Sáng 22-5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày trước Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa XV).
Sản xuất kinh doanh gặp khó
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục có biến động nhanh, phức tạp, khó lường, phó thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được khởi công đồng loạt như 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7km; hoàn thành, đưa vào sử dụng 310km đường bộ cao tốc và một số tuyến đường bộ ven biển.
Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2...
Tuy vậy, nhìn nhận về những tồn tại, thách thức, ông Khái chỉ ra: GDP quý 1-2023 đạt 3,32%, thấp hơn cùng kỳ, nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng...
Đánh giá tích cực về kết quả đạt được về tình hình kinh tế - xã hội, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày đã đề nghị Chính phủ cần quan tâm kỹ hơn khi GDP quý 1 tăng thấp, nhiều trung tâm sản xuất công nghiệp, xuất khẩu chính đã có mức sụt giảm kinh tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm, giải ngân đầu tư công còn chậm…
Đặc biệt với thị trường tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực tới an toàn hệ thống. Trong đó, thị trường chứng khoán sụt giảm, trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, bất động sản trầm lắng.
Đầu tháng 10-2022, sự việc người dân xếp hàng rút tiền khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng như yêu cầu đơn vị này mua lại trái phiếu do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông phát hành khiến SCB rơi vào tình trạng khó khăn, buộc Ngân hàng Nhà nước đặt SCB vào kiểm soát đặc biệt.
Cán bộ, công chức còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Báo cáo cũng nêu một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm lập, triển khai các quy hoạch. Chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, vướng mắc, nhiều vụ việc gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin nhân dân…
Cơ quan thẩm tra cho rằng còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức ở trung ương và địa phương né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp hữu hiệu khắc phục
Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiêm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức. Bám sát thực tiễn, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, cân nhắc kỹ lưỡng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Các chính sách cần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển.
Về các giải pháp, Chính phủ cũng nhấn mạnh tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cho các động lực tăng trưởng (về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu)…
Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xử nghiêm cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận