Người bị tăng huyết áp cần phải tuân thủ đúng những hướng dẫn về điều trị của bác sĩ, đồng thời phải thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp. Khi chỉ số huyết áp của bệnh nhân dưới 150/90 mmHg có thể sử dụng thêm các loại trà thảo dược có tác dụng hỗ trợ ổn định huyết áp.
Trà hạ huyết áp là một dạng thuốc y học cổ truyền, được điều chế bằng cách dùng những dược liệu có tác dụng hạ huyết áp, được chế thành từng gói nhỏ và thường được sử dụng dưới dạng hãm uống. Để làm tăng tác dụng, người bào chế thường phối hợp nhiều dược để tạo thành một gói trà.
Một số cây thuốc thường được chọn để bào chế trà hạ áp như: hoa hoè, cỏ ngọt, dừa cạn, tâm sen và cúc hoa…
- Cây hòe hoa: là một loại cây thân gỗ, thường được trồng để lấy nụ hoa làm thuốc gọi là hoa hoè. Nụ hoa chứa rất nhiều chất Rutin, là hoạt chất có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim và giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mạch. Nụ hoa hòe thường được chọn để bào chế các loại trà hạ áp, liều dùng mỗi ngày từ 4 - 12g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm.
- Cỏ ngọt: là một loại cây thân thảo, còn được gọi với một số tên khác như: cỏ mật, cỏ đường, cúc ngọt… là một loại cây được trồng để làm thuốc. Thành phần hóa học chính trong cây là một chất đường năng lượng thấp, có độ ngọt cao gấp hàng trăm lần đường mía. Chúng được dùng làm chất thay thế cho đường mía, rất thích hợp cho những người phải kiêng chất đường. Cỏ ngọt thường được dùng phối hợp để bào chế các loại trà dành cho những người bị bệnh hoặc cao huyết áp kèm theo tiểu đường hoặc béo phì. Cỏ ngọt có tác dụng làm giảm cảm giác thèm ăn chất ngọt, lợi tiểu, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, ít đau đầu và huyết áp luôn được ổn định.
- Dừa cạn: cũng là loại cây thân thảo, thường mọc hoang và được trồng làm cảnh. Cây này còn gọi với một số tên khác: hoa dừa cạn, trường xuân hoa….. Toàn bộ cây đều được sử dụng làm thuốc. Dừa cạn có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng làm lưu thông máu huyết, lợi tiểu và hạ huyết áp. Liều lượng từ 10-20 gam cây khô mỗi ngày, dùng dưới dạng sắc uống hoặc hãm uống.
- Cây sen: thường mọc ở vùng ao hồ. Người ta thu hái sen về lấy hạt phơi khô, rồi lấy mầm nằm giữa hạt gọi là tâm sen. Tâm sen có vị đắng tính hàn, có tác dụng giãn mạch ngoại vi, hạ áp. Trên lâm sàng dùng chữa chứng mất ngủ, tăng huyết áp. Tâm sen thường được phối hợp với một vài dược liệu khác để trị bệnh. Liều trung bình mỗi ngày khoảng 1,5 - 3g, sắc hoặc hãm uống.
- Cúc hoa hay hoa cúc: là hoa của hai loại cúc: cúc hoa vàng và cúc hoa trắng. Trong cúc hoa có các axít amin như adenin, cholin và Vitamin A. Cúc hoa có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt. Dùng chữa các trường hợp: hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao. Liều dùng: 8-12g hoa dưới dạng hãm hoặc thuốc sắc uống.
Các dược liệu nêu trên đều có công dụng hạ huyết áp. Trà thuốc có thể dùng riêng lẻ, từng vị thuốc hoặc phối hợp nhiều vị thuốc. Nhưng để làm tăng công dụng của trà hạ áp và thuận tiện cho người bệnh dễ sử dụng. Người bào chế thường kết hợp nhiều dược liệu để tạo thành trà thuốc.
Để bào chế trà, đầu tiên phải chọn các dược liệu có tác dụng hạ áp, làm sạch dược liệu, rồi phơi khô. Nếu dược liệu có cấu tạo mỏng manh như: hoa, lá, cỏ... thì chỉ cần tán nhỏ khoảng 3mm. Nếu dược liệu có cấu tạo cứng chắc như: rễ, củ, thân cây thì đem nấu thành cao lỏng. Sau đó trộn các dược liệu với nhau, trộn nhiều lần cho thật đều, rồi phun dung dịch cao lỏng lên hỗn hợp trà thuốc. Sau đó đem sấy khô ở nhiệt độ 60 độ C trong khoảng 24 giờ. Khi cần sử dụng trà, mỗi ngày uống 15-20g, cho trà vào cốc hoặc ấm pha trà, đổ vào nước đun sôi, để sau 3- 5 phút là có thể dùng được.
Trà hạ áp tiện lợi dễ dùng. Tuy nhiên không phải mọi người cao huyết áp đều dùng được. Đặc biệt đối với người huyết áp quá cao, trước khi dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ đang theo dõi điều trị. Trà hạ áp hỗ trợ tốt trong các trường hợp như sau:
- Tăng huyết áp thể vừa và nhẹ kèm theo đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, tê mỏi các đầu ngón tay, ngón chân.
- Dùng phòng ngừa hoặc phối hợp điều trị: chứng xuất huyết dưới da, tăng cholesterol và xơ vữa động mạch.
- Người bị tăng huyết áp kèm theo khó ngủ, tiểu ít.
Liều dùng thông thường mỗi lần dùng 15g, ngày dùng từ 2-3 lần, dùng hãm uống thay trà hàng ngày.
Nếu không có điều kiện để bào chế trà hạ áp. Người bệnh cũng có thể tự chế biến và sử dụng các loại trà dưới đây giúp ổn định huyết áp cũng khá hiệu quả.
- Nước rau cần tây: dùng 250g rau cần tây tươi, rửa sạch, nhúng vào nước sôi trong 2 phút, ép lấy nước. Mỗi lần uống một cốc nước rau cần, mỗi ngày 2 lần. Có tác dụng hạ huyết áp và an thần.
- Trà rau cần tây và táo đỏ: rau cần 300g, táo đỏ 12 quả. Rau cần rửa sạch, cắt đoạn ngắn; táo đỏ rửa sạch. Cho cả hai vào nồi, cùng một lượng nước vừa đủ để nấu lấy nước uống trong ngày.
- Trà rong biển và thảo quyết minh: rong biển 20g, thảo quyết minh 15g, sắc lấy nước uống. Tác dụng làm giảm huyết áp, giảm mỡ trong máu.
- Trà râu ngô: dùng 100g râu ngô, sắc lấy 3 bát nước, chia làm 3 lần uống hết trong ngày, có tác dụng hạ huyết áp, giảm đau và lợi tiểu. Thích hợp cho những bệnh nhân tăng huyết áp, kèm theo nặng nề, phù thũng hai chân.
- Trà tâm sen: tâm sen 3g cho vào cốc, đổ nước sôi hãm 5 - 10 phút. Ngày uống 1 - 2 lần. Có tác dụng hạ huyết áp và chữa mất ngủ.
- Trà hoa hòe: hoè hoa 150g, hạt muồng 150g sao vàng, hai loại số lượng bằng nhau, tán bột, mỗi ngày dùng 10-20g; hoặc dùng riêng mỗi vị 10g hãm uống thay chè. Trà này hỗ trợ tốt cho những người huyết áp cao, đầu choáng váng, tay chân tê mỏi, thần kinh suy nhược và khó ngủ.
- Trà sơn tra và lá sen: sơn tra 15g, lá sen 12g. Hai thứ thái nhỏ, đổ nước vừa đủ đun sôi hoặc hãm nước sôi uống. Ngày uống 3 lần. Công dụng chữa tăng huyết áp, mỡ trong máu cao và giảm béo.
Để điều trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh, bên cạnh việc dùng trà hạ áp hàng ngày để ổn định huyết áp, người bệnh cần tuân thủ những hướng dẫn về điều trị của bác sĩ, thường xuyên đo huyết áp, tập thể dục đều đặn nhằm giúp tăng cường sức khỏe và nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận