Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo - Ảnh: QUOCHOI.VN
Sáng 8-11, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện trung ương quản lý.
Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài và những hành vi tham nhũng trước đây ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.
Cơ bản tán thành nhận định của Chính phủ, bà Nga đánh giá thêm, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán… xảy ra ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.
Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi…
Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…
Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...
Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - Ảnh: QUOCHOI.VN
Trước đó, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết năm 2023 sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…
Tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.
Đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra; kịp thời chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận