07/01/2025 11:36 GMT+7

Va chạm giao thông: Cách hạ hỏa, ứng phó với người manh động

Nhường nhịn đôi khi chỉ là lý thuyết suông vì một số người manh động sau va chạm. Làm sao để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông?

Va chạm giao thông: Cách hạ hoả, ứng phó với người manh động - Ảnh 1.

Cảnh ẩu đả giữa người giao hàng và tài xế, nhân viên xe buýt ở khu vực quận 3 (TP.HCM) ngày 10-12-2024 - Ảnh cắt từ clip

Trước đây anh Lê Hồng Ân (quận Gò Vấp, TP.HCM) không tránh khỏi tức giận, sẵn sàng đáp trả người cố tình gây hấn trên đường. 

Nhẹ thì lời qua tiếng lại, nặng hơn thì xô đẩy, thậm chí vứt xe, đánh nhau cho bỏ tức.

Tuy nhiên, sau va chạm nhớ đời năm ngoái, anh có cơ hội để hành xử khác.

Giữ khoảng cách, nhờ người xung quanh làm chứng 

Lần đó anh lái xe hơi nhanh qua đoạn đường có khu chợ tự phát, bỗng có người phụ nữ lao qua. Anh bẻ lái vội, tông vào xe trái cây lề đường.

"Lỗi của mình nên mình dừng lại để thương lượng. Nhưng chưa kịp nói gì thì anh bán trái cây đã tóm áo rồi đấm vào mặt. Đàn ông mà, tôi không nhịn, đấm lại", anh kể.

Thiệt hại tài sản không bao nhiêu nhưng cả hai bị cơ quan chức năng đưa về trụ sở. 

Vợ anh Ân ẵm con nhỏ tất tả chạy lên. Thấy vợ con khóc mà anh xót xa quá.

"Chuyện đâu còn có đó, ai đúng ai sai hồi sau sẽ rõ. Càng nóng nảy càng hại thân", anh rút ra bài học.

Đi đường lỡ có va chạm, anh Đức Duy (38 tuổi, ngụ quận 11) thường chủ động xin lỗi cho xong chuyện.

Có lần trên đường Phạm Văn Đồng hướng về quận Bình Thạnh, anh băng ngang con hẻm thì một thanh niên lao ra. Anh thắng xe quá gấp, đập mạnh vai xuống đường. 

Người thanh niên lật đật đỡ anh dậy và rối rít xin lỗi.

Thấy vậy, anh nói một phần do mình chạy nhanh. Người đau ê ẩm, tay chân trầy trụa nhưng khi thanh niên đề nghị đưa đi khám, anh nói: "Thôi không sao đâu, em cứ đi đi".

Anh chia sẻ: "Nếu lúc đó tôi hồ đồ chắc sẽ chửi bới hoặc dợt cậu kia mấy bạt tai. Nhưng tôi nghĩ có những lúc mình vội vã, va quẹt một chút là không tránh khỏi. Nhịn chứ hơn thua làm gì".

Lần khác, đi đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), một người đàn ông tông mạnh đuôi xe khi anh Duy dừng đèn đỏ. 

Anh quay lại nói: "Đi gì kỳ vậy ông?". Hai người kia sừng sộ, đá chống dừng xe ngay.

Thấy hơi căng, Duy thủ thế: "Đèn đỏ mà ông chạy nhanh, ông không thấy hay sao còn sừng sộ?".

Người kia hét "mày muốn gì" và đổ thừa, rồi cởi nón bảo hiểm xông tới đòi đánh.

"May mà có anh cảnh sát trực gần đó thấy tình hình nên đến hỏi. Hai người kia thấy vậy lên xe đi. Tôi không sợ nhưng phải đề phòng vì sợ họ manh động", anh kể.

Theo anh, gặp người không biết đúng sai, nếu họ muốn gây sự, mình phải giữ khoảng cách.

Nếu va chạm mạnh gây thương tích hoặc hỏng xe, kinh nghiệm anh Duy là nhờ người xung quanh làm chứng, giữ hiện trường (ai đúng ai sai người đi đường sẽ quan sát được) và gọi cho lực lượng chức năng.

Khi nghe có công an đến, tâm lý phía kia sẽ bớt hung dữ và giảm ý định hành hung. 

Còn với những ai bất chấp, tốt nhất là mình bỏ chạy. Không phải hèn nhát mà là bảo vệ mạng sống.

Va chạm giao thông: Cách hạ hoả, ứng phó với người manh động - Ảnh 2.

Đường phố đông đúc, người tham gia giao thông nên nhường nhịn một chút, kiềm chế cơn nóng giận - Ảnh: YẾN TRINH

Tranh thủ camera giám sát 

Những va chạm nhẹ trên đường có thể bùng phát thành xung đột, thậm chí dẫn đến chết người do kết hợp nhiều yếu tố.

Theo thạc sĩ tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, khi đó cảm xúc tức thời được khơi dậy như lo lắng hoặc sợ hãi dễ dàng chuyển hóa thành tức giận ở những người thiếu khả năng nhận diện, chấp nhận và kiểm soát cảm xúc, dẫn đến hành vi bạo lực bột phát.

Nhiều người coi sự va quẹt là đe dọa an toàn, hình ảnh bản thân, cái tôi hoặc danh dự, đặc biệt khi có đám đông quan sát, khiến họ phản ứng mạnh.

Những cảm xúc chất chứa có thể là một lý do khi áp lực tích tụ từ công việc, cuộc sống và môi trường giao thông đông đúc cũng có thể khiến va chạm nhỏ trở thành giọt nước tràn ly, bùng nổ cảm xúc tiêu cực bị dồn nén.

Ngoài ra, tâm lý đám đông, sự kích thích từ môi trường xung quanh, như sự cổ vũ hoặc thách thức từ đối phương có thể khiến cá nhân bị cộng hưởng cảm xúc mất kiểm soát và hành động vượt xa giới hạn thường ngày.

"Đặc biệt, việc thiếu kỹ năng giải quyết xung đột một cách bình tĩnh cùng với ảnh hưởng từ môi trường nuôi dưỡng từ nhỏ không lành mạnh - nơi bạo lực có thể được coi là bình thường và là cách duy nhất giải quyết vấn đề - có thể là yếu tố nền tảng làm cho các tình huống này dễ dàng leo thang thành nguy cơ, gây hậu quả nghiêm trọng", thạc sĩ Thiện cho biết.

Trong khi đó theo anh Duy, nếu luôn bảo nhau nhường nhịn đôi khi chỉ là lý thuyết suông vì giờ một số người manh động lắm.

Không phải cứ nhịn là hay, đối phương quá đáng thì chúng ta phải cứng cỏi, tỏ quan điểm. Chỉ là ta không kích động, nói bậy chửi tục trả đũa, càng đẩy không khí căng thẳng.

Bên cạnh đó, hiện đường phố gắn nhiều camera giao thông và camera giám sát của nhà dân. 

"Mình tranh thủ những vị trí có camera. Trường hợp cần thiết cơ quan chức năng sẽ trích xuất xử lý và phía kia thấy camera cũng chờn ý", anh Duy nói.

Luật sư Đoàn Văn Nên (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết camera giám sát có vai trò giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đảm bảo chấp hành an toàn giao thông đô thị theo đúng quy định, dữ liệu ghi lại được trong các camera này còn giúp tăng hiệu quả kiểm soát, quản lý các phương tiện.

Đồng thời giúp xử lý kịp thời trường hợp kẹt xe, ùn tắc, hoặc truy tìm và xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự.

Va chạm giao thông: Cách hạ hỏa, ứng phó với người manh động - Ảnh 4.Cách nào trị thói côn đồ trên đường?

Sự chung tay của cộng đồng trừng trị thói côn đồ không nên dừng lại ở việc ghi hình hay cung cấp thông tin.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp