Dàn đồng ca trữ tình tại lễ hội bia - Ảnh: THÁI LỘC |
Các đồng chí cảnh sát sẽ bắt những người nào say xỉn
“Tối nay là ngày cuối cùng của lễ hội bia đấy!”, đồng chí Choe nữ nói với chúng tôi ngay sau bữa ăn tối. “Lễ hội bia?”, những thành viên trong nhóm há hốc mồm, không thể tưởng tượng được ở đất nước “đóng mịt cửa” lại có một lễ hội bia được tổ chức ban đêm...
Chúng tôi được cô hướng dẫn hẹn lúc 8g tối có mặt tại sảnh khách sạn để đi dự lễ hội bia.
Ai cũng háo hức nên có mặt trước giờ hẹn. Xe chạy một vòng rồi đỗ ngay trước cổng Đại Đồng môn, chiếc cổng cổ nằm trên một nền cao, trên đường Pyongchon Kangang song song với sông Đại Đồng.
Vừa xuống xe, tôi vọt lên chiếc cổng cổ được chiếu điện rực sáng để chụp hình và quay phim.
Trong chừng hơn năm phút, tất cả hình ảnh dòng sông Đại Đồng bên dưới, một phần lễ hội bia lẫn chiếc cổng cổ Đại Đồng đều nằm gọn trong iPhone 6.
Chúng tôi mua vé vào cổng, 2 USD hoặc là 15 nhân dân tệ mỗi người.
Ngay cổng vào là tấm biển “Lễ hội bia Đại Đồng” in hình cốc bia lớn dành cho mọi người chụp hình.
Cạnh đó là quầy bán bia tươi với hàng chục tiếp viên nữ váy ngắn, trắng trẻo và thường trực nụ cười tươi trên môi.
Những tiếng gọi bảo í ới, bia được mở vòi rót và đưa đi liên tục. Có bảy loại bia cùng tên Taedonggang, giá mỗi cốc thấp nhất là 50 won (khoảng 15.000 đồng) và cao nhất là 250 won (75.000 đồng).
Có hai quầy bán đồ nhắm, đồ nướng và đồ khô nhưng thực đơn khá nghèo nàn. Chúng tôi luồn lách qua những khu vực của lễ hội để tiến sát sân khấu, nơi có dàn diễn viên nữ tuyệt đẹp đang đồng ca một bản nhạc có giai điệu trữ tình rất cuốn hút.
Khi đèn sân khấu chiếu về phía khán đài mới thấy hết toàn cảnh rất nhiều khu vực của lễ hội. Hai bên là hai dãy chòi gỗ che bạt, ở giữa là cụm bàn tròn và phía sau là những bàn ximăng che dù... Tất cả đều chật kín người.
Choe dẫn chúng tôi đi tìm chỗ nhưng không còn một bàn trống nào. Chúng tôi chọn một bàn ximăng che dù ở giữa, chung bàn với hai cặp trung niên đang uống bia.
Cạnh bên là một bàn tám người phụ nữ đứng tuổi rất vui nhộn, được Choe giới thiệu là công chức ở Bình Nhưỡng.
Mỗi một bản nhạc nổi lên, cả tám người cùng nhau ra nhảy theo các làn điệu bài hát, với những động tác uốn lượn, huơ tay theo điệu múa truyền thống của người Triều.
Không chỉ cùng nhau nhảy múa, họ còn kéo những người đàn ông đang ngồi các bàn bên cạnh cùng nhảy với mình, tạo nên một khung cảnh rất vui nhộn và hòa đồng.
Rất bất ngờ, hai thành viên nữ của đoàn chúng tôi là Huyền Trang và Phương Giang cũng được mời cùng nhảy.
Không thấy hướng dẫn viên Choe ngăn cản nên hai bạn nữ có được trải nghiệm rất thú vị hiếm có. Chúng tôi mời Choe cùng uống bia, nhấm nháp xúc xích nước và thịt khô xé sợi. Cô vui vẻ nhận lời.
Sau các tiết mục nhạc là phần thi uống bia được đông đảo người tham dự hưởng ứng. Cuộc thi với ba đội, hai đội gồm một nam một nữ và đội còn lại là hai người đàn ông. Sau nhiều phần đối đáp và trò chuyện là đến phần uống bia.
Phụ nữ trên sân khấu cũng được uống ngang ngửa với đàn ông, hàng chục bàn bia phía trước sân khấu cũng vậy: nam hay nữ đều gần như bình quyền nâng cốc...
Hào hứng rời lễ hội bia, chúng tôi bắt gặp tốp cảnh sát túc trực ngoài cổng. “Các đồng chí cảnh sát sẽ bắt kẻ nào say xỉn?” - tôi nói vui với Choe.
Choe gật đầu mỉm cười. Nụ cười ửng hồng sau chầu bia đêm kết thúc ngày làm việc bận rộn.
Thiếu thốn vật chất, tặng mì ly như đi cứu trợ miền Trung
Trong những ngày ở Triều Tiên, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự thiếu thốn vật chất, nhất là các loại nhập khẩu.
Buổi ăn sáng đầu tiên tại Bình Nhưỡng ở một nhà hàng tầng ba thuộc khách sạn Koryo với các món tự chọn.
Khi đang ngồi ăn, một thành viên trong nhóm đi lấy cà phê. Thấy lâu về, chúng tôi tìm kiếm thì thấy “đồng chí phục vụ” và thành viên này đang tranh luận về một bất đồng nào đấy.
Một hồi lâu cậu ấy mới về bàn nhưng về tay không. Hỏi ra mới biết “đồng chí phục vụ” hỏi khá nhiều, từ số phòng, quốc tịch... mà không hiểu để làm gì, và tất nhiên không cho rót cà phê mang về bàn.
Chừng năm phút sau, cũng ở góc phòng có bàn cà phê, một cuộc “cãi cọ” hay nói đúng hơn là phản ứng khá gay gắt của một vị khách Tây.
Vị này cũng đi lấy cà phê, được hỏi nhiều thứ, và dường như hai bên không hiểu nhau và khách cũng không lấy được cà phê để uống.
Sau này chúng tôi mới biết trong bữa ăn, chỉ riêng cà phê là loại nhập khẩu không có trong thực đơn, ai muốn uống phải tính tiền riêng.
Trên chuyến tàu liên vận từ Đan Đông sang thành phố biên giới Tân Nghĩa Châu của Triều Tiên, cuộc lục soát hai vợ chồng người Trung Quốc cùng đoàn của mấy vị lòi ra rất nhiều bút bi.
Hỏi ra mới biết họ đem tặng các em nhỏ khi đến thăm Cung thiếu nhi Bình Nhưỡng. Có lẽ những vị khách này được mách nước bởi bạn bè từng du lịch Triều Tiên trước đó.
Còn nhóm du khách Việt Nam chúng tôi chẳng biết mô tê gì, cũng chẳng biết mua thứ gì và mua ở đâu để tặng.
Soát xét lại trong nhóm chỉ có mì ăn liền loại ly là dư thừa, vì tất cả thành viên trong đoàn đều chuẩn bị sẵn từ trước, phòng khi nơi đến ẩm thực lạ khó nuốt. Hỏi cô hướng dẫn viên quà ấy có được không và được gật đầu.
Thế là khi đi thăm, cả nhóm xách mấy bao mì kè kè vào tặng, chẳng khác gì đến hiện trường phân phát hàng cứu trợ bão lũ ở miền Trung Việt Nam...
Lễ hội bia Đại Đồng
Lễ hội bia Taedonggang Bình Nhưỡng được khai mạc ngày 20-8 bên bờ sông Đại Đồng tuyệt đẹp tại Bình Nhưỡng trong sự háo hức mong chờ của người yêu bia khắp cả nước. Lễ hội phục vụ nhiều loại bia của nhà máy Taedong, trong đó có cả bia làm từ gạo và bia đen. Bia Taedonggang được bảo chứng nguyên liệu an toàn. Nguồn nước thiên nhiên dưới lòng đất dùng để ủ bia lấy từ một đoạn sông Đại Đồng không bị ô nhiễm và nguồn nước này cũng được kiểm nghiệm có nồng độ mặn thích hợp. Lúa mạch và gạo lấy từ tỉnh Nam Hwanghae - vựa gạo của quốc gia. Còn cây hoa bi (hoa bi khô dùng để ủ bia) được trồng tại tỉnh Ryanggang - nơi nổi tiếng thế giới về loài hoa này, được trồng theo phương thức trang trại hữu cơ. |
___________________
Kỳ tới: Bàn Môn Điếm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận