Vợ tôi mang thai gần 8 tháng nên đi lại khó khăn, vì thế không thể đến trường đại học để nhận bằng tốt nghiệp đại học được. Do đó, tôi đi nhận thay cho vợ, khi đi tôi có mang theo giấy ủy quyền của vợ, giấy đăng ký kết hôn (của vợ, chồng tôi) nhưng nhà trường vẫn không cho nhận bằng. Vậy có đúng không?
Một bạn đọc ở Gia Lai gửi câu hỏi.
Luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp Kon Tum) trả lời về việc ủy quyền nhận giúp bằng đại học như sau:
Ủy quyền là một trong hai hình thức đại diện theo quy định của pháp luật được quy định tại điều 135 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (gọi là đại diện theo ủy quyền) hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (gọi chung là đại diện theo pháp luật).
Ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên, theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.
Trong đời sống xã hội, các chủ thể có thể tự mình thực hiện các công việc hoặc có thể ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các công việc trong phạm vi pháp luật cho phép.
Hiện nay pháp luật không liệt kê cụ thể việc nào được ủy quyền nhưng quy định các trường hợp không được ủy quyền như khi đăng ký kết hôn thì hai bên nam, nữ bắt buộc phải có mặt; khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chứng di chúc của bản thân không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc...
Qua rà soát pháp luật hiện hành thì không có quy định nào cấm việc ủy quyền cho người khác nhận thay bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, giấy tờ...
Do đó, vì bất cứ lý do nào đó (khách quan, chủ quan) mà vợ bạn không thể đến trường đại học để nhận bằng tốt nghiệp đại học thì có thể ủy quyền cho bạn là chồng hoặc bất kỳ người nào khác nhận thay bằng tốt nghiệp đại học là hoàn toàn bình thường, pháp luật cho phép.
Vì vậy, việc nhà trường không cho bạn nhận thay bằng tốt nghiệp đại học của vợ là cứng nhắc, không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận