Anh Nguyễn Văn Tỷ (cán bộ tư pháp UBND P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM) hướng dẫn người cao tuổi (bà Lê Thị Kim, 93 tuổi) làm giấy ủy quyền, mẫu số 13-HSB (để lãnh thay lương hưu, BHXH) tại nhà - Ảnh: NGUYỆT NHI
Bà Nguyễn Thị Trúc (72 tuổi, ngụ KP1, P.Cát Lái, Q.2, TP.HCM) phản ảnh về việc gặp khó khăn khi lãnh lương hưu tại Bưu điện Cát Lái cho cả hai vợ chồng.
Nhân viên bưu điện kêu bà phải làm giấy ủy quyền lãnh lương hưu của người chồng. Bà Trúc về UBND P.Cát Lái làm giấy ủy quyền thì được nhân viên phụ trách tư pháp hướng dẫn bà phải làm hợp đồng ủy quyền có chứng thực chữ ký của tổ chức hành nghề công chứng.
Hiện nay, thủ tục lập giấy ủy quyền theo mẫu số 13 để lãnh thay lương hưu, BHXH vẫn được chấp nhận. Các đơn vị có liên quan cần xem xét giải quyết chế độ cho người dân…
Ông PHAN VĂN MẾN (giám đốc BHXH TP)
Rắc rối công chứng ủy quyền
Bà Trúc thắc mắc trước đây vẫn làm giấy ủy quyền tại phường và được phường chứng thực chữ ký để nhận lương hưu thay, nhưng nay sao phải ra công chứng để chứng thực giấy ủy quyền?
Trả lời vấn đề này, nhân viên tư pháp phường đưa cho bà Trúc xem quyết định 2700 (có hiệu lực ngày 29-6-2018) của UBND TP.HCM về công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, trong đó thủ tục chứng thực chữ ký giấy lãnh thay lương hưu, trợ cấp BHXH đã bị bãi bỏ.
Vì vậy, nhân viên tư pháp phường hướng dẫn bà Trúc đến tổ chức hành nghề công chứng để làm công chứng ủy quyền mới có thể lãnh lương hưu thay chồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trúc cho hay trước đây do bà hay đau yếu, chồng bà là ông Huynh (75 tuổi) vẫn thường đi lãnh lương hưu thay cho bà. Khi đó chỉ cần ra P.Cát Lái làm thủ tục chứng thực chữ ký để lãnh thay cho bà xong thì đến bưu điện được nhận lương hưu.
Nay ông cụ bệnh, đi lại rất khó khăn, bà Trúc khỏe lại nên đến lượt bà đi lãnh lương hưu thay chồng thì gặp rắc rối trên.
"Chồng tôi đau yếu như thế làm sao mà ra phòng công chứng để làm giấy ủy quyền được. Còn nhờ nhân viên phòng công chứng đến tận nơi để công chứng thì mất chi phí cao hơn…" - bà Trúc nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Hiền - chủ tịch UBND P.Cát Lái - cho hay đã nắm được sự việc khó khăn khi lãnh lương hưu của vợ chồng ông Huynh.
Trước đây, theo quy định cũ, UBND phường chứng thực chữ ký giấy lãnh thay lương hưu. Người dân chỉ cần cầm giấy đó đến bưu điện thì có thể lãnh thay được.
Nay quy định thay đổi thì phía phát lương hưu có thể sẽ không chấp nhận giấy lãnh thay lương hưu do UBND phường chứng thực chữ ký.
"Đã có trường hợp tương tự được phường ghi nhận rồi. Do ông Huynh bị đau yếu vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ việc đến nhà để chứng thực. Đồng thời tôi sẽ báo cáo cho Phòng lao động - thương binh & xã hội để có hướng giải quyết…" - ông Hiền nói.
Tạo thuận lợi cho người lãnh lương thay
Theo tìm hiểu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN quy định người hưởng chế độ BHXH hằng tháng ủy quyền cho người khác lãnh lương thay cần lập giấy ủy quyền (mẫu
13-HSB, do UBND phường chứng thực) hoặc lập hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật. Như vậy, người dân chỉ cần lập giấy ủy quyền (mẫu 13-HSB) là được.
Tuy nhiên, sau khi có quyết định 2700 thì thủ tục chứng thực chữ ký ở UBND phường theo mẫu đã bị bãi bỏ. Vì vậy, thời gian qua, một số người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng thay người thân bằng giấy ủy quyền do UBND phường chứng thực chữ ký nhưng không được nhân viên bưu điện chấp thuận. Nhân viên bưu điện yêu cầu người dân phải có giấy theo quy định mới.
Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, một số phòng tư pháp quận vẫn triển khai đến các UBND phường về việc thực hiện chứng thực chữ ký ở giấy trên. Có nơi vẫn tạo điều kiện cho người dân lãnh thay lương hưu.
Điển hình như quận Tân Bình vẫn thống nhất, phối hợp giữa Phòng lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm, bưu điện để giải quyết linh hoạt việc lãnh thay lương hưu cho người dân như trước.
Tại quận này, người dân vẫn chỉ cần đến UBND phường chứng thực chữ ký lãnh thay lương hưu để mang đến bưu điện lãnh tiền.
"Dẫu biết là cách làm "linh hoạt" nhưng để các cụ lớn tuổi phải đi công chứng thực sự là nhiều rắc rối, phiền hà…" - một cán bộ tư pháp quận Tân Bình nói.
Liên quan đến việc này, ông Phan Văn Mến - giám đốc BHXH TP.HCM - cho hay BHXH TP từng tiếp nhận ý kiến của người dân huyện Hóc Môn, Củ Chi về việc vướng mắc lãnh thay lương hưu, BHXH như trên. Từ đó, BHXH TP đã thống nhất với Sở Tư pháp TP về cách giải quyết.
Đồng thời BHXH TP cũng gửi văn bản (vào tháng 8 và tháng 11-2018) cho Bưu điện TP.HCM để triển khai đến các chi cục bưu điện về việc đề nghị tiếp nhận, chi trả chế độ lương hưu, BHXH trong trường hợp ủy quyền lãnh thay đối với cả trường hợp thực hiện tại phòng công chứng và lập giấy ủy quyền theo mẫu số 13-HSB.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận