PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp cho các cơ quan báo chí chính thống, trong đó có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
* Hoạt động kinh tế báo chí gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế khảo sát, giám sát thời gian qua và với kinh nghiệm của một người từng quản lý cơ quan báo chí, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Qua khảo sát, lắng nghe ý kiến nhiều cơ quan báo chí, chúng tôi nhận thấy nguồn thu của các loại hình báo chí đều giảm. Số lượng báo in phát hành, doanh thu quảng cáo... đều sụt giảm rất lớn. Các trang báo điện tử cũng không khá hơn, gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh của các nền tảng mạng xã hội.
Truyền hình cũng bị cạnh tranh rất quyết liệt. Thị phần quảng cáo đổ về truyền hình trước đây đã bị các nền tảng khác thâu tóm. Trong khi đó, cơ chế đặt hàng nhiều nơi chưa được thông suốt. Ngân sách nhà nước có thể bố trí nhưng cơ chế đặt hàng còn có vướng mắc từ đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật trong thời gian dài khiến nhiều cơ quan báo chí khó khăn.
Nếu kinh tế báo chí không tốt, nguồn, tiềm lực không tốt sẽ dẫn đến khó đầu tư đẩy mạnh phát triển chiều sâu, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Cùng với đó khó thu hút, giữ chân được người tài vào làm việc, báo chí đã khó lại càng khó hơn.
* Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đề xuất mức thuế suất với các cơ quan báo chí là 15%, giảm 5% so với hiện hành, riêng với báo in tiếp tục được áp mức 10%. Theo nhiều cơ quan báo chí, mức 15% vẫn quá cao trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Với vấn đề giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, các cơ quan báo chí đã kiến nghị nhiều lần. Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi mới nhất, cơ quan soạn thảo đề xuất báo in giữ nguyên mức thuế ưu đãi 10%, còn các cơ quan báo chí khác giảm từ 20% xuống 15%. Như thế, ban soạn thảo cũng đã có tiếp thu, lắng nghe khó khăn của cơ quan báo chí để điều chỉnh.
Tuy nhiên, mức điều chỉnh từ 20% xuống 15% vẫn là chưa đủ mạnh, chưa tháo gỡ được bao nhiêu. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã nêu rõ quan điểm nên giảm đồng loạt cho tất cả cơ quan báo chí xuống mức thuế ưu đãi 10% là hợp lý. Bởi thực tế như đã nêu ở trên, hoạt động báo chí đang rất khó khăn, cần sự hỗ trợ kịp thời.
Việc giảm không làm ngân sách nhà nước bớt đi bao nhiêu. Trong khi nếu giữ mức 15% sẽ làm báo chí chồng thêm khó khăn. Báo chí không phải hoạt động kinh doanh thuần túy mà có nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách và tác động xã hội rất lớn. Giảm thuế chỉ là một cách, ngoài ra cần nhiều giải pháp nữa. Tất nhiên, khi đầu tư tốt cho báo chí thì cũng đòi hỏi báo chí phải nâng cao chất lượng.
Sự phát triển của báo chí có lợi cho cả xã hội chứ không riêng người làm báo và cũng phù hợp với mục tiêu, định hướng của Đảng: báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận công tác tư tưởng.
* Doanh thu của các cơ quan báo chí chính thống, nhất là doanh thu quảng cáo, đã bị sụt giảm mạnh do chịu sự cạnh tranh từ các nền tảng mạng xã hội. Theo ông, ngoài ưu đãi về thuế nên có các cơ chế gì để hỗ trợ các cơ quan báo chí?
- Cùng với chính sách thuế, cần tập trung tháo gỡ, khơi thông nguồn lực đặt hàng. Chỉ thị số 7 của Thủ tướng về tăng cường công tác truyền thông chính sách nêu rất rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về truyền thông chính sách.
Như vậy, các cơ quan phải có con người và ngân sách để làm nhiệm vụ đó. Và báo chí là cơ quan phối hợp thực hiện truyền thông chính sách. Do đó, mấu chốt ở đây là phải hoàn thiện cơ chế để đặt hàng và định mức kinh tế - kỹ thuật phải phù hợp, đơn giá cũng không thấp quá...
* Tại dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đề xuất diện tích quảng cáo trên báo in, tạp chí không vượt quá 30% và 40% tổng diện tích ấn phẩm, tăng gấp đôi quy định hiện hành. Theo ông, đề xuất này liệu có góp phần gỡ khó cho các cơ quan báo chí?
- Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang đưa ra đề xuất nới thời lượng quảng cáo trên phát thanh truyền hình và diện tích quảng cáo trên báo in. Đây là hướng tháo gỡ hợp lý.
Nhưng nên lưu ý sự tiếp nhận của công chúng với các quảng cáo này thế nào. Trong thực tế với báo in, dù tăng diện tích, quảng cáo cũng sẽ không vào báo in nhiều. Thuốc phải đúng bệnh, nếu không sẽ phát sinh vấn đề khác mà không giải quyết được khó khăn.
Nhiều cơ quan báo chí thu không đủ bù chi
Nhiều chuyên gia cho rằng là công cụ đắc lực nhằm tuyên truyền chính sách pháp luật nhưng báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều tờ báo giấy thu không đủ bù chi, càng phát hành càng lỗ.
Hầu hết các báo, kể cả báo in lẫn báo điện tử và phát thanh truyền hình, đều sống nhờ vào nguồn thu từ quảng cáo, nhưng những năm gần đây tiền quảng cáo đã chảy vào các "ông lớn" như Google, Facebook, YouTube, TikTok. Doanh thu hoạt động quảng cáo của báo chí ngày càng teo tóp.
"Nếu không có giải pháp hỗ trợ cho báo chí sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho con người, công nghệ và hậu quả là không phát huy được thế mạnh của mình trong hoạt động tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước... Và khi đó, các nền tảng mạng xã hội trở thành kênh dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực...", giám đốc một doanh nghiệp quảng cáo nói.
Một số chuyên gia cũng cho rằng cần mở rộng chính sách ưu đãi thuế không chỉ áp dụng với hoạt động báo chí (bao gồm cả báo in, báo điện tử, truyền hình) mà với cả những hoạt động khác như quảng cáo, thu tài trợ phục vụ cho báo chí nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu.
* ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM):
Đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí
Đầu tư từ ngân sách đối với các cơ quan báo chí không có nhiều, trong khi nguồn thu từ quảng cáo của hầu hết các cơ quan báo chí chính thống đều sụt giảm do ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan.
Như sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội, các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu - giảm chi quảng cáo đối với cơ quan báo chí do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hay gần đây là bão lũ... Việc thu không nhiều dẫn đến vấn đề chia sẻ, đầu tư trở lại cũng không đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong thời đại ngày nay.
Trong khi đó báo chí có vai trò rất quan trọng, đó là thực hiện tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Do vậy cần phải có nhiều chính sách ưu đãi đối với các cơ quan báo chí. Tôi không nghĩ mức thuế là 10% hay 15% mà tại kỳ họp này, đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí.
Tại kỳ họp lần này, tôi sẽ phát biểu vấn đề này trước Quốc hội, không phải là giảm mà là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để tăng thêm nguồn lực cho các cơ quan thông tin tuyên truyền. Nếu các cơ quan báo chí có lợi nhuận trong hoạt động sẽ rất tốt. Khi đó báo chí có nguồn để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, nâng cao đời sống cho người làm báo.
Điều này giúp phục vụ tốt hơn cho việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân. Đồng thời đấu tranh phản bác với luận điệu sai trái của các thế lực thù địch...
Đề xuất giảm thuế cho báo in xuống 5%
Theo ông Đỗ Chí Nghĩa, có ý kiến cho rằng báo in đang gặp khó khăn nhiều nhất. Nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của báo điện tử, phát thanh truyền hình xuống 10%, báo in sẽ gặp nhiều băn khoăn. Tuy nhiên theo tôi, sẽ không có sự băn khoăn nào ở đây.
Bởi lẽ theo quy hoạch báo chí, các cơ quan báo in đều có báo điện tử đi kèm. Như vậy, nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10% cho báo điện tử chính là hỗ trợ cơ quan báo chí có nguồn lực đầu tư cho báo in. Việc này không mất đi đâu cả. Chưa kể, với một số tạp chí in chưa đủ điều kiện ra điện tử nhưng thấy đồng nghiệp được hỗ trợ, tôi nghĩ sẽ không ai thấy băn khoăn hay có ý kiến thắc mắc gì. Nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo in xuống mức thấp hơn 10% (ví dụ 5%), sẽ càng trọn vẹn.
Nhà nước đã ưu đãi thế rồi, báo nào có biểu hiện giật tít câu view, thậm chí tiêu cực kiểu "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ", xử lý càng nghiêm sẽ càng làm báo chí phát triển tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận