Với các doanh nghiệp sản xuất, giải pháp “3 tại chỗ” coi như đã thất bại. Đó là một thất bại do nội lực của cả hệ thống chứ không có một “tội đồ” chính thức, đơn lẻ nào cả. Thất bại đấy cũng nêu ra thực tế là việc chung sống với dịch - thay vì coi nó là giặc - cần bắt đầu từ tư duy chủ đạo về các giải pháp chuyển từ tập trung hóa sang cộng đồng hóa.
Một nhà máy đầy đủ tiêu chuẩn cạnh tranh toàn cầu như Samsung Electronics Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng chỉ đủ sức duy trì 40% số nhân công. Nhiều doanh nghiệp vốn Nhật Bản chỉ có thể duy trì “3 tại chỗ” khoảng một tháng là phải dừng, chấp nhận đưa sản xuất về zero. Sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đã đến ngưỡng sau gần hai tháng đóng băng. Mệnh lệnh hành chính khó có thể thắng được mệnh lệnh và nhu cầu của cuộc sống. Và trong hoàn cảnh ấy, phía các doanh nghiệp nên làm gì?
Mục tiêu là đa số công nhân các doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đã được tiêm vắc xin và việc lưu thông vận chuyển được đảm bảo trong tháng 9. Đó cũng là những điều kiện cần để khởi động lại nền sản xuất. Các bài toán đặt ra cho doanh nghiệp sẽ là:
Đơn hàng: Với doanh nghiệp có khách hàng trong nước, đây là vấn đề nan giải nhất. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ đang là nhà cung cấp sau cùng của chuỗi cung ứng như chi tiết nhựa, cơ khí, bao bì đóng gói, in ấn..., nên khi khách hàng lớn không có đơn hàng thì nhà máy đóng cửa, sản xuất nếu có duy trì thì chỉ để tồn kho.
Doanh nghiệp đứng đầu chuỗi - nếu là nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để kinh doanh ở thị trường trong nước, ví dụ thiết bị gia dụng, áo quần, những thứ không thuộc về nhu cầu thiết yếu... thì nhu cầu thị trường giảm về gần bằng không do hệ thống phân phối hầu như đóng cửa.
Đơn hàng chỉ bắt đầu có khi thị trường có nhu cầu trở lại - các kênh phân phối đẩy hết tồn kho xuống mức an toàn. Với độ trễ như thế, ước tính nhanh nhất phải hai tháng nữa doanh nghiệp đầu chuỗi mới có đơn hàng.
Các nhà thầu phụ khác khi đó mới lần lượt bắt đầu sản xuất.
Không thể mong chờ sản lượng đạt được từ 60% ngay được, mà cần ít nhất 2 - 3 tháng nữa, nghĩa là từ giờ đến cuối năm 2021, trung bình đầu vào cho kiểu chuỗi cung ứng này chỉ có thể rơi vào 20 - 30% so với mức thông thường. Nỗi lo hay niềm hy vọng của các nhà máy sản xuất lúc này đang nằm ở các bản đánh giá lại dự báo nhu cầu của khách hàng. Với những doanh nghiệp phụ trợ, chuyên cung cấp linh kiện hàng điện - điện tử chẳng hạn, các đánh giá dự báo gần đây nhất này là một số không tròn trĩnh, suốt từ tháng 7 tới tháng 10.
Với doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sản phẩm y tế hay có nguồn đơn hàng xuất khẩu thì về ngắn hạn đây không là vấn đề lớn. Các ví dụ là dệt may, giày da và lắp ráp gia công OEM (original equipment manufacturer, sản xuất phụ tùng gốc). Tuy nhiên về lâu dài, với doanh nghiệp thiết yếu thì mối lo là nhu cầu nội địa giảm, còn với doanh nghiệp xuất khẩu là nguy cơ bị dịch chuyển đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp may mặc, giày da. Một nhà thầu phụ giày da cho Nike lớn nhất thế giới như Pouchen Việt Nam, với xấp xỉ 70.000 công nhân phải đình trệ sản xuất gần một tháng, thì khả năng đơn hàng bị chia bớt cho các nhà gia công Bangladesh, Campuchia... là chắc chắn.
Trong điều kiện bình thường, không dễ gì doanh nghiệp để mất đơn hàng như thế, nhưng với điều kiện bất khả kháng như hiện nay, đó là một rủi ro ngoài khả năng giải quyết của doanh nghiệp.
Về nguồn nhân lực, nếu có một giải pháp nào thay thế “3 tại chỗ” hiện tại thì vấn đề vẫn là công nhân được bố trí sản xuất, ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện tốt nhất có thể để giảm thiểu lây nhiễm sau khi đã phủ đủ tỉ lệ tiêm chủng. Giải pháp có thể là buộc doanh nghiệp giảm năng lực sản xuất còn tối đa 60% như cách Malaysia đang làm. Công nhân được chia thành hai nhóm để luân phiên đi làm và nghỉ ngơi theo định kỳ hai tuần.
Tuy nhiên, cơ cấu nhân sự sẽ không đủ để các bộ phận trong hệ thống sản xuất có thể vận hành hoàn chỉnh. Kỹ thuật vận hành máy đủ thì QA (đảm bảo chất lượng) thiếu, QA đủ thì quản lý kho không có... Có những vị trí không thể đắp đổi, choàng việc cho nhau, đơn giản là nhân lực phải đạt được con số tối thiểu ở tất cả các bộ phận thì nhà máy mới vận hành được dù là với năng suất đầu ra nào.
Nếu giãn thành hai ca để đảm bảo các nguyên tắc 5K trong nhà máy, một số bộ phận phải có số nhân công từ 60% so với mức bình thường. Đây là điều rất khó đảm bảo khi mà số lượng nhân công có thể và đồng ý đi làm khi áp dụng “3 tại chỗ” chỉ xấp xỉ 30 - 40%. Điều này chỉ ra rằng năng lực sản xuất trong tương lai gần của nhiều nhà máy sẽ chỉ khoảng 30 - 40%, bất chấp đầu vào đơn hàng có tăng lên như thế nào.
Tình trạng công nhân bỏ về quê tự phát dẫn tới sự bất ngờ của chính quyền và sự xót xa của toàn xã hội là nằm ngoài mọi tính toán. Hàng ngàn nhân lực di chuyển không có kế hoạch, không ai nắm được lộ trình và không ai hoạch định được tương lai. Người ta có quyền hỏi các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là công đoàn, có biết được người lao động nghĩ gì không trước khi họ rồng rắn cả ngàn km về quê với gia sản ít ỏi bao nhiêu năm lập nghiệp ở miền Nam chính là chiếc xe máy đang đưa họ về?
Với doanh nghiệp, họ thiếu đi một nguồn nhân lực từng được đào tạo. Những người về quê đấy cũng sẽ khó có tên trong danh sách ưu tiên tái tuyển dụng sau này. Câu chuyện hậu COVID-19 với những người vừa thực hiện cuộc hồi hương bất đắc dĩ, để không đem lại thêm xót xa, thiết nghĩ phải có những giải pháp thực sự hiệu quả về tạo sinh kế chứ không chỉ mang tính tương trợ ngắn hạn.
Sự tổn thương của nền sản xuất từ đợt dịch này là vô cùng nặng nề so với các lần trước. Khi có yêu cầu áp dụng chỉ thị 16 và sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay lập tức quyết định đóng cửa xưởng sản xuất không chút do dự. Họ không thể đáp ứng và cũng không đủ tài chính để cầm cự. Trong chuỗi cung ứng, họ thường đứng ở cuối, ví dụ những công ty gia công chi tiết đơn giản, đóng gói, sản phẩm in ấn, dịch vụ gia công phụ...
Đóng cửa với họ là giải tán công nhân và không có kế hoạch gì cho tương lai. Khi nào có đơn hàng lại thì họ mới tính toán cách khôi phục sản xuất. Sự đứt gãy đột ngột của khâu cuối chuỗi này không khó khắc phục về dài hạn, nhưng lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp kế tiếp trong chuỗi khi muốn khởi động nhanh quá trình phục hồi sản xuất.
Một vấn đề đang xảy ra từ cuối năm ngoái đến giờ chính là sự tắc nghẽn của hệ thống logistics ở các cảng container. Tốc độ giải phóng hàng đến và vấn đề thiếu container rỗng để xuất hàng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành sản xuất đang gồng gánh đầu ra cho cả nền kinh tế như may mặc, giày da và linh kiện, thiết bị điện tử. Đây chính là lúc mà các dịch vụ công như hải quan, quản lý cảng vụ... phải nỗ lực góp phần giúp doanh nghiệp vượt khó.
Về tài chính, với các doanh nghiệp sản xuất, dòng tiền thanh toán sẽ có thời hạn 2 - 3 tháng. Trong bối cảnh doanh nghiệp đã phải tăng thêm chi phí ít nhất 150% trong các tháng từ đầu năm để phục vụ công cuộc chống dịch - đầu tư hạ tầng cho công nhân ở lại, chi phí xét nghiệm, chi phí phòng dịch... - công ty nào không có nền tảng tài chính ổn định sẽ không có vốn lưu động để tiếp tục sản xuất khi dòng tiền vào từ tháng 9 là không có khi đơn hàng đã bắt đầu đứt từ tháng 7. Các giải pháp tài chính để có thể có vốn cho tái sản xuất bao gồm vay ngân hàng và giảm thiểu tối đa các chi phí chưa cần thiết.
Các gói miễn giảm thuế, giảm tiền điện... từ chính phủ là sự hỗ trợ cần thiết và đáng ghi nhận, nhưng cái khó nhất là vay vốn, họ không biết nhờ cậy vào ai khi tổng nguồn lực tài chính trong xã hội đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Hàng loạt lĩnh vực sản xuất chủ lực đang đối diện thách thức chưa từng thấy vì đại dịch.
Tại Tiền Giang, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang đối mặt nguy cơ đình đốn sản xuất. Chính quyền tỉnh Tiền Giang đã cho tạm ngưng hoạt động và phong tỏa khá nhiều doanh nghiệp, sau khi phát hiện nhiều ca dương tính COVID-19.
Các doanh nghiệp có nhiều ca nhiễm nhất là Công ty Roya Food, Công ty sản xuất chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong, Công ty Uni President, Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho).
Ở các địa phương khác như Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp..., nhiều doanh nghiệp cũng đối mặt thách thức lớn để duy trì công suất. Tại Công ty thủy sản Vĩnh Hoàng, để duy trì đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp đã triển khai “3 tại chỗ” với chỉ 1/2 lao động. Trong khi chi phí sản xuất đã tăng đến 40%, việc giảm công suất hoạt động khiến đầu ra và dòng tiền của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện chỉ khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” nhưng cực kỳ khó khăn vì chi phí tăng vọt, trong khi công suất lại giảm còn một nửa.
Nửa năm qua, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước tăng khá, 15% so với cùng kỳ, đạt 4,1 tỉ USD, nhờ nhu cầu tăng trở lại của các thị trường chủ lực. Nhưng 19 tỉnh thành miền Nam đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội khắt khe, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Đi kèm là chi phí xăng dầu, thức ăn, con giống, phí thuê container tăng vọt hay khó khăn trong khâu vận chuyển thành phẩm từ các nhà máy đến cảng khiến bức tranh kinh doanh nửa cuối năm có phần ảm đạm.
“Kế hoạch sản xuất sẽ đạt, nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%. Nếu tình hình chúng tôi giải quyết được các vấn đề về container thì mới đạt vượt kế hoạch được. Một số tàu đi sang quốc tế, thủy thủ tàu nhiễm COVID-19, do đó đã thiếu tàu lại càng thiếu thêm”, lãnh đạo Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết.
Một ngành chủ lực khác là giày da cũng đang đối diện thách thức lớn chưa từng có, khi nhiều nhà máy ở miền Đông Nam Bộ phải tạm đóng cửa hay giảm công suất. Tại Đồng Nai, gần 42.000 công nhân ở Công ty Changsin phải tạm nghỉ việc do dịch bệnh phát sinh bên trong nhà máy.
Việt Nam đang là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chủ lực của các thương hiệu giày da nổi tiếng thế giới. Tiêu biểu như Nike đang hợp tác với 200 nhà sản xuất, sử dụng 500.000 lao động sản xuất thành phẩm, vật liệu, giày dép, quần áo và phụ kiện - cung cấp khoảng 50% lượng hàng hóa mỗi năm cho hàng này. Việt Nam cũng chiếm khoảng 28% lượng cung ứng cho Hãng giày Adidas. Khó khăn ở Việt Nam đã khiến Adidas lên kế hoạch chuyển sản xuất sang các trung tâm khác, trong khi hy vọng các nhà máy ở Việt Nam sẽ hoạt động trở lại vào giữa tháng 8.
Hiệp hội May mặc và giày dép Hoa Kỳ, đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu, mới đây đã gửi đề nghị cho Chính phủ Việt Nam ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân may mặc và giày, đồng thời thúc giục chính Hoa Kỳ tăng cường tài trợ nguồn cung vắc xin cho Việt Nam.
Không giống các đợt lây nhiễm COVID-19 trước đây, thách thức từ biến thể Delta là sự tấn công trực diện vào trung tâm kinh tế TP.HCM và các khu vực công nghiệp chính trong nước. “Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và sinh kế của họ cũng như các ngành công nghiệp may mặc, giày và điện tử trên toàn cầu mà các công ty cung cấp” - bà Huong Le Thu, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc, nhận định.
Khu công nghệ cao TP.HCM - cứ điểm xuất khẩu công nghệ cao chủ lực của thành phố này - đã buộc phải giảm quy mô hoạt động sau khi hơn 750 nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính. Samsung, công ty sản xuất hơn một nửa số điện thoại thông minh của mình tại Việt Nam, đã đóng cửa 3 trong số 16 nhà máy sau khi 46 trường hợp được phát hiện trong số nhân viên của họ và giảm lực lượng lao động hiện có từ 7.000 xuống 3.000.
Hay như trên lĩnh vực xuất khẩu nông sản, nhiều doanh nghiệp đã phải có phương án cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh vì quá khó khăn. HAGL Agrico, sau khi về tay nhóm Thaco Group, đã điều chỉnh mục tiêu doanh thu 1.465 tỉ đồng và lỗ 84 tỉ đồng trong năm nay, giảm mạnh so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Lào và Campuchia đã gây khó khăn lớn trong việc vận chuyển vật tư nông nghiệp cho các nông trường và trái cây xuất khẩu. Đội ngũ nhân sự kỹ thuật, thi công cơ giới, đầu tư xây dựng, nhà thầu qua lại các cửa khẩu đều bị cách ly mất nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa do thiếu vốn và công nhân nên vườn cây bị suy giảm sản lượng thu hoạch và chất lượng. Giao thông kết nối khó khăn nên chi phí thu hoạch và vận chuyển cao, kinh doanh không hiệu quả.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thời điểm hiện nay là mùa thu hoạch của nhiều loại nông sản quan trọng như thanh long, mít, nhãn..., nhưng khâu tiêu thụ rất vất vả. Tại thủ phủ hoa Đà Lạt, hàng loạt nhà vườn phải nhổ bỏ hàng triệu cây hoa vì thương lái không thu mua. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu trái cây và rau quả dự kiến sẽ giảm mạnh 30% trong nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.
Suy giảm của nhiều ngành công nghiệp và nông nghiệp chủ lực dự kiến sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong phần còn lại của năm. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 5,8% vào năm 2021 từ mức ước tính trước đó là 6,7%.
Việc chỉ số quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 7 chỉ đạt 45,1 điểm, tức tiếp tục dưới ngưỡng 50, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy giảm đáng kể. Kết quả này phản ánh thực trạng nhiều công ty buộc phải đóng cửa tạm thời hay hoạt động cầm chừng do các biện pháp giãn cách xã hội.
Theo chứng khoán BVSC, ngoài vấn đề giảm số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng, các công ty cũng đang phải đối mặt tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài với mức độ còn lớn hơn thời điểm sau đợt bùng phát đại dịch lần đầu năm ngoái và áp lực giá cả tăng. Nhìn chung, lĩnh vực sản xuất trong phần còn lại của năm vẫn chịu áp lực và khó tăng trưởng cho đến khi đợt bùng phát dịch lần này được kiểm soát.
Trong cái khó ló cái khôn, giãn cách xã hội mở ra cơ hội và đòi hỏi để các đơn vị và doanh nghiệp điều chỉnh phương thức hoạt động mà trong đó chuyển đổi số ngày càng trở thành yêu cầu không thể khác.
Trong mùa dịch, mỗi ngày ông Trần Hiếu, phó tổng giám đốc khối tiếp thị và kinh doanh của Công ty DKRA Việt Nam, họp trực tuyến 4 - 5 phiên với trưởng các bộ phận để kịp thời nắm bắt tình hình kinh doanh, thông qua chủ trương và chỉ đạo trực tuyến.
Bên cạnh đó, mảng quản lý vận hành bất động sản của công ty cũng kịp thời triển khai đại trà ứng dụng PM Resident để giúp cư dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ quản lý tòa nhà trực tuyến. Thực tế thì công nghệ này đã đi vào hoạt động từ lâu, nhưng chỉ sau ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều cư dân mới chủ động tiếp cận và sử dụng nhiều hơn.
Theo chia sẻ của ông Hiếu, ban đầu cư dân có thể chưa quen hoặc chưa muốn sử dụng, nhưng nay vì phòng chống dịch và cần hạn chế tiếp xúc, họ có động lực phải dùng và khi dùng một lần rồi thì thấy ứng dụng này thật sự rất tiện lợi. Kết quả là trong tháng 6 vừa rồi, lượng thanh toán trực tuyến tăng lên gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Tập đoàn Hưng Thịnh Corp với tổng quy mô nhân viên hơn 3.400 người, ban lãnh đạo xác định chuyển đổi số là chiến lược then chốt trong giai đoạn tới. Tập đoàn đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào lĩnh vực công nghệ, được triển khai trên cả hai hướng: chuyển đổi số để nâng cao năng lực quản trị và xây dựng chiến lược kinh doanh mới. Tập đoàn cũng đầu tư hàng chục triệu đôla Mỹ để nghiên cứu, xây dựng nền tảng công nghệ bất động sản Proptech.
Tiềm năng chuyển đổi số còn thể hiện ở ngành giáo dục. Ở Trường đại học Bách khoa TP.HCM, tất cả các khóa học lý thuyết đều “go online”. Mặc dù còn hạn chế vì năng lực tương tác và không gian, nhìn chung các giảng viên cơ bản đã quen thuộc với môi trường số hóa, giúp lịch học nhiều môn của sinh viên không bị gián đoạn.
Hay gần đây, ứng dụng học tiếng Anh ELSA tiếp tục huy động được thêm 15 triệu USD để phát triển thị trường quốc tế và nền tảng bán hàng cho doanh nghiệp. Khoản vốn mới đến từ nhóm nhà đầu tư Vietnam Investments (VI Group) và SIG.
Trên thị trường thương mại bán lẻ, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong giai đoạn khó khăn hiện nay tiếp tục chờ đợi và cắt giảm chi phí hoạt động, đồng thời kết hợp chuyển hướng sang mô hình thương mại điện tử - một xu hướng được dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai không xa.
Trong đợt giãn cách toàn TP.HCM, Saigon Co.op cho biết đã kịp thời bổ sung khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online, giao hàng tận nhà tăng đột biến. Theo dự báo của Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh số thương mại điện tử tại Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới, và đó là dự báo trước khi dịch bệnh khiến tình trạng giãn cách trở nên không thể tránh khỏi như hiện nay.
Trong những gian khó, có thể thấy dịch COVID-19 bùng phát chính là “cú hích” để doanh nghiệp tổ chức tăng tốc chuyển đổi công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động và khách hàng. Không chỉ vậy, đó còn là công cụ tiết giảm chi phí quản lý vận hành, nâng cao hiệu suất hoạt động trong trung và dài hạn.
Trước đây, các ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán là các đối tượng tích cực nhất trong cuộc đua này. Nhưng sắp tới, rất nhiều lĩnh vực khác sẽ nhập cuộc. Đơn cử như mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) giữa tại nhà và tại văn phòng đang trở nên phổ biến và được nhiều công ty sử dụng. Bà Hoàng Nguyệt Minh, giám đốc bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh đại dịch, giới nhân viên văn phòng đã dần thích ứng với việc làm việc từ xa.
Khảo sát cho thấy hầu hết ý kiến đều cho rằng cách làm việc kết hợp mang lại nhiều lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp. Các nhân viên trong khảo sát bày tỏ mong muốn được làm việc tại văn phòng vài lần một tuần. Doanh nghiệp cũng đồng thời cần một số lượng nhất định nhân viên có mặt, nhưng việc phải đi làm theo giờ giấc cố định “ngày 8 tiếng” nay rõ ràng là không hề cần thiết với nhiều ngành nghề. Tất nhiên, với một số ngành nghề khác, hình thức làm việc này có thể không phù hợp.
Điều kiện thuận lợi cho Việt Nam để thúc đẩy xu thế này là lực lượng lao động trẻ đang chiếm ưu thế. Các thế hệ millennial, thế hệ Z đều thành thạo và nhạy bén trong tiếp thu công nghệ - họ được chờ đợi sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc chuyển đổi.
Tất nhiên, tham vọng chuyển đổi số tại các tổ chức và doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức. Các vấn đề có thể là năng lực hiểu các nền tảng công nghệ, thái độ hòa nhập công nghệ của nhân viên, nguy cơ rò rỉ thông tin dữ liệu, hay áp lực về vốn đầu tư hạ tầng ban đầu...
Khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với 400 doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020 cho thấy tới 55,6% doanh nghiệp vừa và nhỏ lo lắng về chi phí ứng dụng công nghệ, 38,9% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, và 32,3% thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số.
Nhìn chung, tốc độ thích nghi với chuyển đổi số sẽ phụ thuộc vào văn hóa tổ chức, quyết tâm của người lãnh đạo, sự ủng hộ đồng lòng của nhân viên. Hiện không có một quy chuẩn chung về chuyển đổi số cho tất cả các ngành, mà sự linh hoạt, quá trình vừa làm vừa học sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, không phải không có mặt trái khi ứng dụng chuyển đổi số cho từng lĩnh vực cụ thể. Theo Savills, doanh nghiệp theo đuổi mô hình văn phòng làm việc kết hợp cần lưu ý tới rủi ro văn hóa doanh nghiệp bị mai một khi mọi người không có cơ hội được gặp mặt và tương tác. Do vậy, mô hình đấy cần được thiết kế theo phương châm lấy con người làm trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu suất lao động nhưng vẫn tăng được sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra mối đe dọa chưa từng có với hoạt động của hệ thống kinh tế - xã hội toàn cầu. Cuộc khủng hoảng y tế đã kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội lâu dài hơn
Các biện pháp nghiêm ngặt, gồm lệnh hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội, mà nhiều chính phủ đã phải lập tức đưa ra đã khiến GDP các nước giảm mạnh. Trong đó, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu trong hơn một năm qua là cực kỳ nặng nề và sâu đậm. Các doanh nghiệp này rất dễ tổn thương trước sự gián đoạn thị trường, chuỗi cung ứng và sự thay đổi đột ngột sang giao dịch không tiếp xúc. Theo hơn 180 cuộc khảo sát ở các nước OECD, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, 70 - 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thiệt hại khoảng 30 - 40% doanh thu.
Thương mại bán lẻ, vận tải, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ chuyên nghiệp và cá nhân bị tấn công nặng nề nhất. Chương trình theo dõi vận động của Google and Apple đầu năm 2021 cho thấy lượng người đến các trung tâm bán lẻ và giải trí giảm hơn 50% trong khối OECD kể từ khi đại dịch nổ ra. Và điều này diễn ra khi mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu cả năng lực thích ứng do những hạn chế trong hoạt động, thiếu hụt kỹ năng và sự chậm trễ trong công nghệ hóa, nên thiệt hại càng lớn, dẫn tới phá sản hàng loạt.
Nhiều quốc gia đã có quyết sách kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Chẳng hạn, Chính phủ Mexico kết hợp một số doanh nghiệp tư nhân đưa ra sáng kiến thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng giao hàng/ chuyển phát nhanh. Nước Úc đưa ra gói cứu trợ giáo dục đại học giúp các trường đại học và nhân viên bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nâng cao kỹ năng hoặc đào tạo lại.
Và nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục. Theo báo cáo của OECD, sản lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 5,8% năm 2021 sau khi đã giảm vào năm 2020. Nhiều nền kinh tế thế giới dự kiến trở lại mức trước khủng hoảng vào cuối năm 2022, trong đó có Việt Nam.
Các hệ thống quản lý và đánh giá rủi ro thường tập trung vào dự đoán và giảm thiểu rủi ro trước khi chúng đe dọa đến hệ thống hiện hữu. Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn và chống chọi với những rủi ro thông thường có thể không đủ trong việc xử lý những khủng hoảng lớn như đại dịch COVID-19.
Một cách tiếp cận khác là chú trọng vào khả năng phục hồi trong tính chất không thể đoán trước và không thể tránh khỏi của những gián đoạn lớn. Năng lực tự phục hồi của mỗi nền kinh tế sau những biến cố như thế này, nếu đủ mạnh, không chỉ cho phép trở lại mức trước dịch mà thậm chí còn “bật lên phía trước”, nắm bắt các cơ hội mới hay chuyển đổi được hệ thống sau khủng hoảng. Chính phủ nhiều nước đã tận dụng cơ hội này để hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi số.
Chính phủ Ireland phát hành “Phiếu giao dịch kỹ thuật số trực tuyến”. Các doanh nghiệp có thể nhận được khoản hỗ trợ lên đến 2.500 euro để thanh toán các khóa đào tạo về giao dịch trực tuyến như phát triển web, tiếp thị số hoặc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.
Bộ Kinh tế và kỹ thuật số Áo ra mắt “Sáng kiến kỹ thuật số”, trong đó các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ nhận tiền của chính phủ để cung cấp dịch vụ số miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ít nhất ba tháng.
Pháp kêu gọi các công ty kỹ thuật số lớn cung cấp quyền tiếp cận các dịch vụ của họ miễn phí hoặc giảm giá để các chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh tiếp tục hoặc nối lại kinh doanh.
Hàn Quốc cũng có các chính sách tương tự để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được thử nghiệm công nghệ số với chi phí thấp.
Với doanh nghiệp, năng lực phục hồi có nghĩa là sự linh hoạt thích ứng với sự gián đoạn để tiếp tục hoạt động. Công nghệ số là công cụ hữu hiệu. Sự tiến bộ của công nghệ và sự phát triển của các mô hình dịch vụ kỹ thuật số mở ra cho doanh nghiệp nhỏ khả năng tiếp cận nâng cao với các công cụ kinh doanh, cho phép họ thích ứng nhanh chóng với hoạt động trong thời kỳ khủng hoảng mà không cần đầu tư trả trước lớn.
Lấy ví dụ, điện toán đám mây và ứng dụng trên điện toán đám mây là những công nghệ cho phép làm giảm rào cản với việc áp dụng các ứng dụng và công cụ kỹ thuật số khác. Các dịch vụ kỹ thuật số và nền tảng trực tuyến cung cấp các cách thức kinh doanh thay thế cho doanh nghiệp để khai thác thị trường tiêu dùng trực tuyến với chi phí tương đối thấp.
Một giải pháp khác là cải thiện năng lực làm việc từ xa. Trong đại dịch, các phương thức làm việc từ xa không còn là một lựa chọn mà đã trở nên cần thiết để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục. Công cụ truy cập từ xa, phần mềm hội nghị truyền hình và hỗ trợ chữ ký điện tử là một số ví dụ về các giải pháp kỹ thuật số cho phép hoạt động kinh doanh từ xa và không tốn nhiều giấy tờ.
Các phương pháp kỹ thuật số học được trong thời kỳ khủng hoảng sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, thích ứng với những gián đoạn trong tương lai, chẳng hạn như thiên tai. Để làm được điều này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần số hóa để có thể đáp ứng những thay đổi dài hạn.
Các nghiên cứu của Accenture, McKinsey hay KPMG trong năm 2020 đã chỉ ra rằng người tiêu dùng đã tích cực thử nghiệm và sử dụng dịch vụ kỹ thuật số trong đại dịch COVID-19. Xu hướng này đang gia tăng và thói quen mua hàng trực tuyến sau COVID-19 vẫn tiếp tục. Ví dụ, tháng 3-2020 Chính phủ Chile đã thay đổi luật lao động để đưa vào các yếu tố làm việc từ xa, mang tới sự linh hoạt cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Luật mới đảm bảo quyền của nhân viên được ngắt kết nối 12 giờ mỗi ngày.
Nhà nước cũng có thể tận dụng quãng thời gian giãn cách này để đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa chính quyền, trước mắt là các dịch vụ công thiết yếu.
Trong đại dịch, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đẩy mạnh việc này để giảm bớt gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp. Trước đại dịch, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc và 11 cơ quan trực thuộc đã duy trì 36 hệ thống cổng trực tuyến để thông báo và tiếp nhận thông tin cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về quan hệ với khu vực công, R&D và tiếp thị.
Ban đầu các hệ thống dịch vụ công vận hành riêng biệt, khiến người dùng phải đăng ký trên nhiều hệ thống. Để giảm sự bất tiện này, bộ này bắt đầu cung cấp cổng thông tin trực tuyến chung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ tháng 8-2020 để tổng hợp thông tin trên cả 36 hệ thống. Hình thức “một cửa một dấu” online này hoạt động theo nguyên tắc “một lần duy nhất”, thông tin về người dùng được yêu cầu chỉ một lần và được chia sẻ giữa các dịch vụ hành chính. Cổng thông tin này đã cho phép doanh nghiệp truy cập thông tin và hỗ trợ của chính phủ với một ID duy nhất.
Các nỗ lực số hóa còn bao gồm tự động hóa các quy trình hành chính đang được tiến hành ở rất nhiều nước trên thế giới. Các cơ quan công quyền đã bắt đầu tìm hiểu những hệ thống dựa trên AI để tăng cường khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu và cho phép tương tác ít tiếp xúc với doanh nghiệp.
Ví dụ, Korea Technology Finance Corporation - tập đoàn chuyên hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ - đã tạo ra hệ thống đánh giá công nghệ dựa trên AI. Họ đang sử dụng hệ thống này để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu và các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ nhiều tiềm năng nhưng thiếu nguồn lực.
Việc sử dụng chatbot - dịch vụ trò chuyện tự động - là một ví dụ khác về việc chính phủ sử dụng AI. Qua giao tiếp với chatbot, doanh nghiệp có thể thu thập thông tin về các chương trình của chính phủ liên quan đến doanh nghiệp của họ và đặt các câu hỏi cơ bản 24/7, trong khi biên chế nhà nước không cần phải tăng.
Những trải nghiệm với dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân có thể giải quyết nhiều thủ tục, giấy tờ hành chính bằng cách đăng ký qua mạng mà không cần phải gặp cán bộ, nhân viên công quyền. Cải cách hành chính này là cực kỳ quan trọng, bởi nó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tham gia, đóng góp cho thị trường cũng như nền kinh tế, giảm bớt nhũng nhiễu từng làm nản lòng nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận