- Đối với các nước phương Tây, rượu bia là thức uống có cồn phổ biến. Cho nên, từ lâu đã có nhiều công trình nghiên cứu ở các nước từ châu Âu, châu Mỹ về ảnh hưởng của rượu đối với huyết áp con người. Các nghiên cứu này khẳng định uống rượu có làm tăng huyết áp, đặc biệt uống nhiều và uống lâu dài thì mức độ tăng huyết áp càng nặng.
Ở châu Á, đã có một công trình nghiên cứu tại nước Nhật trên hơn 5.000 đàn ông Nhật, tuổi từ 23-59, theo dõi họ hơn bốn năm về việc uống rượu có làm tăng huyết áp không. Số người đó chia làm bốn nhóm: nhóm uống rượu rất ít (dưới 12 gram cồn/ngày), nhóm uống ít (12-22 gram cồn/ngày), nhóm uống vừa (23-45 gram cồn/ngày) và nhóm uống nhiều (trên 46 gram cồn/ngày). Lưu ý một ly rượu vang thông thường chứa khoảng 20 gram cồn.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy uống rượu càng nhiều huyết áp càng tăng, tuổi càng cao uống rượu càng dễ làm tăng huyết áp. Tóm lại, người không muốn hoặc có nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp thì không nên uống rượu. Hoặc vì lý do phải uống rượu do giao tiếp thì nên uống thật chừng mực, uống càng ít càng tốt, lâu lâu hãy uống chứ không nên uống quá thường xuyên. Còn người bị bệnh tăng huyết áp càng không uống rượu càng tốt.
Thế người huyết áp thấp có nên uống rượu? Trước hết, cần lưu ý huyết áp thấp đến mức độ nào đó (như huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg) là rối loạn cần được khám bệnh và chữa trị. Mặc dù rượu gây tăng huyết áp nhưng không nên uống rượu để giúp làm tăng huyết áp ở những người có huyết áp thấp. Bởi chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh những người có huyết áp thấp uống rượu trong bao lâu, uống mức độ nào sẽ làm huyết áp tăng đến mức mong muốn và đạt được sự an toàn. Hơn nữa, uống rượu theo kiểu “chữa bệnh” lạ thường này lợi đâu chưa thấy, mà có thể vướng vào vòng hệ lụy khốn khổ do bị nghiện rượu vì cứ thường xuyên uống rượu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận