14/04/2021 10:06 GMT+7

Ưu tiên cho du lịch nội

N.HIỂN - T.LONG thực hiện
N.HIỂN - T.LONG thực hiện

TTO - Đây là trả lời của tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng dành riêng cho Tuổi Trẻ về việc phục hồi ngành du lịch - vốn là lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Ưu tiên cho du lịch nội - Ảnh 1.

Khách tìm hiểu thông tin tour du lịch lễ 30-4 và 1-5 tại TST Tourist, quận 3, TP.HCM chiều 13-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Ngành du lịch Việt Nam có thời điểm đã đóng góp 10% GDP, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy vậy, Việt nam đang là điểm sáng về chống dịch nên hi vọng chúng ta sẽ dần dần mở cửa lại thị trường quốc tế, cân đối lại sản phẩm du lịch, cân đối thị trường khách và giúp ngành du lịch sớm hồi phục. Trước mắt vẫn phải lấy du lịch trong nước làm hướng phục hồi chính.

Ưu tiên cho du lịch nội - Ảnh 2.

Xu hướng mở cửa là tất yếu, nếu không nghiên cứu thì chúng ta sẽ chậm chân, song không phải vì nhanh mà đón tất cả khách vào để dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG

Lấy khách nội bù khách ngoại

* Theo ông, cần phải làm gì để du lịch có thể hồi sinh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở các nước?

- Trước mắt, khi thị trường du khách quốc tế chưa mở cửa, chúng ta cần coi nhu cầu của khách nội địa là trọng tâm để ưu tiên thu hút, cũng như thực hiện nhiều giải pháp, phương pháp tiếp cận mới. Hiện bộ đang chỉ đạo để chuyển mạnh sang du lịch nội địa, thực hiện đồng bộ các biện pháp kích cầu để thúc đẩy du lịch trong nước.

Cần đổi mới hoạt động của các công ty du lịch và các dịch vụ du lịch, thích nghi với trạng thái "bình thường mới", từ đó sẽ có những sản phẩm hấp dẫn để kích cầu và đáp ứng lượng khách nội địa rất tiềm năng.

Bộ đang chỉ đạo thực hiện những biện pháp để cùng với doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn như: tổ chức nhiều hội thảo với các doanh nghiệp lữ hành để lắng nghe những khó khăn, tồn tại và tìm hướng tháo gỡ; đề xuất với Chính phủ các giải pháp khác nghiên cứu để giảm tiền điện trong các cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch, tiền ký quỹ trong các doanh nghiệp lữ hành...

Như đã nói, mục tiêu trước mắt vẫn là hướng đến thị trường nội địa, tái khởi động, làm tốt thu hút du khách nội địa. Trong đó, ngày 15-4 này tại Ninh Bình sẽ có hội nghị với quy mô 500 doanh nghiệp du lịch để kích cầu du lịch nội địa, và sẽ khai mạc Năm du lịch quốc gia, kết nối 14 địa phương trong cả nước đồng loạt khởi động các hoạt động du lịch. Mục đích là làm ấm thị trường du lịch, lấy khách nội địa bù đắp khách quốc tế.

* Nhưng trong việc xem xét mở cửa thị trường quốc tế như chọn từng nhóm khách, quốc gia cụ thể, ông thấy điều này có thực sự khả thi không?

- Việc mở cửa thị trường quốc tế là một xu hướng cần phải nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo nhiều khía cạnh. Bộ đang cùng các bộ ngành khác tập trung nghiên cứu để báo cáo, đề xuất với Chính phủ, xin chủ trương thực hiện. Trong đó, nguyên tắc đảm bảo phòng chống dịch bệnh là trên hết với những hàng rào kỹ thuật, hàng rào y tế chắc chắn. 

Đây là vấn đề quan trọng, chúng tôi sẽ phải làm từng bước và phải thí điểm để đảm bảo giữa lợi ích kinh tế, mức độ an toàn phòng chống dịch bệnh.

Du khách quốc tế vào Việt Nam phải đảm bảo đầu tiên là không mang theo mầm bệnh, phạm vi di chuyển tại Việt Nam ở đâu để kiểm soát chặt. Những người tiếp xúc là nhân viên phục vụ, những đối tượng thụ động khi du khách đi ra bên ngoài cũng là những vấn đề tiềm ẩn, cần phải có những cơ sở, công cụ để quản lý một cách hiệu quả nhất.

Xu hướng mở cửa là tất yếu, nếu không nghiên cứu thì chúng ta sẽ chậm chân, song không phải vì nhanh mà đón tất cả khách vào để dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Ưu tiên cho du lịch nội - Ảnh 4.

Du khách tham quan khu du lịch Tràng An, Ninh Bình - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Du lịch phải được số hóa

* Về lâu về dài, ông có những giải pháp nào để tạo nên sự đột phá trong ngành du lịch?

- Hướng đường dài còn rất nhiều vấn đề, song việc đầu tiên mà bộ đang định hướng là phải tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh số hóa. Trong nền kinh tế số này, du lịch không số hóa thì không thể theo kịp được xu thế của thế giới. Nếu số hóa, chúng ta sẽ giảm rất nhiều nguồn nhân lực và tối ưu hóa hoạt động của mình.

Ví dụ, nếu 6 người vào bảo tàng đến từ 6 quốc gia khác nhau, chúng ta phải có đến 6 người phiên dịch. Khi đã số hóa, chỉ cần một chiếc máy phát thuyết minh có thể lựa chọn ngôn ngữ thông qua mã code, việc thuyết minh sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, còn vô vàn khía cạnh trong lĩnh vực du lịch để số hóa, đem lại hiệu quả tối ưu từ marketing, đặt phòng, hướng dẫn du lịch...

Thứ hai, trong du lịch vấn đề quan trọng nhất là sản phẩm bởi du lịch có tính đặc thù. Bộ đang có chủ trương bàn với các địa phương để khuyến khích có những sản phẩm du lịch của mình mang thương hiệu riêng, độc đáo, chứ nói rộng ra cả Đông Nam Á cứ na ná nhau thì sẽ chẳng ai đến.

Thứ ba, cần phải đầu tư hạ tầng du lịch từ đường sá, các dịch vụ đến nơi ăn chốn ở... Nếu du lịch không có hạ tầng đồng bộ sẽ rất khó phát triển.

Cuối cùng, du lịch phải gắn liền với văn hóa, các hoạt động du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa nên cần tập trung xây dựng văn hóa trong du lịch từ văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, nói chung là từ những điều cơ bản nhất.

Ưu tiên cho du lịch nội - Ảnh 5.

Khách nội địa du xuân tại Hà Giang dịp đầu năm 2021 - Ảnh: T.T.D.

* "Hộ chiếu vắcxin" đang được kỳ vọng sẽ là giải pháp để các quốc gia mở cửa một cách an toàn. Với ngành du lịch thì giải pháp này sẽ được thực thi như thế nào, thưa ông?

- Chính phủ giao Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì nghiên cứu về "hộ chiếu vắcxin", còn Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chỉ là cơ quan phối hợp. Bây giờ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa ủng hộ "hộ chiếu vắcxin", nên quan điểm của bộ vẫn đặt ưu tiên số 1 là đảm bảo an toàn phòng dịch. 

Bộ đang rất tích cực tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề từng bước mở cửa thị trường quốc tế để đón khách quốc tế theo ba nguyên tắc.

Thứ nhất, khách đầu vào phải được kiểm soát dịch bệnh, đây là những người đã được tiêm hai mũi vắcxin ở quốc gia không bùng phát dịch bệnh. Thứ hai, chúng ta sẽ thiết kế hàng rào kỹ thuật xanh trong du lịch, khách chỉ đến trong tour, tuyến đã xác định, có độ giãn cách nhất định với khu dân cư, đề phòng trường hợp xấu nhất là du khách phát bệnh trong thời gian du lịch. Những điểm du lịch này sẽ đảm bảo an toàn với khu dân cư nhưng vẫn có các điểm du lịch, có di tích, danh thắng, sân golf, bãi biển... đảm bảo có đầy đủ các dịch vụ để du khách có thể nghỉ dưỡng, thoải mái tiêu tiền.

Thứ ba, cần phải xác định những người tiếp xúc chủ động và thụ động với du khách. Trong đó, những người làm việc trong khu du lịch là những người tiếp xúc chủ động, được ưu tiên để tiêm vắcxin, đảm bảo nguyên tắc 5K. Còn hạn chế tiếp xúc thụ động, không để du khách bước ra khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Đảm bảo được ba yếu tố đó, các bộ sẽ ủng hộ trình Chính phủ cho phép mở cửa trở lại để cho các doanh nghiệp hàng không, du lịch, lữ hành... vượt qua khó khăn.

Nếu các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đề xuất được sản phẩm du lịch theo đúng tiêu chí trên, có tính sáng tạo thì bộ sẽ ủng hộ, báo cáo Thủ tướng. Ở đây Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, còn các doanh nghiệp du lịch sẽ trực tiếp làm.

* Theo ông, địa phương nào hiện nay có thể thí điểm đón khách quốc tế nhưng vẫn đảm bảo những nguyên tắc phòng dịch trên?

- Về địa điểm, chúng tôi còn đang tính toán, cũng có nhiều địa điểm có thể đảm bảo các nguyên tắc để thí điểm. Tuy nhiên, địa phương phải sẵn sàng, doanh nghiệp phải có đủ năng lực để áp dụng các nguyên tắc trên.

Tôi có thể điểm qua một số địa phương như Quảng Nam có dư địa để làm được, vì quần thể nam Hội An cách xa dân cư hoặc Phú Quốc có những điểm du lịch thuận lợi gói gọn trên đảo. Sau khi thí điểm, nếu thấy khả quan thì có thể thiết kế những tour riêng để đón du khách, như hướng đến phân khúc du khách chỉ thích đi đánh golf... Nếu thí điểm thành công, địa phương muốn thì gợi ý cho họ làm chứ không thể đưa mô hình này vào TP.HCM hay Hà Nội, vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất cao.

* Bà Nguyễn Thị Khánh (chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM): Mới đây, 10 kiến nghị về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành của Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ghi nhận và chuyển Bộ Kế hoạch - đầu tư nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. Dù còn phải chờ đợi nhưng đó cũng là tín hiệu rất tốt cho thấy tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe.

* Ông Phạm Hà (chủ tịch Lux Group): Chúng tôi rất mừng vì thông điệp du lịch là một trong những ưu tiên của tân bộ trưởng trong thời gian tới. Điều này cũng đã được chứng minh bằng sự đồng hành của tân bộ trưởng trong nhiều sự kiện du lịch được tổ chức trong thời điểm dịch COVID-19 vừa qua. Doanh nghiệp sẵn sàng cùng chung tay để phục hồi du lịch hậu dịch, một thị trường đã thay đổi rất nhiều với khách hàng cũng đã rất khác.

* Ông Nguyễn Quốc Kỳ (chủ tịch Vietravel Holdings): Với "hộ chiếu vắcxin", Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cần nhanh chóng xúc tiến, có chương trình hành động cùng cơ quan ban ngành thực hiện càng sớm càng tốt. Du lịch cần vài tháng để quảng bá, các doanh nghiệp cũng cần thời gian chuẩn bị hạ tầng, kỹ thuật, sản phẩm. Để kịp đón khách vào đầu tháng 8 tới như dự kiến, bộ công cụ cũng cần được hoàn chỉnh từ bây giờ.

N.BÌNH ghi

Du lịch nội địa sẵn sàng bứt phá

du khach tam bien vt tet tan suu 2021 (2) 2(read-only)

Du khách đến tắm biển Vũng Tàu dịp Tết Tân Sửu 2021 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nhìn vào lượng khách dịp 30-4 và 1-5 cùng kế hoạch phục hồi du lịch ở một số địa phương, nhiều ý kiến hồ hởi: du lịch nội địa sẵn sàng bứt phá.

Để chuẩn bị đón khách quốc tế, nhiều địa phương thậm chí đã có những kế hoạch dài hơi, đón đầu.

Kín tour 30-4 và 1-5, tour hè nhiều hi vọng

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, tổng giám đốc Công ty Saco Travel, cho biết đến nay doanh nghiệp tạm ngưng nhận khách đăng ký tour dịp lễ 30-4 và 1-5 vì đã quá tải. "Chúng tôi đã nhận được đăng ký tour cho tháng 6 và hiện cũng đã mạnh dạn xuống tiền đặt vé máy bay với hàng không đến tháng 9. Sau nhiều lần lên tiếng và có ý kiến kịp thời từ cơ quan quản lý, các hãng hàng không đã linh hoạt hơn trong cơ chế đổi - trả vé trường hợp tour tuyến bị hủy vì dịch" - ông Tấn cho biết.

Nhiều công ty du lịch, lữ hành còn bất ngờ thông báo đã lên kế hoạch tăng thêm số chỗ tour hè từ 20-30% so với hè năm ngoái. Theo ghi nhận, các tour được tăng cường có lịch trình khởi hành trong tháng 5, 6, 7 và 8. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, đại diện Lữ hành Saigontourist, cho biết Lữ hành Saigontourist sẽ tăng thêm hơn 20% số chỗ cho các tour mùa hè trong nước so với hè năm trước. Các tour tăng cường chỗ đều là hành trình đến các điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước như Phan Thiết, Đà Nẵng - Huế, tour đi Đông - Tây Bắc, miền Tây... Ngoài ra, một số tuyến mới cũng được giới thiệu như hành trình đến Bảo Lộc - Gia Nghĩa để du khách có dịp khám phá một vùng đất đẹp khác của núi rừng Tây Nguyên.

Tại Vietravel, Lữ hành Fiditour-Vietlux, Công ty TST..., số ngày có tour khởi hành trong tháng 4, 5 gần như kín lịch. Ngoài các tour trọn gói dài ngày, các doanh nghiệp du lịch cũng mở thêm dạng tour 1 hoặc 2 ngày đi các điểm gần TP.HCM dành cho gia đình chỉ có thời gian đi vào dịp cuối tuần như Đồng Tháp - Tràm Chim, làng hoa Sa Đéc, Mỹ Tho - Cần Thơ, Tây Ninh... với mức giá chỉ từ vài trăm ngàn đến dưới 2 triệu đồng/khách.

Các địa phương quyết làm mới mình

Bà Trần Thị Thu Hiền, phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết từ ngày 8-4, những hình ảnh của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức phát sóng quảng bá trên kênh truyền thông quốc tế BBC Global News khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên hình ảnh của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu được phát ra quốc tế. "Chi phí phát sóng hết hơn 1 tỉ đồng và đây là nguồn tiền từ xã hội hóa, chứ không phải tiền của ngân sách" - ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết.

Trong khi đó, ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - cho hay hiện tại đang tập trung cho nhiều chương trình kích cầu tại đảo ngọc Phú Quốc, ưu tiên phát triển mảng kinh tế đêm. "Khách quốc tế đã quen với việc tham gia hoạt động vui chơi giải trí ban đêm tại nước họ nên cũng kỳ vọng sẽ được khám phá những nét đặc sắc ở sản phẩm du lịch đêm khi đến Phú Quốc" - ông Thái chia sẻ.

Với tỉnh Quảng Nam, ưu tiên số 1 của ngành du lịch hiện nay là tập trung các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thị trường khách nội địa, trong đó có cả việc phát động chương trình "Người Quảng Nam đi du lịch Quảng Nam". Ngoài ra, tỉnh đang gấp rút làm việc với các khu lưu trú hạng sang và Cảng hàng không Chu Lai (huyện Núi Thành) để thống nhất phương án đón các đoàn khách charter (các đoàn khách trọn gói đi theo một lộ trình khép kín). Rất nhiều khu du lịch, các resort 5 sao tại Hội An, Thăng Bình... cũng đã gửi bản đăng ký được phục vụ. Sở VH-TT&DL cũng đang tính toán để áp dụng chính sách thu hút khách MICE.

N.BÌNH - Đ.HÀ - K.NAM - T.B.DŨNG

Liên kết, trao đổi khách giữa các địa phương

Chiều 13-4, ông Trần Minh Đức, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết Hội Lữ hành và Hội Khách sạn Khánh Hòa vừa ký kết ghi nhớ với 12 hội lữ hành cả nước. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình famtrip "Nha Trang biển gọi" với 130 thành viên đến từ các công ty lữ hành, hội lữ hành trong cả nước đến khảo sát du lịch Khánh Hòa từ ngày 8 đến 11-4.

Các bên cam kết hợp tác du lịch để quảng bá hình ảnh du lịch, liên kết, phối hợp giới thiệu điểm đến, quảng bá xúc tiến các sản phẩm, dịch vụ du lịch qua các cuộc khảo sát tuyến điểm, famtrip, presstrip hằng năm phát triển tour giữa các địa phương và vùng phụ cận. Trước mắt Hội Lữ hành Hải Phòng sẽ đưa khách đến Khánh Hòa vào dịp lễ 30-4, 1-5 và hè, xúc tiến mở đường bay, vé đi xe giá tốt từ Hà Nội, Hải Phòng đến Khánh Hòa.

M.CHIẾN

"Bong bóng du lịch" còn trở ngại gì?

14421taiwanpalau 1(read-only)

Du khách Đài Loan hào hứng du lịch Palau vào ngày 1-4 theo chương trình “bong bóng du lịch” - Ảnh: CNA

Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết New Zealand sẽ cho du khách Úc nhập cảnh miễn cách ly trong khuôn khổ "bong bóng du lịch" giữa 2 nước. Ngược lại, Úc cũng đã cho phép du khách New Zealand miễn cách ly. "Bong bóng du lịch" giữa 2 nước này sẽ chính thức bắt đầu ngày 19-4.

Theo quy định, du khách không được nhập cảnh nếu dương tính với COVID-19 trong vòng 14 ngày hoặc có các triệu chứng giống như bệnh cúm. Bà Ardern cũng cho biết du khách đến từ Úc sẽ di chuyển trên các chuyến bay "vùng xanh", nghĩa là trên chuyến bay chỉ có hành khách tới Úc.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ardern cảnh báo vẫn phải thận trọng. Trong trường hợp bùng dịch, chương trình có thể bị tạm dừng hoặc yêu cầu du khách thực hiện các thủ tục phòng dịch tùy theo tình hình. Khi đó du khách có thể bị kẹt ở 1 trong 2 nước hoặc bị yêu cầu cách ly.

Trong khi đó, "bong bóng du lịch" giữa Đài Loan và Palau được thiết lập vào cuối tháng 3, với 16 chuyến bay dự kiến mỗi tuần. Tuy nhiên, vào ngày 13-4, Hãng hàng không China Airlines (CAL) của Đài Loan thông báo hủy chuyến bay ngày 17-4 do không có khách.

Vào ngày 1-4, Tổng thống Palau Surangel Whipps, Jr là một trong hơn 100 hành khách lên chuyến bay đầu tiên của CAL. Theo báo Liberty Times của Đài Loan, sự quan tâm nhanh chóng suy giảm sau đó một phần do giá các tour du lịch trọn gói còn cao.

Một lý do khác là Đài Loan yêu cầu du khách khi về nước dành 5 ngày để tự theo dõi sức khỏe, sau đó theo dõi tiếp 9 ngày. Dù trẻ em có thể trở lại trường học sau 5 ngày đầu tiên, nhiều bậc cha mẹ đã phàn nàn rằng con cái của họ có thể bị giáo viên và bạn cùng lớp nghi ngại.

MINH KHÔI

Nhu cầu Nhu cầu 'bùng nổ', công ty du lịch mở thêm tuyến, tăng số chỗ tour hè

TTO - Trong khi đang tất bật chốt sổ các tour khởi hành dịp 30-4 và 1-5, nhiều công ty du lịch, lữ hành bất ngờ thông báo đã lên kế hoạch tăng thêm số chỗ tour hè từ 20-30% so với hè năm ngoái để đáp ứng nhu cầu của du khách.

N.HIỂN - T.LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Du lịch
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp