Vở tuồng hiện đại Ao làng đậm chất hài hước, dí dỏm - Ảnh: ĐỨC TRIẾT |
Dù là lần đầu tiên chạm đến đề tài nông thôn đổi mới nhưng vở diễn đã mạnh dạn đề cập vấn đề khô khan: bảo thủ hay cấp tiến trong tư tưởng thế hệ mà vẫn nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ xem.
Vở tuồng Ao làng (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSƯT Đặng Bá Tài) xoay quanh câu chuyện đơn giản hài hước: 12g đêm, người dân làng Vồm lục tục đeo khẩu trang đến nhà văn hóa xã bỏ phiếu quyết định lấp hay không lấp ao làng, để chấp nhận hay không chấp nhận dự án làm đường mới qua làng.
Thế nhưng từ đấy những góc cạnh gai góc, thói hư tật xấu của con người hôm nay, cuộc sống hôm nay được phê phán, giễu cợt. Chẳng hạn qua bốn ông tộc trưởng ngủ gật trông “hòm phiếu”, Ao làng đã “tranh thủ” giễu chuyện quan tham, chuyện đường ống nước sông Đà bị vỡ, trộm chó, giá điện, thực phẩm chức năng...
Nhưng vấn đề được xoáy sâu hơn cả ở đây là từ sự tham chức tham quyền, hám danh hám lợi của ông quyền trưởng thôn Đỗ Quyền dẫn đến “đụng độ” về tư tưởng thế hệ: bảo thủ hay cấp tiến.
Lúc mới khởi công, ông Phạm Ngọc Tuấn - giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - chia sẻ vở tuồng hiện đại Ao làng “đụng” đến vấn đề khô khan với những nhân vật bình thường nên rất... khó nhằn. Điều này cũng khiến Ao làng nhận được sự quan tâm của công chúng trong bao nỗi tò mò, băn khoăn không biết nghệ thuật tuồng truyền thống có đủ sức chuyển tải và vở diễn có giữ được chất tuồng?
Với đạo diễn, NSƯT Đặng Bá Tài thì đây cũng là một áp lực. Thế nhưng trước câu chuyện về nông thôn, anh đã khéo khai thác triệt để chất dân gian trong tuồng truyền thống (kiểu như vở tuồng dân gian Nghêu, sò, ốc, hến) một cách hợp lý để kể chuyện hôm nay.
Vì thế vở tuồng Ao làng không bị lên gân, khá nhẹ nhàng, uyển chuyển trong chất hài hước, giễu cợt dí dỏm, thậm xưng đã giữ chân khán giả suốt hai tiếng và khiến khán giả khi xem được dịp cười để ngẫm...
Trong vở, cùng với các nghệ sĩ như NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Bích Tần, tài năng trẻ Hồng Quyên..., NSƯT Văn Thủy tròn vai ông Đỗ Quyền - một con người bảo thủ, lưu manh và tham quyền tham chức.
Chỉ tiếc là ở vở diễn này phần hát không nhiều, thậm chí có phân cảnh thoại còn dài. Nhưng Ao làng vẫn là nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam khi dám mạnh dạn “xông vào” đề tài khó, “mong muốn tiến đến gần hơn với khán giả hôm nay” - ông Phạm Ngọc Tuấn nói. Sau đêm tổng duyệt, vở tuồng sẽ được nhà hát lưu diễn phục vụ khán giả trong cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận