Uyên cặm cụi bên chiếc điện thoại cũ học online - Ảnh: ĐỨC TÀI
Quán bánh bèo ở thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam của bà Trương Thị Tiến (48 tuổi, mẹ Uyên) mấy ngày nay đông người hơn hẳn. Nhiều người thân, bà con láng giềng đến chúc mừng cho gia đình khi Nguyễn Thục Uyên vừa trở thành tân sinh viên Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Gần mười năm nay, Uyên phụ mẹ bán quán bánh bèo ở nhà mình kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, ăn học. Dù nhiều người đến chúc mừng, hỏi thăm nhưng bà Tiến chỉ mỉm cười, những vết nhăn trên quầng mắt của bà hiện rõ nỗi lo âu, căng thẳng.
Nỗi nhọc nhằn của mẹ
Năm 2008, chồng bà qua đời vì mắc phải căn bệnh phổi, 13 năm qua bốn mẹ con phải nương tựa nhau để lo cho cuộc sống. Ngoài quán bánh bèo mà hai vợ chồng gây dựng được, bà còn phải đi làm thuê cho người khác để có thêm chi phí cho các con ăn học.
Bà kể ngày chồng mất các con còn rất nhỏ, người con đầu 9 tuổi, Uyên thì 5 tuổi. Các con còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, ngày nào không đi học lại phụ mẹ bán bánh bèo, làm việc nhà, nấu cơm. Thấy con ngoan, lại siêng học tập càng tiếp thêm nguồn động lực cho bà cố gắng. "Trước lúc chồng mất, hai người có tâm sự với nhau, mình cũng hứa với chồng dù khó khăn đến đâu cũng lo cho các con ăn học đàng hoàng. Vì lời hứa đó, vì thương con nên ai thuê làm gì mình đều làm hết" - bà Tiến tâm sự.
Năm 2017 con trai đầu của bà đậu vào Trường cao đẳng Kỹ thuật Đà Nẵng, để có tiền đóng học phí bà phải chạy xuôi chạy ngược vay tiền, nhiều lúc đi làm thêm đến tối khuya mới về. Cứ ngỡ con trai ra trường có việc làm để giúp mẹ lo cho các em, nhưng tháng 5-2021 khi ra trường em vào TP.HCM xin việc lại gặp dịch COVID-19 bùng phát. Không có việc, mắc kẹt ở thành phố nhiều tháng trời khiến bà Tiến ngày đêm lo lắng.
Từ ngày phát hiện bản thân mắc nhiều căn bệnh (u bướu, ruột thừa, thận và khô mắt) khiến bà Tiến thêm phần lo sợ. Sợ rằng bệnh tình trở nặng không qua khỏi các con sẽ mồ côi, không ai chăm sóc, đỡ đần.
"Giờ sức khỏe còn tốt chỉ mong thời gian bốn năm trôi qua thật nhanh để lo cho con ăn học, hoàn thành ước mơ của mình. Chứ giờ nằm xuống, con cái có thể phải nghỉ học" - bà Tiến tâm sự.
Nỗ lực của con gái
Bà Tiến thường tâm sự, động viên các con cố gắng học sau này tìm kiếm một công việc thật tốt để làm, đừng như mẹ ít học giờ vất vả, khổ cực. Những lời tâm sự đó như là một ước mơ, mong muốn của bà gửi đến các con. "Nhiều đêm mẹ thường tâm sự, mẹ kể lúc ba còn sống thương tụi mình lắm, cái gì ngon cũng dành cho con ăn để có sức khỏe học tập cho giỏi" - Uyên kể lại.
Thương mẹ, những ngày được nghỉ học, hai chị em Uyên lại cùng nhau trông coi quán bánh bèo để cho mẹ đi làm, nấu cơm, làm việc nhà hay ra chợ bán rau. Dù gia đình khó khăn, thời gian học tập rất ít nhưng Uyên lại có thành tích học tập rất tốt, 12 năm liền Uyên đều là học sinh giỏi, nhận được rất nhiều học bổng từ nhà trường và các nhà hảo tâm.
Hiện tại do Đà Nẵng đang dịch COVID-19 phức tạp nên Uyên chưa ra nhập học mà học trực tuyến tại nhà.
"Hơn hai tuần học online bản thân mình thấy chương trình học đại học rất khó, nhưng sẽ cố gắng tập trung học thật tốt, sau này kiếm một việc làm ổn định để không phụ lòng mẹ. Nếu ra được thành phố mình cũng sẽ đi làm thêm để lo cho bản thân và một phần nào giúp đỡ cho mẹ" - Uyên nói.
Việc học online trên điện thoại cũ gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc học máy bị đơ không nghe rõ lời cô giảng. "Đoạn nào không hiểu mình hỏi lại bạn, bài tập liên quan đến máy tính sẽ ra quán net để làm. Chứ mẹ vừa đi vay tiền đóng học phí, nên giờ cũng không có tiền để mua máy tính" - Uyên chia sẻ.
Hằng ngày thấy con gái cặm cụi bên chiếc điện thoại cũ, nhận từ một chương trình học bổng hơn 4 năm trước để học online, bà Tiến lại thương con hết mực.
Bà kể sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển, do không đủ tiền đóng học phí nên phải đi vay mượn khắp nơi để nộp tiền học phí 9,5 triệu đồng. "Số tiền đó mình mượn của hàng xóm, một ít là số tiền vay từ trước để dành mua cho con cái máy tính nhưng giờ phải dùng để đóng học phí" - bà Tiến nói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận