Một người tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer - BioNTech trong bức ảnh không đề ngày tại Mainz, Đức - Ảnh: REUTERS
Cho tới nay Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới có quyết định như vậy. Theo hãng tin AFP, hãng Pfizer ngày 2-12 cho biết trong những ngày tới sẽ bắt đầu phân phối vắc xin tới Anh.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo sẽ bắt đầu tiêm vắc xin trong tuần tới cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhất.
Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia (NHS) của Anh sẽ chịu trách nhiệm triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vắc xin COVID-19 trong các tuần và tháng tiếp theo.
Vắc xin COVID-19 do Pfizer - BioNTech phát triển được chứng minh cho hiệu quả phòng bệnh tới 95% trong các thử nghiệm lâm sàng toàn cầu. Vắc xin này cần được tiêm hai liều, cách nhau 21 ngày.
BioNTech và Pfizer dự tính sẽ cung cấp được 50 triệu liều toàn cầu trong năm 2020 và lên tới 1,3 tỉ liều trong năm 2021. Anh đã đặt mua trước 40 triệu liều tổng cộng, và dự kiến nhận lô đầu 800.000 liều trong tuần tới.
Ai được tiêm trước?
Giới chức y tế Anh đã xây dựng những tiêu chuẩn để quyết định ai sẽ được tiêm vắc xin COVID-19, dù đó là loại nào.
Theo đó, ưu tiên cao nhất là ngăn chặn thêm số ca tử vong và bảo vệ sức khỏe của đội ngũ nhân viên y tế.
Các cư dân trong nhà dưỡng lão và những người chăm sóc họ sẽ là nhóm đầu tiên được tiêm. Kế đó là nhóm những người từ 80 tuổi trở lên và các nhân viên y tế tuyến đầu.
Những người lớn tuổi khác và những người thuộc nhóm đặc biệt dễ tổn thương trước dịch bệnh là nhóm ưu tiên tiếp theo. Thành phần còn lại sẽ được ưu tiên theo độ tuổi.
Tại Mỹ, một ủy ban cấp cao gồm các chuyên gia ngày 1-12 cũng đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch tương tự, theo đó các nhân viên y tế và cư dân trong các nhà dưỡng lão dài hạn cũng là nhóm được tiêm trước.
Thách thức triển khai tiêm chủng
Vắc xin COVID-19 của Pfizer - BioNTech đặt ra nhiều thách thức và trở ngại trong quá trình vận chuyển và lưu trữ.
Đây là loại vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C, mức nhiệt thấp hơn nhiều so với độ lạnh phổ biến ở các tủ lạnh/tủ đông thông thường.
Các vắc xin này sẽ được sản xuất tại các cơ sở của BioNTech ở Đức và nhà máy của Pfizer tại Puurs, Bỉ và được vận chuyển bằng tàu biển có hệ thống điều khiển nhiệt độ dùng băng khô.
Giáo sư Munir Pirmohamed thuộc tổ chức Commission on Human Medicines của Anh chuyên tư vấn về độ an toàn của các sản phẩm dược cho biết vắc xin này có thể ổn định chất lượng "trong thời gian ngắn" ở nhiệt độ 2-8 độ C.
Theo Chính phủ Anh, điều này cho phép thời gian vận chuyển và lưu trữ trong tủ lạnh thông thường với vắc xin lên tới 5 ngày tại các trung tâm phân phối.
Một phụ nữ cầm lọ nhỏ có gắn nhãn ghi “vắc xin COVID-19” và một xi lanh, phía sau là logo hãng dược lớn của Mỹ Pfizer - Ảnh: REUTERS
EU chỉ trích
Tổ chức luật về sản phẩm và thuốc trong chăm sóc sức khỏe (Medicines and Healthcare Products Regulatory Agency - MHRA), một tổ chức độc lập của Anh, đã đánh giá vắc xin COVID-19 của Pfizer - BioNTech trong thời gian nhanh kỷ lục từ tháng 6.
Giám đốc điều hành MHRA, bà June Raine, cho biết họ đã phải làm việc thâu đêm không nghỉ để đánh giá khoa học khắt khe, nghiêm cẩn với mọi chứng cứ đã có về chất lượng, an toàn và hiệu quả của vắc xin.
Tuy nhiên theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) hôm nay 2-12 đã lên tiếng chỉ trích Anh vì cấp phép quá nhanh cho vắc xin COVID-19 của Pfizer - BioNTech.
EU khẳng định quy trình thẩm định, cấp phép vắc xin của họ sẽ kỹ lưỡng hơn. Trong thông cáo phát đi cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép các vắc xin COVID-19 cho EU, cho biết thủ tục phê chuẩn của họ sẽ lâu hơn vì họ sẽ căn cứ vào nhiều chứng cứ hơn, yêu cầu kiểm tra nhiều hơn thay vì lựa chọn cách làm siêu tốc như Anh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức, ông Jens Spahn, hôm nay 2-12 cho biết Đức sẽ chọn tiến hành quy trình thủ tục phê chuẩn vắc xin COVID-19 lâu hơn để tạo sự tin tưởng cho người dân với vắc xin.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nói muốn tiếp cận dữ liệu đánh giá của Anh để hiểu rõ hơn căn cứ nước này phê chuẩn vắc xin COVID-19. Hiện tại, nhóm chuyên gia miễn dịch học của WHO vẫn đang trong quá trình thẩm định độc lập mức độ an toàn, hiệu quả các vắc xin do Pfizer và Moderna phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận