Phóng to |
Công nhân sản xuất sản phẩm chi tiết của máy CNC (một loại máy làm ra khuôn để phục vụ sản xuất hoặc chế tạo ra các máy tự động hóa) tại Đồng Nai - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Ngay từ đầu tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công thương đã nhấn mạnh cần cơ chế ưu đãi vượt trội cho các doanh nghiệp CNHT vì ngành này của VN hiện yếu. VN hiện mới có 656 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng trên 58.013 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp - một con số rất ít ỏi.
Trong khi đó, sau khi nghiên cứu nhiều mặt, bộ khẳng định các doanh nghiệp CNHT nội địa để tham gia được vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia hết sức khó khăn, trừ khi có sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước.
Theo Bộ Công thương, do CNHT của VN chưa phát triển, việc dựa vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu (hiện chủ yếu từ Trung Quốc - PV) đã làm tăng chi phí sản xuất, tăng nguy cơ nhập siêu, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp. Vì vậy, hàng loạt cơ chế ưu đãi đã được đưa ra:
- Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào phát triển CNHT được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp đầu tư CNHT được thí điểm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo.
- Được hỗ trợ một phần chi phí (không quá 50% vốn đầu tư) khi đầu tư hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
- Nếu đầu tư mới nằm ngoài khu công nghiệp sẽ được giảm 50% tiền thuê đất 11 năm…
- Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí chi đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật kỹ sư, kỹ thuật viên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ở trong và ngoài nước (Mỗi lao động chỉ được đào tạo một lần và thời gian đào tạo không quá 6 tháng).
- Hỗ trợ một phần chi phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng ký thương hiệu; kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước; kinh phí tiếp cận thông tin thị trường.
- Áp dụng thí điểm đến năm 2020 miễn 50% thuế thu nhập cá nhân so với mức thuế thu nhập cá nhân thông thường áp dụng cho các chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ ở CNHT với thời gian tối đa 1 năm.
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT.
- Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư với lãi suất cao tối đa cũng không quá 80% lãi suất vay thương mại bình thường (cho thời gian vay từ 10 năm trở xuống).
- Dự án sản xuất sản phẩm CNHT hoặc làm cụm CNHT được lựa chọn phương thức nộp tiền sử dụng đất: nộp 1 lần hoặc nộp nhiều lần. Nếu nộp một lần sẽ được giảm 20% số tiền sử dụng đất phải nộp…
Việc phát triển CNHT theo cụm nhóm sẽ đạt tới sự đồng bộ tối đa, giúp tối ưu hóa qui trình sản xuất, cung ứng cho sản phẩm cuối cùng, tạo điều kiện cho việc phân công lao động và chuyên môn hóa trong ngành cao hơn. Vì vậy, nhiều chính sách ưu đãi cũng sẽ được dành cho đầu tư phát triển cụm công nghiệp.
Bộ Công thương cho rằng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cần thiết để phát triển ngành này trước 2018 - khi Hiệp định khu vực tự do ASEAN có hiệu lực hoàn toàn.
Sẽ thành lập nhiều trung tâm phát triển CNHT Theo Bộ Công thương, CNHT là ngành khó khởi sự kinh doanh nếu so với ngành thương mại dịch vụ. Mặt khác các sản phẩm cũng thường xuyên thay đổi thiết kế, mẫu mã để phù hợp với sự thay đổi của thị trường sản phẩm chính. Vì vậy, dự thảo Nghị định Bộ Công thương soạn thảo quy định sẽ thành lập các Trung tâm phát triển CNHT. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ, giúp giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp như hỗ trợ chuyên gia, thiết kế, sản xuất thử nghiệm sản phẩm, kết hợp kiểm nghiệm và kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu các tập đoàn. Đồng thời, thúc đẩy kết nối mạng lưới tiêu thụ, kết nối với nhu cầu của các tập đoàn lắp ráp đa quốc gia trong và ngoài nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận