31/07/2014 08:33 GMT+7

Uy tín của Việt Nam được nâng lên

C.V.KÌNH - L.THANH thực hiện
C.V.KÌNH - L.THANH thực hiện

TT - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa nâng bậc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu VN.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Hùng Long - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - khẳng định đây là tin mừng đối với VN. Ông Long nói:

VGGMcHMR.jpgPhóng to
Ông Trương Hùng Long - Ảnh: Việt Dũng

- Tín nhiệm quốc gia là chỉ số phản ánh khả năng sẵn sàng trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi trong tương lai. Có 130/196 quốc gia đang được xếp hạng. VN vừa được nâng hạng từ B2 lên B1 với triển vọng ổn định. Khi đạt được mức xếp hạng cao hơn, hình ảnh kinh tế VN sẽ nâng lên và tạo điều kiện thuận lợi hơn khi VN tham gia thị trường vốn quốc tế.

"Hiện VN vẫn được đánh giá là điểm sáng kinh tế khu vực, nên khi xếp hạng tín nhiệm cao hơn, tôi nghĩ sự tích cực của các nhà đầu tư trong đầu tư trực tiếp và gián tiếp cũng sẽ thuận lợi lên"

Ông TRƯƠNG HÙNG LONG

* Các cơ quan VN đã làm việc với tổ chức xếp hạng như thế nào và tại sao VN được nâng hạng?

- Việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia là một điều đáng mừng với nền kinh tế. Moody’s đưa ra các lý do giải thích cho việc nâng bậc tín nhiệm của VN bao gồm: tình hình kinh tế vĩ mô của VN ổn định hơn với chỉ số giá cả được duy trì dưới mức 7,5% trong 26 tháng liên tiếp, đây là khoảng thời gian dài nhất lạm phát được duy trì ở mức thấp kể từ năm 2000. Mức lạm phát cao nhất của VN vào tháng 8-2011 ở mức 23% và sau đó đã giảm dần, năm 2012 và 2013 lạm phát đã giảm xuống mức tương ứng là 9,21% và 8%. Thêm nữa, cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại được cải thiện nhờ đa dạng hóa cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu theo hướng tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng vốn cao. Thay vì xuất khẩu các mặt hàng truyền thống sử dụng nhiều lao động như giày dép, dệt may, VN đã tập trung xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao như hàng điện tử, sản phẩm công nghệ cao. Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu có mức tăng trưởng thấp hơn đã giúp cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư đáng kể, góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục là 35,9 tỉ USD vào cuối tháng 4-2014 và ổn định tỉ giá. Năm 2011, nhập siêu ở mức 10 tỉ USD nhưng năm 2012 chuyển sang xuất siêu 0,7 tỉ USD và năm 2013 xuất siêu nhiều triệu USD.

Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20. Trên thế giới hiện nay có ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn và có uy tín trên toàn cầu là Moody’s, Standard&Poor’s và Fitch, chiếm hơn 90% thị phần dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên toàn cầu.

* Moody’s cũng nêu sẽ tiếp tục nâng hạng nếu VN giảm được nghĩa vụ nợ dự phòng. Nghĩa là bảo lãnh nợ và những mối lo trả nợ thay phải giảm đi?

- Việc nâng hạng tín nhiệm đồng nghĩa với khả năng trả nợ đã cải thiện. Để duy trì xếp hạng, VN cần duy trì chính sách đảm bảo ổn định vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng. Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Tài chính đang tích cực cơ cấu lại nợ để giảm nghĩa vụ, giảm rủi ro như nợ chính quyền địa phương, nợ doanh nghiệp nhà nước... Hiện tại, ngân hàng chúng ta đã tái cơ cấu mạnh. Trước đây nợ xấu ngân hàng của VN có vấn đề, nay đã cải thiện nên đã được đánh giá tốt. Thứ hai là nợ doanh nghiệp, đặc biệt là tập đoàn, tổng công ty. VN đang tái cơ cấu và đã làm được một phần. Sắp tới, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục công tác tái cơ cấu, điều này sẽ giúp duy trì và nâng xếp hạng của VN.

* Trái phiếu bằng ngoại tệ của VN đã tăng như thế nào ngay sau khi tăng hạng mức tín nhiệm?

- Ngay trong ngày 29-7, sau khi thị trường đón nhận thông tin về việc Moody’s nâng bậc tín nhiệm cho VN, khoản trái phiếu 1 tỉ USD VN phát hành năm 2010 đã tăng 0,5 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất trái phiếu quốc tế chính phủ trên thị trường thứ cấp được giao dịch giảm xuống còn 3,89%.

* Nâng xếp hạng có tác dụng thế nào đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

- Lòng tin của nhà đầu tư với nền kinh tế VN sẽ cao lên. Tôi cũng xin nói thêm việc nâng xếp hạng tín nhiệm của VN cũng mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với các tổ chức/doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm ưu thế. Cụ thể, ngay sau khi Moody’s công bố nâng bậc xếp hạng tín nhiệm cho VN thì hai ngân hàng là VietinBank và BIDV cũng được thông báo nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm. Việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm giúp các tổ chức này giảm bớt chi phí khi huy động vốn trên thị trường quốc tế và quan trọng hơn, việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp hai ngân hàng này nâng cao uy tín trong mắt các nhà đầu tư.

* VN đã được tăng xếp hạng, ông có thể công bố mức nợ công hiện nay của VN cụ thể là bao nhiêu?

- Nợ công của VN thời gian qua có nhỉnh lên, nhưng theo quy định quốc tế, nợ công của VN vẫn trong giới hạn an toàn. Nợ công 2013 là 53,4% GDP. Tuy nhiên, nợ trong nước của VN có tỉ lệ tương đối lớn, nợ nước ngoài thì hầu hết là vay ưu đãi viện trợ phát triển, lãi suất thấp, thời hạn dài nên rủi ro nợ công của VN tới nền kinh tế không quá nhiều. Xin khẳng định khả năng trả nợ của VN luôn đảm bảo. Nghĩa vụ trả nợ của VN đã được quy định phải ở dưới mức trần là 25% tổng thu ngân sách. Năm 2013, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của ngân sách nhà nước (chưa kể phát hành đảo nợ) chỉ ở khoảng 12,6% tổng thu ngân sách nhà nước.

* Xin cảm ơn ông.

* Ông VÕ TRÍ THÀNH (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Cốt lõi là năng lực cạnh tranh

Các báo cáo quốc tế như tổ chức Moody’s thường được nhà đầu tư nước ngoài tham khảo nên việc họ nâng một bậc xếp hạng là điều tích cực với VN. Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà quá hồ hởi. Nhìn kỹ thì thấy mức nâng của họ là chưa nhiều, chỉ một bậc nhỏ thôi. Mức xếp hạng có tiến bộ nhưng cũng chưa phải là đã nằm trong vùng hấp dẫn. Đánh giá của họ vẫn còn khá thận trọng. Nhưng dù họ đánh giá tốt hay xấu thì đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình. Bản thân chúng ta nên hiểu rằng cốt lõi vấn đề vẫn là năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn có tăng không, sức đề kháng của nền kinh tế ổn chưa.

* Ông TRỊNH HOÀI GIANG (phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM):

Hút vốn ngoại sẽ thuận lợi hơn

Việc Hãng đánh giá tín dụng Moody’s vừa nâng một bậc xếp hạng trái phiếu Chính phủ VN lên B1 với triển vọng ổn định là một tin tốt. Nó cho thấy kinh tế VN đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đã ổn định trở lại. Điều này trước hết sẽ giúp lãi suất trái phiếu VN trên thị trường quốc tế vốn đã giảm trong thời gian qua sẽ còn giảm hơn nữa, đồng nghĩa với việc có thể thu hút vốn ngoại với chi phí thấp hơn, thuận lợi hơn. Thời gian qua lạm phát đã giảm, giá trị đồng nội tệ tăng, nay có thêm đánh giá này sẽ giúp VN thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn, bởi nhà đầu tư ngoại luôn coi trọng sự ổn định của một nền kinh tế.

HỒNG QUÝ ghi

C.V.KÌNH - L.THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp