18/06/2015 00:10 GMT+7

​Ưu tiên ngân sách cho bảo vệ môi trường tại các làng nghề

Nguồn: UBND TP.Hà Nội
Nguồn: UBND TP.Hà Nội

Việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề của Hà Nội là một trong những vấn đề được HĐND thành phố đưa ra trong kỳ họp thứ 11 cuối năm 2014.

Trước thực trạng các dự án về bảo vệ môi trường tại các làng nghề đang gặp khó khăn trong việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách và cũng không có nhà đầu tư tham gia theo hình thức xã hội hóa, UBND thành phố Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo việc bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình.

Việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn

Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.

Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất trong khu vực làng nghề có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), nằm phân tán trong khu dân cư, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải; kinh phí đầu tư cho công nghệ, xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường rất lớn nên việc kêu gọi, huy động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường cũng rất khó khăn.

Bên cạnh đó, nhu cầu giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của nhân dân tại khu vực nông thôn luôn là vấn đề cấp thiết, phải ưu tiên giải quyết.

Được biết, trong những năm vừa qua, chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường luôn chiếm 2-3% tổng chi ngân sách của thành phố (mức quy định theo Nghị quyết 41-NQ/TW là tối thiểu 1%).

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư và cung cấp các dịch vụ môi trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào xử lý chất thải rắn, nước thải và công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

Tuy nhiên, việc đầu tư trong lĩnh vực xử lý môi trường ít sinh lời, do đó, công tác kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách còn hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong đợi.

hinh-1-1434536662.jpg

Tập trung đầu tư xây dựng các dự án, công trình xử lý nước thải

Trước những khó khăn kể trên, thời gian qua, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn.

Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, thành phố cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề cho các tổ chức, cá nhân có liên quan về bảo vệ môi trường tại các làng nghề.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, quy định của thành phố liên quan đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề; tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề từ nguồn vốn ngân sách và cả từ nguồn vốn xã hội hóa.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố, từ năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành khảo sát tại 17 làng nghề có ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; từ đó đã lựa chọn 6 làng nghề đặc biệt ô nhiễm về nước thải để tổ chức triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp.

Một số mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đã thực hiện cho kết quả tích cực, đã được nghiệm thu, bàn giao cho cơ sở sản xuất quản lý sử dụng, có thể phổ biến, nhân rộng, như: thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai; thử nghiệm mô hình xử lý bụi làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh; xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề bằng chế phẩm tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai…

Cùng với một số dự án xử lý nước thải làng nghề do UBND quận, huyện đang triển khai thực hiện, hiện một số dự án xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn đã và đang được UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện, như: dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, công suất 13.000m3/ngày đêm sẽ xử lý nước thải làng nghề của 3 xã Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai, được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2016…

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo việc bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề; xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ để tiếp tục từng bước cải thiện chất lượng môi trường tại các làng nghề trên địa bàn.

Trong đó, có việc nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo vệ môi trường tại các làng nghề.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguồn: UBND TP.Hà Nội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp