Nước giúp cơ thể duy trì được nhiệt độ ở mức thích hợp, tạo thành dung môi tiêu hóa thức ăn trong hệ tiêu hóa, vận chuyển các chất dinh dưỡng tới tế bào, thải độc tố trong cơ thể (bác sĩ thường khuyên bệnh nhân uống nhiều nước khi sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh).
Ngoài ra, nước còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa mỡ thành năng lượng, nếu không lượng mỡ thừa sẽ bị tích trữ lại trong cơ thể gây ra tình trạng thừa cân và béo phì.
Nhu cầu nước trong mùa nóng
Nắng nóng làm tăng nhu cầu về nước do cơ thể bị mất nước qua da (tăng tiết mồ hôi) và qua phổi (tăng nhịp thở). Mất nước sẽ làm giảm thể tích máu, giảm máu qua thận, giảm bài tiết nước tiểu, gây rối loạn chuyển hoá trong tế bào, làm tăng urê, tăng các sản phẩm tan trong máu. Mất nước còn giảm đi những chất điện giải quan trọng trong cơ thể. Lúc nắng nóng, mồ hôi thoát ra nhiều nên nhu cầu về nước tăng cao, nhất là với những người làm việc nặng hoặc ngoài trời nắng. Lúc này, cơ thể cần nước để bù cho lượng mồ hôi thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, trong cùng một điều kiện lao động như nhau và lượng mồ hôi thải ra cũng tương đương, nhóm người được uống nước đầy đủ, đúng cách sẽ khỏe mạnh hơn, năng suất lao động cao và trạng thái mệt mỏi đến chậm hơn... Còn ở nhóm uống nước hạn chế và nhóm uống nước không đúng cách (uống liền một lúc nhiều nước, để khát lâu mới uống...), cảm giác mệt mỏi đến nhanh hơn, năng suất lao động giảm.
Cứ 10kg trọng lượng cơ thể cần ít nhất 0,4 lít. Thí dụ bạn nặng 50kg, cơ thể bạn cần 2 lít nước/ngày. Người sức khỏe bình thường có thể uống bất cứ loại nước giải khát nào. Người bệnh và trẻ em nên thận trọng khi uống các loại nước chế biến công nghiệp.
Khá nhiều người dân chọn các loại nước bán vỉa hè để giải khát, vừa tiện lợi vừa rẻ, phổ biến như nước sâm bổ lượng, sâm bí đao, bông cúc, chanh dây, tắc, cốt dâu tằm, cốt nho, trà sữa...
Ngoài ra còn kể đến các loại nước ép trái cây như cam, bưởi bày bán ở lề đường, tuy nhiên có nhiều điểm chỉ ép trái cây tượng trưng còn thực chất là pha từ loại bột trên. Hoặc các loại trà sữa trân châu, lục trà, hồng trà với các nguyên liệu pha chế bán ở chợ hầu hết đều có nguồn gốc và hạn sử dụng không rõ ràng. Các loại nước giải khát này không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sử dụng.
Dù là nước đun sôi để nguội hay nước chế biến từ rau củ quả đều phải được chế biến, bảo quản hợp vệ sinh an toàn khi sử dụng, để phòng tránh các bệnh mùa nóng như tiêu chảy, nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa…
Những thức uống thông dụng thường ngày
- Nước trắng (nước máy, nước mưa) đủ điều kiện không màu, không mùi vị lạ được đun sôi để nguội vẫn là thứ nước uống tự nhiên và an toàn tuyệt đối, không có chống chỉ định với tất cả mọi người, rất thông dụng và hiệu quả.
- Sữa đậu nành, sữa tươi, sữa tiệt trùng, nước dừa tươi, nước cam vắt, nước chanh đường, nước vối, nước trà tươi... là món giải khát truyền thống tuyệt vời rất nên dùng.
- Nước trà, đặc biệt nước trà xanh do hương vị thơm đặc trưng dễ chịu, giải khát tốt nên được nhiều người ưa chuộng. Trong lá trà có nhiều tanin, cafein, glucosid, một ít tinh dầu, các vitamin và muối khoáng. Vị chát của tanin trong chè có tác dụng tốt đối với niêm mạc đường tiêu hóa, kìm hãm quá trình gây thối, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có ích trong ruột hoạt động. Vitamin C trong lá trà tươi nhiều gấp 4 lần nước cam, nước chanh. Còn vitamin P trong trà xanh - những flavonoid - có tác dụng giảm thẩm thấu mao mạch làm tăng độ bền chắc của mạch máu, giữ cho mạch máu mềm mại. Trong chè còn có các chất khoáng kể cả các yếu tố vi lượng như sắt, iốt.
Bạn đã uống nước đúng cách chưa?
- Bạn cố gắng đừng để mình nhịn uống quá lâu mà phải uống thường xuyên ngay cả khi chưa thấy khát. Nếu vì hoàn cảnh mà không uống được, đến khi thấy khát, bạn cũng đừng uống nhiều nước ngay một lúc, mỗi lần chỉ nên uống 100-150 ml nước, cách nhau 15-20 phút. Hãy uống từ từ ít một cho đến khi hết khát. Uống một hơi quá nhanh và nhiều để thoả mãn cảm giác khát chỉ thêm gánh nặng cho tim và ảnh hưởng đến công năng bình thường của dạ dày và thận, khiến tim phải làm việc nhiều và ra quá nhiều mồ hôi.
- Không nên uống nước ướp lạnh khi ăn thức ăn nóng, sự chênh lệch nhiệt độ bất thường làm ảnh hưởng bất lợi đối với răng, lợi, dạ dày và ruột.
- Nếu ai hay thức giấc tiểu đêm khó ngủ thì uống nhiếu nước trong ngày, giảm dần về tối, từ 5g chiều chỉ nhấp chút ít cho khỏi khô miệng.
Vài lưu ý khi uống nước mùa nóng
- Phụ nữ mang thai không nên uống trà xanh. Trong trà xanh còn có chất EGCG có tác dụng chống ôxy hóa.Với người bình thường, nó rất tốt, giúp lợi tiểu, chống lão hóa, nhưng đối với thai phụ khi chất EGCG vào cơ thể sẽ làm giảm hàm lượng axit folic, ảnh hưởng tới hệ thần kinh của thai nhi.
- Chất tanin trong trà kết hợp với chất sắt trong thức ăn sẽ thành hợp chất khó được cơ thể hấp thụ. Do vậy, thai phụ uống quá nhiều nước trà đặc có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, tất yếu thai nhi sinh ra sẽ dễ bị thiếu máu do thiếu sắt bẩm sinh.
- Đối với người cao tuổi, tỷ lệ nước có thể giảm tới 15%, chức năng thận giảm dẫn đến khối lượng nước lọc qua thận giảm, vị giác kém, dạ dày thường no, trung tâm điều khiển khát nước bớt nhạy cảm với nhu cầu nước của cơ thể khiến cho dù khát cũng không thấy muốn uống. Do vậy người cao tuổi cũng lưu ý uống nước đầy đủ hơn để tránh thiếu nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận