05/01/2025 10:07 GMT+7

Upstream: Ngược dòng đời

Bằng câu chuyện về khủng hoảng tuổi trung niên của người đàn ông tuổi ngoài 40 ở đô thị lớn, Từ Tranh kể câu chuyện Upstream thật thú vị về nền kinh tế hợp đồng ngắn hạn khi thời của giao hàng nhanh chiếm lĩnh.

Upstream ngược dòng đời - Ảnh 1.

Upstream (Ngược dòng) là bức chân dung sống động về những shipper giao đồ ăn nhanh ở Trung Quốc hiện nay - Ảnh: IMdB

Trong bộ phim Upstream (Ngược dòng), Từ Tranh - đạo diễn kiêm diễn viên chính - bắt đầu câu chuyện về cuộc khủng hoảng tuổi trung niên của Cao Chí Lũy khi đối mặt với loạt vận hạn kéo đến cùng lúc.

Anh bị sa thải khỏi một công ty lớn dù đang là lập trình viên cao cấp, bị xóa sạch tiền tiết kiệm do sụp đổ hệ thống cho vay, ngân hàng đòi nợ căn hộ trả góp, tiền học trường quốc tế cho con và gánh nợ y tế chồng chất sau khi cha đột quỵ.

Cao Chí Lũy cũng đang mắc bệnh tiểu đường, phải tiêm insulin.

Tuổi trung niên và kinh tế hậu đại dịch

Khủng hoảng ập đến cho thấy sự bất an của cuộc sống thành thị. Cao Chí Lũy mất việc ở tuổi 45, oái oăm thay lại đến từ danh sách cắt giảm và hệ thống hóa tối ưu nhân sự do đội lập trình của anh thiết kế trước đó.

Mất việc ở tuổi 45 đồng nghĩa với việc về hưu vì không công ty nào tuyển nhân sự ở tuổi đó.

Trong phim có một chi tiết thú vị: Cao Chí Lũy được mời phỏng vấn nhưng sau khi biết nhầm số tuổi, tay sếp từ chối thẳng thừng và nói với cô nhân viên rằng đây không phải là trại dưỡng lão.

Cao Chí Lũy giấu vợ suốt 2 tháng chuyện mất việc. Và không thể tìm được việc làm mới. Khi sự thật phơi bày, anh thậm chí bật khóc trước mặt vợ, vì áp lực cuộc sống.

UPSTREAM trailer

Không tìm được việc mới trong ngành công nghệ, Cao Chí Lũy buộc phải làm shipper giao đồ ăn để cố gắng trả nợ. Nhưng công việc này vô cùng khắc nghiệt, người lao động phải làm 14 giờ mỗi ngày và mạo hiểm mạng sống trên đường để kiếm đủ thu nhập.

Từ đây, phim dẫn dắt người xem vào hậu trường của các shipper giao thức ăn nhanh khi nền kinh tế hợp đồng ngắn hạn này đang bùng phát trong thời thương mại điện tử.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của shipper không chỉ là hoàn thành các đơn hàng trong ngày một cách nhanh nhất mà còn đối mặt với việc bị đánh giá xấu trên ứng dụng, ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Trong Upstream, Cao Chí Lũy cũng trải qua tất cả những ám ảnh của cái nghề như chú ong thợ này.

Một chi tiết đặc sắc mô tả Cao Chí Lũy bị thương sau một tai nạn xe, đi khập khiễng và đang bị chấn động vì cú va chạm, nhưng trong đầu anh chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là làm sao để không bị đánh giá xấu.

Anh dựng xe dậy và chạy vào một quán bar, đảo mắt nhìn đám đông ồn ào, tuyệt vọng tìm kiếm khách hàng của mình. Một chàng trai trẻ ra hiệu, Cao Chí Lũy đưa túi đồ chứa đầy xiên nướng, rồi giơ hai tay lên ăn mừng. Nước mắt vui sướng hòa lẫn với bụi bẩn và máu trên má shipper.

Upstream ngược dòng đời - Ảnh 2.

Biên kịch, đạo diễn, sản xuất và diễn viên nam chính Từ Tranh - Ảnh: IMdB

Upstream (Ngược dòng) đánh trúng tâm lý của nhiều người ở Trung Quốc trong thời đại hậu đại dịch, khi hàng triệu lao động rơi vào khủng hoảng việc làm, buộc phải chuyển sang làm việc tự do để trang trải cuộc sống.

Sức hấp dẫn của phim không chỉ đến từ cách khai thác một đề tài đang thời thượng và mang nhiều thông điệp xã hội trong thời đại mọi thứ diễn ra quá nhanh, nó còn nói lên nỗi lòng của những con người hiện đại trong áp lực sinh tồn mà họ phải đối mặt.

Một nhà làm phim thời cuộc

Từ Tranh là một hiện tượng khá thú vị của điện ảnh Trung Quốc. Anh xuất thân từ một diễn viên hài rồi chuyển qua làm đạo diễn, thành công thương mại vang dội ngay từ phim hài đầu tay là Lost in Thailand (2012) và hai tập phim khác trong chuỗi này chiến thắng là Lost in Hong Kong Lost in Russia.

Trong chuỗi bất bại của mình, Từ Tranh gây ấn tượng hơn cả nhờ biên kịch, đạo diễn và sản xuất bộ phim ăn khách năm 2018: Dying to Survive (Tôi không phải dược thần) - về cuộc đấu tranh của bệnh nhân ung thư Trung Quốc để tiếp cận thuốc giá rẻ, góp phần thúc đẩy chính phủ cải cách chính sách dược phẩm.

Dying to Survive dựa theo một câu chuyện có thật, gây tiếng vang nhờ tính thời cuộc và thông điệp xã hội giàu tính nhân văn, đặc biệt đối với những người mắc bạo bệnh và phải chiến đấu đến giây phút cuối đời.

Upstream tiếp tục là một phim nặng tính thời cuộc mà Từ Tranh thực hiện khi đi sâu vào nghề giao thức ăn nhanh và cho khán giả thấy công việc này khắc nghiệt như thế nào.

Dù vậy, phim chia rẽ khán giả Trung Quốc. Không ít người cho rằng tác phẩm này cuối cùng vẫn né tránh trực tiếp đối mặt với những vấn đề hệ thống trong nền kinh tế hợp đồng, như việc thiếu bảo hộ lao động cho tài xế giao hàng.

Phần kết phim tập trung vào việc nhân vật chính vượt qua khó khăn nhờ nỗ lực cá nhân - cái kết có phần "mì ăn liền", bị nhiều người châm biếm là jitang (súp gà cho tâm hồn).

Trong phim, sau những chinh chiến của nghề giao thức ăn nhanh, Cao Chí Lũy đã phát triển một ứng dụng điều hướng giúp các tài xế giao hàng nâng cao hiệu suất.

Ứng dụng giúp anh giành được tiền thưởng và thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ứng dụng sẽ bị công ty khai thác để siết chặt thời gian giao hàng hơn nữa, làm tổn hại đến đồng nghiệp của anh.

Đáp lại phản hồi của khán giả, Từ Tranh lên tiếng rằng: "Khán giả khác nhau nên sẽ có cách nhìn khác nhau. Tôi nghĩ làm phim thật khó để chiều lòng hết mọi người".

Nhưng cũng có bài báo cổ vũ cho cách tiếp cận các đề tài mang tính thời cuộc của Từ Tranh, "nếu không ai làm phim về tầng lớp lao động thì họ sẽ hoàn toàn biến mất khỏi màn ảnh. Điều đó có tốt hơn cho người dân bình thường không?".

Upstream ngược dòng đời - Ảnh 3.Anora: Cách nào để hiểu thấu những nỗi đau của nhau

Anora vừa ly kỳ vừa đau lòng, vừa ồn ào vừa buồn bã đến tan nát, hiện là ứng viên sáng giá chiến thắng hạng mục phim hay nhất Oscar 2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp