.
Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu 3 loại vắc xin với phương pháp cổ điển hơn. Họ lấy virus corona thực sự và vô hiệu hóa bằng cách xử lý hóa chất.
Người được tiêm chủng vắc xin không mắc bệnh nhưng hệ miễn dịch sẽ nhận diện được virus và chiến đấu chống lại.
Nói chung loại vắc xin này hiệu quả nhưng khó sản xuất và cần phải giữ lạnh trong khi vận chuyển. Ngoài ra vắc xin còn có rủi ro lớn là virus có thể kích hoạt trở lại.
Tập đoàn Sanofi (Pháp) sử dụng protein của virus để sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: AFP
Có chắc các dự án sẽ thành công?
Chưa thể nói chắc chắn các dự án nghiên cứu vắc xin thành công hay không vì còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ.
Ví dụ như một mũi tiêm vắc xin đã đủ ngừa COVID-19 chưa? Có cần tiêm nhắc lại hằng năm như đối với bệnh cúm hay không? Các phản ứng phụ và hiệu quả nơi người cao tuổi như thế nào?
Nếu thử nghiệm thành công, có thể sẽ có nhiều loại vắc xin được đưa ra thị trường với cách thức tiêm chủng chắc chắn sẽ không giống nhau.
Các nhà nghiên cứu hi vọng vào cuối năm 2020 sẽ có vắc xin ngừa COVID-19 sử dụng nhưng còn nhiều giai đoạn phải vượt qua.
Sau thử nghiệm trên động vật đến giai đoạn thử nghiệm trên người. Đầu tiên là thử nghiệm trên nhóm 100 người có sức khỏe tốt. Kế đến thử nghiệm trên nhóm vài trăm người tình nguyện rồi thử nghiệm trên quy mô lớn nhiều ngàn người. Vắc xin của Công ty Moderna hiện thời đang được thử nghiệm trên 30.000 người.
Cuối cùng phải xin cấp phép ở mỗi quốc gia. Như vậy có nghĩa là một số quốc gia đồng ý loại vắc xin này, nước khác lại chọn vắc xin khác.
Ngày 25-6, bác sĩ lấy mẫu máu của người tình nguyện để tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 do Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu - Ảnh: ĐẠI HỌC OXFORD
Đến giai đoạn sản xuất hàng trăm triệu liều vắc xin.
Một số hãng dược phẩm chưa biết vắc xin hoạt động tốt hay không đã bắt tay vào sản xuất hàng loạt để sẵn sàng tung ra thị trường. Đây sẽ là canh bạc lớn!
Tuy nhiên, các hãng dược thường được các chính phủ đặt hàng trước. Ví dụ châu Âu đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm Astra Zeneca (Anh) để mua 300 triệu liều vắc xin.
Thông thường phải mất khoảng 10 năm để tìm ra một loại vắc xin
Hiện nay do tình hình dịch bệnh khẩn cấp, khâu cấp phép cho vắc xin có thể nhanh hơn nhưng vẫn phải bảo đảm các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Dù vậy, như đài phát thanh RTL lưu ý, Nga và Trung Quốc đã từng tiêm chủng vắc xin Ebola mà không cần đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận