30/07/2011 07:59 GMT+7

Ưu tiên các giá trị văn hóa

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Đó là khẳng định của ông Phạm Quang Nghị - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội - trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 29-7. ông Nghị nói:

74NMI3ZI.jpgPhóng to
Mô hình toàn bộ thủ đô Hà Nội nếu được xây dựng theo quy hoạch chung sẽ được trưng bày cho người dân vào xem trong thời gian tới - Ảnh: Tuấn Phùng

- Mục tiêu là xây dựng Hà Nội trở thành một thủ đô “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. Mục tiêu này vừa tiếp thu từ các đô thị tiên tiến trên thế giới, vừa có mong muốn phát huy giá trị bản sắc và điều kiện tự nhiên của VN. Quy hoạch này có tầm nhìn tới năm 2050, nghĩa là có lộ trình và bước đi thích hợp, không phải vài ba năm có thể làm xong.

Trước hết phải có định hướng chung, trên cơ sở đó mới quyết định điều chỉnh đô thị trung tâm theo hướng giảm bớt mật độ dân cư, chung cư ở đô thị trung tâm, di dời bớt một số cơ sở kinh tế - xã hội không phù hợp. Ví dụ như di dời những nhà máy quá lạc hậu, gây ô nhiễm.

Nói như vậy không có nghĩa là bê nguyên xi nhà máy gây ô nhiễm ở chỗ này ra đặt ở chỗ khác, mà phải dời nhà máy đi đặt nơi khác với công nghệ tiên tiến. Mục đích là để cuộc sống của mọi người dù ở trung tâm hay ở ngoại vi đều có chất lượng sống cao hơn.

Hà Nội là đô thị đa năng

* Trả lời báo Tuổi Trẻ ông từng nói “với Hà Nội thì văn hóa quan trọng hơn”, vậy với việc triển khai quy hoạch chung này thì sao?

JRd1cozC.jpgPhóng to

Ông Phạm Quang Nghị - Ảnh: N.L.

- Các mục tiêu nêu trên đã phản ánh rất rõ việc ưu tiên cho văn hóa. Trên thế giới, có thể thủ đô ở nước này chỉ là đô thị hành chính, thủ đô ở nước khác là đô thị có tỉ lệ các cơ quan kinh tế, các cơ sở sản xuất rất lớn. Hà Nội sẽ là một đô thị đa năng nhưng không quá thiên về hướng các cơ sở kinh tế, phải ưu tiên các giá trị văn hóa, trong đó có cả bảo tồn và bồi đắp các công trình văn hóa mới.

* Vì sao bỏ việc dự trữ khu đất ở Ba Vì để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia trong tương lai?

- Đây là một tiếp thu rất cần thiết. Ban đầu có ý kiến đề xuất một số bộ, ngành dời lên Ba Vì nhưng sau quá trình trao đổi, thảo luận thấy rằng khi đã nói đến trung tâm chính trị ở Ba Đình thì không nên tách rời trung tâm hành chính.

Để xử lý vấn đề hiện nay là nhiều bộ, ngành có trụ sở chật chội, không đáp ứng điều kiện làm việc thì sẽ di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan trung ương ra ngoài nội ô đến khu vực Mễ Trì (Trung tâm Hội nghị quốc gia) và tây hồ Tây. Như vậy là giải quyết được vấn đề rất cơ bản nhưng hết sức hợp lý và khoa học.

* Hà Nội đã nhiều lần làm quy hoạch và sửa đổi quy hoạch, liệu có lo ngại quy hoạch này sẽ mang tính nhiệm kỳ?

- Đây là quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có nghĩa là còn 40 năm nữa chứ không phải nhiệm kỳ. Cũng có thể tư duy của những người tham gia làm quy hoạch hôm nay chưa lường được tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ của 20 năm sau như thế nào, nhưng đây là định hướng chung.

Ví dụ đến năm 2030 tình hình thế giới khác đi, công nghệ phát triển khác đi thì rất có thể có sự điều chỉnh, nhưng sự điều chỉnh đó không phải tùy tiện mà là khách quan.

* Quá trình thực hiện quy hoạch chung này nếu có dự án nào không khả thi thì sao?

- Cái gì không khả thi thì nhất định phải thôi. Bây giờ mình phải hết sức coi trọng phản biện, phản biện của giới khoa học, của giới chuyên môn và của xã hội nói chung. Cái gì dư luận đúng thì phải tiếp thu. Quá trình xây dựng quy hoạch chung này là một quá trình tiếp thu ý kiến của tất cả các giới, các ngành. Mọi ý kiến xác đáng đều được tiếp thu để phản ánh vào quy hoạch, cho tới từng dự án cụ thể.

Điều chỉnh khoảng 700 dự án

* Thành ủy Hà Nội đã xác định khó khăn nhất khi triển khai quy hoạch này là gì?

- Trước mắt là việc rà soát, điều chỉnh trên dưới 700 dự án, trong đó có những dự án đã có chủ trương nghiên cứu, có dự án đã phê duyệt ở các mức độ khác nhau. Thời gian qua, các bên liên quan đến các dự án này đều chờ đợi, bây giờ phải xem trong 700 dự án đó cái nào phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, cái nào không phù hợp thì phải điều chỉnh. Tiếp đến là khó khăn trong việc hình thành các không gian lớn của thủ đô, vấn đề này đòi hỏi phải có nguồn lực về tài chính và nhiều yếu tố khác.

* Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng hầm qua sông Hồng?

- Đó là đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề giao thông của thủ đô Hà Nội, nghĩa là không phải một vấn đề đã quyết định rồi. Hiện vấn đề này đang được nghiên cứu.

* Đến ngày 1-8 là vừa tròn ba năm mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Nhìn lại việc sáp nhập Hà Tây và Hà Nội trong bối cảnh thực hiện quy hoạch này như thế nào?

- Nhất định thuận lợi là cơ bản, nếu không phải như thế chắc không ai đưa ra chủ trương sáp nhập. Tôi cứ hình dung nếu như thủ đô Hà Nội không có quyết định mở rộng vừa rồi thì giãn bớt các bệnh viện đi đâu, các trường ĐH di dời đi đâu, các khu công nghiệp, các nhà máy quá cũ, quá lạc hậu đưa đi đâu.

Chiều 29-7, phát biểu tại lễ công bố quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng và TP Hà Nội tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đây là đồ án quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển bền vững thủ đô Hà Nội, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị ngày càng văn minh, giàu đẹp, vì lợi ích của mỗi người dân, của thủ đô và của cả nước”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định khi triển khai quy hoạch này có hiệu quả, chắc chắn sẽ từng bước nâng cao đời sống của nhân dân về nhà ở, dịch vụ công cộng, y tế, giáo dục...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng điểm khác trong quy hoạch vừa được phê duyệt là đã xác định cụ thể về quy mô và hướng phát triển của đô thị trung tâm và năm đô thị vệ tinh.

Đặc biệt trong định hướng phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo gắn với việc di dời các trường đại học, cao đẳng cũng đã xác định cụ thể việc phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường trong khu vực nội thành, khống chế chỉ khoảng 300.000 sinh viên.

Ông Nguyễn Đình Toàn cũng khẳng định hiện nay quy hoạch chung vẫn có trục hồ Tây - Ba Vì dù trước đó có nhiều ý kiến đề nghị không nên phát triển trục này khi quy hoạch chung không còn xác định dự trữ quỹ đất tại Ba Vì làm trung tâm hành chính quốc gia. Cụ thể, điểm đầu của trục đường này sẽ từ đường Hoàng Quốc Việt, điểm cuối là quốc lộ 21, quy mô mặt cắt sẽ thay đổi trên dọc trục giao thông, phụ thuộc vào địa hình và cảnh quan trong khu vực đó.

Tôi nghĩ bản thân quy hoạch đã tạo ra nguồn lực. Khi nghiên cứu ban đầu, các đơn vị đã xác định để tổ chức thực hiện được đồ án quy hoạch này cần 90 tỉ USD, nhưng tôi nghĩ đây không phải là vấn đề lớn. Bản chất của việc phát triển đô thị có thể nói nôm na là “mỡ nó rán nó”, nguồn lực ở chính đất đai.

Ví dụ khu phía tây Hà Nội, nếu ta vẽ một tuyến đại lộ Thăng Long đi lên trên đó thì đất sẽ lên giá, đó là nguồn lực tự nhiên do quy hoạch mà có. Đất đai là nguồn lực, là tài nguyên quốc gia, làm quy hoạch là để khai thác nguồn lực đấy...

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp