Sơ đồ thiết kế xe VAR lưu động cho V-League 2019 - Ảnh: NEXT MEDIA
Nhưng mới nhất, VPF cùng Next Media đã quyết định chuyển sang đầu tư xe VAR lưu động vốn chỉ có thể áp dụng 1-2 trận đấu/vòng.
"Làm trung tâm VAR rất tốn kém, mất đến 40-50 tỉ đồng đầu tư ban đầu. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật và trọng tài VAR hiện tại cũng chưa thể đáp ứng được việc phải xử lý cùng lúc 6 trận/vòng. Trong khi đó, chỉ cần một tuần áp dụng VAR cho 1-2 trận đấu tâm điểm của vòng đấu là đã quá tốt với bóng đá VN rồi" - tổng giám đốc Next Media Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.
Theo đó, Next Media sẽ đầu tư 1-2 xe VAR lưu động nhằm áp dụng VAR cho 2-4 trận đấu/vòng. Đây là cách làm mà chủ nhà UAE đã áp dụng từ vòng tứ kết Asian Cup 2019. Trong đó, toàn bộ thiết bị VAR trị giá khoảng 10 tỉ đồng (bao gồm 4 máy quay chuyên dụng đặt tại sân, bộ thu phát tín hiệu, các màn hình trong xe...) sẽ được lắp đặt trên một chiếc xe 16 chỗ được hoán cải lại cho phù hợp.
Ngày diễn ra trận đấu ở V-League 2019, xe VAR lưu động này sẽ di chuyển đến sân được chọn, kết nối thêm tín hiệu từ xe màu trực tiếp của đài truyền hình để tổ VAR (2 trọng tài và 1 kỹ thuật) ngồi quan sát, làm chậm lại tình huống xảy ra, từ đó đưa ra quyết định và thông báo cho trọng tài trên sân.
Ông Kiên cho biết: "Chúng tôi đang gấp rút làm việc với đơn vị cung cấp công nghệ VAR được FIFA cho phép để có thể triển khai càng sớm càng tốt vì việc cải tạo xe, lắp đặt thiết bị VAR... cũng mất khoảng ba tháng. Do đó, đầu tháng 5 tới, chúng tôi phải bắt đầu "chạy" công việc rồi. Đầu tiên là gắn thiết bị vào xe, đào tạo trọng tài, vận hành thử, mời FIFA sang nghiệm thu và đồng ý cho áp dụng ở V-League 2019".
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ: "Chúng tôi sẽ sử dụng các cựu trọng tài giỏi đã về hưu làm công việc trên xe VAR lưu động. Họ sẽ được tập huấn về VAR để có thể thực hiện tốt công việc mới".
Ông Tú cho rằng sự có mặt của công nghệ VAR ở lượt về V-League 2019 sẽ giúp cho giải đấu tốt hơn, nhất là sau khi có quá nhiều sự cố về trọng tài trong 5 vòng đấu vừa qua.
Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng quan trọng nhất vẫn là quyết định của trọng tài khi công nghệ VAR được áp dụng.
Bao nhiêu máy quay là đủ?
Công nghệ VAR theo tiêu chuẩn của FIFA là 48 máy quay, truyền tín hiệu về trung tâm để tổ trọng tài ngồi tại đây quan sát, xử lý tình huống xảy ra và báo cho trọng tài tại sân.
Nhưng theo ông Tú, 48 máy quay là cho các giải đấu lớn. Còn bình thường, FIFA chỉ quy định tối thiểu 8 máy quay.
Điều này phù hợp tình hình thực tế của bóng đá Việt Nam bởi truyền hình trực tiếp tại sân hiện đã có 5-7 máy, thêm 4 máy quay chuyên dụng của VAR được lắp thêm tại sân là đạt yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận