Các thành viên Ủy ban Cải cách quốc gia Thái Lan bỏ phiếu bác bỏ dự thảo hiến pháp Ảnh: Reuters |
Theo AFP, trong số 240 thành viên NRC tham gia bỏ phiếu, có tới 135 phản đối dự thảo hiến pháp mới. “Điều đó có nghĩa là NRC đã bác bỏ dự thảo hiến pháp mới” - chủ tịch NRC Tienchai Kiranan tuyên bố trên truyền hình.
Quân đội Thái Lan tổ chức đảo chính hồi tháng 5-2014 và cam kết tái thiết đất nước sau nhiều năm khủng hoảng chính trị. Chính quyền quân sự khẳng định hiến pháp mới rất cần thiết để giúp đất nước hàn gắn các khác biệt chính trị trước khi quay trở lại với chế độ dân chủ.
Những người phản đối chỉ trích dự thảo hiến pháp là công cụ giúp quân đội duy trì quyền lực chính trị và cản trở dân chủ. Ví dụ điều 260 trong dự thảo cho phép quân đội thay thế bất kỳ chính phủ dân bầu nào bằng một “ủy ban khủng hoảng” 22 thành viên nếu khủng hoảng chính trị hoặc bạo động nổ ra.
Ủy ban này sẽ bao gồm các quan chức quân đội cấp cao. Hôm qua, Đảng Puea Thai mô tả dự thảo hiến pháp là “độc tài” và sẽ hủy hoại nền dân chủ Thái Lan, đẩy quốc gia này vào hố sâu chia rẽ chính trị. Tuy nhiên, việc NRC bác bỏ dự thảo hiến pháp cũng vẫn sẽ có lợi cho chính quyền quân sự.
Bởi như vậy bầu cử dân chủ ở Thái Lan sẽ bị trì hoãn và chính quyền quân sự tiếp tục nắm quyền. Thành viên NRC Paiboon Nititawan giải thích với kết quả bỏ phiếu này, chính quyền quân sự sẽ phải thành lập một ủy ban soạn thảo dự thảo hiến pháp mới trong vòng 30 ngày.
Ủy ban này sẽ soạn thảo dự thảo mới trong vòng 180 ngày. Sau đó dự thảo sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân. “Tiến trình này sẽ khiến bầu cử dân chủ bị hoãn 6-7 tháng” - ông Paiboon cho biết. Trước đó chính quyền quân sự Thái Lan lên kế hoạch tổ chức bầu cử vào nửa cuối năm 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận