13/11/2024 12:47 GMT+7

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 1: Cần giảm thuế với báo chí

Việc áp dụng thuế 10% với báo in, 15% với báo điện tử, báo nói và báo hình, theo một số chuyên gia, là đi ngược lại với chủ trương khuyến khích đổi mới công nghệ, chuyển đổi số báo chí, nhất là khi doanh thu của hầu hết các tờ báo đều giảm mạnh.

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 1: Cần giảm thuế với báo chí - Ảnh 1.

Lượng bạn đọc báo giấy ngày càng giảm, doanh thu quảng cáo của các tờ báo, kể cả những tờ báo hàng đầu cũng sụt giảm theo, khiến cho đời sống người làm báo ngày càng khó khăn - Ảnh: THANH HIỆP

Trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi vừa được Bộ Tài chính trình lên Quốc hội, một trong những điểm mới là đề xuất bổ sung hoạt động báo chí vào diện ưu đãi thuế. Theo đó, thuế TNDN đối với báo in là 10%, còn đối với các loại hình báo khác ngoài báo in là 15%.

Tuy vậy, phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 12-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị với Quốc hội sắp tới đây thuế TNDN của báo in và báo điện tử là đều 10%, báo giấy trước đây là 10% nhưng bây giờ điện tử cũng là 10%, giảm xuống để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí.

Có ưu đãi nhưng không đáng kể

Ông Trương Bá Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý - giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết trong dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), hoạt động báo chí (bao gồm cả quảng cáo trên báo nói chung thay vì chỉ hoạt động báo in như hiện nay) được đề xuất bổ sung vào nhóm ngành, nghề được ưu đãi thuế TNDN.

Thuế TNDN đối với cơ quan báo điện tử, phát thanh, truyền hình là 15%, thay vì 20% như hiện hành. Riêng báo in tiếp tục được đề xuất áp dụng là 10%. Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cho rằng nên áp dụng thuế suất 10% chung cho tất cả các loại hình báo chí chứ không chỉ riêng báo in nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí.

Theo ông Tú, hầu hết các cơ quan báo chí đều đang hoạt động theo mô hình truyền thông đa phương tiện, nghĩa là đều có các sản phẩm gồm: báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói. Các nhân sự, bộ phận trong tòa soạn cùng tham gia cho tất cả ấn phẩm từ báo in đến báo điện tử.

Do vậy, việc tách bạch chi phí cũng như lợi nhuận và hạch toán cho từng loại hình báo chí như "đồng này của báo in, đồng kia của báo điện tử" là điều bất khả thi, không thể chính xác. Hơn nữa trong số khoảng 800 cơ quan báo chí trên cả nước, số đơn vị tự chủ hoàn toàn và hoạt động có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, báo in ngày càng khó khăn khi doanh thu teo tóp do lượng phát hành giảm, nhất là kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay. "Báo in khó khăn nhưng không phải các loại hình báo khác như báo điện tử, báo hình... không gặp nhiều thách thức khi cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội. 

Do đó để cung cấp thông tin nhanh, chính xác, đáp ứng kịp thời nhu cầu khắt khe của bạn đọc, các cơ quan báo chí phải tập trung nguồn lực đầu tư, đổi mới công nghệ phát triển các loại hình báo chí hiện đại", ông Tú nhận định.

Nhiều cơ quan báo chí cho biết nguồn thu của báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là khi mạng xã hội phát triển bùng nổ, nguồn thu từ quảng cáo của báo chí sụt giảm rất lớn. Do vậy việc "ưu đãi" cho báo in không có nhiều ý nghĩa.

"Trong khi đó việc áp thuế TNDN với mức 15% với báo điện tử, phát thanh, truyền hình không những gây khó cho hoạt động của những cơ quan này mà còn đi ngược lại với chủ trương khuyến khích đổi mới công nghệ, chuyển đổi số báo chí", nguyên tổng biên tập của một cơ quan báo chí nói.

Cần nhiều hỗ trợ hơn ngoài thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đắc Vinh, chủ nhiệm Ủy ban VH-GD, cho hay khi làm việc với các cơ quan báo chí, Bộ TT&TT đều thống nhất đề xuất mức thuế TNDN chung với báo chí là 10% như báo in hiện nay.

Theo ông Vinh, nguồn thu của báo chí dựa vào quảng cáo, trong khi "bánh quảng cáo" lại giảm đi rất nhiều do cạnh tranh từ mạng xã hội dẫn đến các cơ quan báo chí đang rất khó khăn. "Quan điểm của ủy ban là thống nhất với đề xuất mức thuế chung với báo chí là 10% và đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan về việc này", ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tú cũng cho rằng Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư vào khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động kinh doanh. "Do vậy việc áp dụng thuế 10% cho báo in còn 15% cho báo điện tử, báo nói, báo hình phải chăng đi ngược lại với chủ trương này?", ông Tú đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Tú, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan báo chí là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. 

Do đó mức thuế 10% cần được áp dụng cho tất cả các loại hình báo chí để động viên các cơ quan báo chí yên tâm hoạt động và có thêm nguồn lực đầu tư vào công nghệ, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị là thông tin tuyên truyền cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng báo chí hầu như chỉ sống nhờ vào nguồn thu từ quảng cáo, trong khi quảng cáo bị cạnh tranh gay gắt với các "ông lớn" như Google, Facebook, YouTube, TikTok... nên hoạt động quảng cáo báo chí không còn là lợi thế nữa. Nếu không có giải pháp hỗ trợ, báo chí sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho con người, công nghệ...

Bên cạnh đó cần mở rộng chính sách ưu đãi thuế không chỉ áp dụng với hoạt động báo chí (bao gồm cả báo in, báo điện tử, truyền hình) mà còn áp dụng luôn với những hoạt động khác như quảng cáo, thu tài trợ phục vụ cho báo chí cũng được hưởng thuế suất 10% để dễ tính toán, đỡ phức tạp và để các hoạt động này bù trừ lẫn nhau.

"Về lâu về dài, cần chính sách hỗ trợ dài hơn cho báo chí, không chỉ hỗ trợ về thuế TNDN mà còn bằng nhiều chính sách khác", ông Được nói.

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 1: Cần giảm thuế với báo chí - Ảnh 2.

Ngoài việc phải nỗ lực tác nghiệp, các phóng viên phải đầu tư thiết bị công nghệ đời mới để hành nghề - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội):

Cần áp thuế thấp hơn với báo chí

Các cơ quan báo chí không hoạt động đơn thuần như doanh nghiệp mà làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đó là tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và cũng là định hướng dư luận để củng cố lòng tin trong nhân dân, đấu tranh với tiêu cực trong xã hội, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Do đó việc nghiên cứu để có một mức thuế phù hợp đối với các cơ quan báo chí là cần thiết, bởi báo chí hoạt động đa mục đích, không phải chỉ là kinh doanh. Các cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiên cứu, điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Việc điều chỉnh thuế TNDN thấp hơn đối với cơ quan báo chí sẽ giúp các cơ quan này tăng doanh thu, có thêm nguồn lực để phát triển, phục vụ mục đích chính là truyền thông chính sách.

Doanh thu báo chí giảm sâu, người làm báo gặp khó

Theo báo cáo mới đây của Bộ TT&TT, trong quý 3 năm 2024, doanh thu của nhiều tờ báo tiếp tục sụt giảm mạnh.

* Tổng doanh thu báo Công An Nhân Dân ước đạt hơn 22 tỉ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2023; báo Dân Trí có doanh thu hơn 10,2 tỉ đồng, giảm 22%; báo Người Lao Động đạt doanh thu 19,5 tỉ đồng, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2023; báo Lao Động doanh thu đạt 96% so với kế hoạch...

* Lợi nhuận của nhiều tờ báo cũng giảm. Lợi nhuận của báo Dân Trí trong quý 3 năm nay ước đạt chỉ 20 triệu đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2023; báo Nông Thôn Ngày Nay chỉ đạt lợi nhuận... 30 triệu đồng, giảm đến 70,9% so với cùng kỳ năm 2023...

* Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) ước đạt 427 tỉ đồng, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2023. Báo Dân Trí đạt doanh thu hơn 19,1 tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận ước đạt 130 triệu đồng, giảm 15%.

* VnExpress có doanh thu tính đến hết tháng 5-2024 là 63,2 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận đạt gần 12,7 tỉ đồng, giảm đến 60%...

* Theo báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi các đài phát thanh - truyền hình giảm đến 23%.

Doanh thu giảm sút kéo theo thu nhập của những người làm báo chân chính cũng giảm mạnh đến mức rất khó khăn để trang trải các chi phí cuộc sống thường nhật.

Nhiều nước giảm, miễn thuế để hỗ trợ báo chí

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 1: Cần giảm thuế với báo chí - Ảnh 3.

Doanh thu của các báo điện tử cũng sụt giảm mạnh, do mảng quảng cáo đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các mạng xã hội - Ảnh: BÉ HIẾU

Một số quốc gia đã thực hiện các biện pháp như giảm hoặc bỏ thuế đối với phương tiện truyền thông để hỗ trợ ngành công nghiệp này và đảm bảo quyền tiếp cận báo chí.

Chẳng hạn vào năm 2016, Na Uy trở thành quốc gia Bắc Âu đầu tiên giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tin tức kỹ thuật số, tiếp đó là Iceland vào năm 2018. Cũng trong năm 2018, EU đã bật đèn xanh cho việc áp dụng cùng mức thuế VAT cho báo in và báo điện tử.

Đến năm 2019, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển cũng giảm hoặc xóa bỏ thuế VAT đối với phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Cụ thể, trong khi thuế VAT tiêu chuẩn ở các nước này là 24 - 25%, báo chí chỉ đóng thuế 0% (Đan Mạch, Na Uy), hoặc 6% (Thụy Điển) và 11% (Phần Lan).

Pháp chọn hình thức hỗ trợ tín dụng thuế cho người đăng ký tin tức báo chí. Vào năm 2020, giữa đại dịch COVID-19, các đại biểu Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua việc hỗ trợ tín dụng thuế cho bất kỳ người dùng mới nào đăng ký tin tức của một tờ báo hoặc tạp chí thời sự.

Các hộ gia đình sẽ được khấu trừ đến 50 euro khi đăng ký lần đầu và kỳ hạn ít nhất 12 tháng đối với một tờ báo, tạp chí hoặc dịch vụ tin tức trực tuyến "cung cấp tin tức mang tính chất chung hoặc chính trị".

Ngoài ra các đại biểu cũng ủng hộ mở rộng ưu đãi thuế đối với việc đăng ký tin tức theo quý và các lần gia hạn tiếp theo.

Canada cũng cân nhắc tăng ưu đãi đối với người đăng ký tin tức kỹ thuật số từ 15% lên 50% trong nỗ lực hỗ trợ các ngành truyền thông đang gặp khó khăn, đặc biệt là báo chí địa phương, theo báo Guardian.

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 1: Cần giảm thuế với báo chí - Ảnh 4.Bộ Tài chính sẽ đề xuất mức ưu đãi thuế phù hợp với lĩnh vực báo chí

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tiếp thu đề xuất của cơ quan báo chí và có đề xuất cơ quan thẩm quyền mức ưu đãi phù hợp, đảm bảo hài hòa, hỗ trợ cho cơ quan báo chí.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp